Hội chứng đau vai gáy



Những đợt đau vai gáy cấp tính rất khó chịu.

Do tư thế đầu luôn ngả về phía trước trong suốt quá trình làm việc nên giai đoạn đầu thường là mỏi cổ vai, lâu dài thành đau vai gáy làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bả vai và gáy, đôi khi lan xuống cánh tay, có thể kèm theo dấu hiệu tê buốt. Bệnh lý này rất khó điều trị khỏi hoàn toàn, mà thường sẽ theo bệnh nhân lâu dài, tình trạng đau mỏi vai gáy diễn ra thường xuyên làm cho họ không thể tập trung vào công việc được. Chính vì thế, bệnh nhân cần phải tìm hiểu kỹ về hội chứng này và tìm được cách "chung sống hòa bình" với nó. Thông thường, trên nền nhức mỏi nhẹ vùng vai gáy có thể chịu đựng được, sẽ xuất hiện những đợt đau cấp tính. Điều trị bằng thuốc thường áp dụng trong những đợt đau cấp tính này, bao gồm thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ và bổ thần kinh. Khi hết đợt đau cấp, bệnh nhân không cần thiết phải uống thêm thuốc nữa mà nên tập vật lý trị liệu.

Tập vật lý trị liệu có thể thực hiện được ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt là những lúc ngồi làm việc. Bệnh nhân để hai tay trước ngực rồi đưa lên cao quá đầu, sau đó hạ tay xuống. Tiếp theo nghiêng đầu sang bên phải, bên trái, ra trước, ra sau. Cuối cùng là động tác vặn người sang bên trái, rồi sau đó vặn người sang bên phải. Bệnh nhân chỉ mất khoảng 10 - 15 giây để thực hiện chuỗi các động tác trên nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Cứ 30 phút nên lại thực hiện 1 lần. Khi ngồi lâu một tư thế sẽ làm các cơ bị co cứng, lâu dần gây cảm giác nhức mỏi khó chịu. Những động tác này sẽ làm các cơ được kéo giãn, lưu thông tuần hoàn dẫn tới giảm triệu chứng nhức mỏi. Sau giờ làm việc, bệnh nhân có thể tham gia các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, tennis hay khiêu vũ, sẽ giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dẻo dai và khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng. Người bệnh không nên ăn các thực phẩm có tính hàn; hạn chế nằm máy lạnh hay quạt gió thổi thẳng vào người và đặc biệt không được dùng gối cao khi ngủ. Những tình huống trên rất dễ làm cho các cơ vùng cổ bị co cứng, chèn ép thần kinh, làm các triệu chứng như đau nhức và tê buốt vùng vai gáy nặng lên. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tắm nước nóng thường xuyên, giữ ấm khi thay đổi thời tiết.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin