Năm nào cũng vậy, số người gặp vấn đề về sức khỏe trong dịp Tết đều cao. Năm nay, do thời gian nghỉ Tết kéo dài nên dự đoán số bệnh nhân có thể tăng nhiều hơn. Để bảo đảm công tác cấp cứu, khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh, các bệnh viện (BV) đã sẵn sàng về mọi mặt, từ nhân lực đến trang thiết bị, thuốc, dịch vụ y tế…
Ứng phó với thảm họa, dịch bệnh
Tại TP.HCM, PGS. TS. BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết ngành y tế đã sẵn sàng kế hoạch cấp cứu dịp Tết, đặc biệt tại các điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí, điểm bắn pháo hoa, hội chợ. Sở yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập có kế hoạch bảo đảm nhân sự, phương tiện, thực hiện tốt công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện các bệnh viện đã chuẩn bị các phương án, sẵn sàng về phương tiện cấp cứu, trang thiết bị hỗ trợ cần thiết để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra.
Theo TS. BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), hiện bệnh viện (BV) đã triển khai công tác cấp cứu dịp Tết đến tất cả các phòng, ban, khoa. Cụ thể: trực tổng đài 24/24 giờ, kiểm tra đường dây liên lạc toàn BV; lập danh sách bác sĩ trực; chuẩn bị dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền; lên phương án cấp cứu thảm họa, các ê-kíp cấp cứu ngoại viện luôn trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh; chuẩn bị ứng phó trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, dịch bệnh...
Theo lãnh đạo 2 BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, vào dịp Tết, số trẻ cấp cứu nhiều nhất do ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp, bị hóc dị vật đường thở, hóc hạt dưa, hạt bí, xương cá; chấn thương do tai nạn, phỏng nước sôi, té ngã... Hiện kế hoạch chi tiết về cấp cứu bệnh nhi trong dịp Tết cũng đã được triển khai đến các khoa, phòng. Theo đó, tất cả các khoa đều phải bố trí ê-kíp trực có bác sĩ và điều dưỡng để bảo đảm chăm lo cho bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Tại các khu cửa ngõ TP, số người gặp tai nạn giao thông (TNGT) thường gia tăng vào dịp Tết. Hiện ngoài quy trình thường quy, các BV như Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Đa khoa Củ Chi... cũng đã lên kế hoạch cấp cứu, trực BV vào ngày Tết. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết do nằm tại khu trung tâm cửa ngõ nên BV thường tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ở quận 2, quận 9 và từ tỉnh Đồng Nai chuyển đến. Vào dịp Tết, số bệnh nhân do TNGT, do lạm dụng rượu bia sẽ tăng 15%-20%. Việc tăng cường thêm nhiều bác sĩ cấp cứu tại các khoa, phòng dịp Tết luôn được chú trọng. Các BV đa khoa, chuyên khoa trong trung tâm và ngoài cửa ngõ TP như: Khu vực Thủ Đức, Gia Định, Cấp cứu Sài Gòn, Chấn thương Chỉnh hình... cũng đều cho hay đã lên kế hoạch chi tiết trực cấp cứu ngày Tết.
Triển khai 5 trạm cấp cứu vệ tinh
Theo bác sĩ Bùi Văn Thêm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM, trung tâm đã chuẩn bị đủ lượng máu phục vụ cấp cứu trong dịp Tết trên địa bàn.
Là nơi điều trị chuyên sâu tuyến cuối của Bộ Y tế nên theo Sở Y tế, nhằm tăng cường công tác y tế phục vụ Tết, Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai 5 trạm cấp cứu vệ tinh tại các địa bàn dân cư trọng yếu nhằm giúp việc cấp cứu nhanh chóng và chuyên nghiệp; nhất là cấp cứu trong tình huống tai nạn hàng loạt hoặc thảm họa. Tại khu vực trung tâm có trạm cấp cứu khu vực đặt tại BV Đa khoa Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1). 4 trạm cấp cứu còn lại đặt tại BV Đa khoa Khu vực Hóc Môn (65/2B Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn), BV quận Bình Tân (số 809 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A), Bệnh viện quận Thủ Đức (số 29 Phú Châu, KP 5, phường Tam Phú) và tại BV quận 7 (số 101 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú).
Trung tâm Cấp cứu 115 còn kết nối với khoa cấp cứu của toàn bộ hệ thống BV công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP; phối hợp với mạng lưới sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ trong xử lý cấp cứu tại hiện trường. Hằng ngày, trung tâm bố trí 30 kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước khi nhập viện của người bệnh trên địa bàn, đặc biệt là đáp ứng cấp cứu trong tình huống tai nạn hàng loạt hoặc thảm họa...
Bình luận của bạn