Nhiều trẻ tuổi mẫu giáo mắc viêm tai giữa

Tỷ lệ trẻ mẫu giáo mắc viêm tai giữa tiết dịch khá cao (Ảnh minh họa)

Trẻ bị chảy nước tai có nguy hiểm không?

Cảnh giác với viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ

Thủng màng nhĩ vì viêm tai giữa

Viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa mạn tính

Để có được kết quả này, BS Nhân - người phụ trách đề tài trên cho biết, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ đã tiến hành trong hai năm (2012 - 2014) tại các trường mẫu giáo trên địa bàn TP. Cần Thơ. “Chúng tôi điều tra khoảng 1.200 trẻ lứa tuổi mẫu giáo tại các trường trên địa bàn và thấy rằng tỷ lệ mắc viêm tai giữa tiết dịch ở độ tuổi này chiếm 19,4%”, BS Nhân cho hay.

Viêm tai giữa tiết dịch là một bệnh lý “thầm lặng” của tai giữa, thường không có triệu chứng rõ ràng nên gây khó khăn cho chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lứa tuổi từ 2 - 5 tuổi.

Vì là bệnh lý ít biểu hiện bên ngoài nên trẻ không có phản ứng và cha mẹ khó hoặc không hề hay biết. Trẻ đi khám bệnh chủ yếu do viêm nhiễm đường hô hấp trên gây chảy mũi, nghẹt mũi. Biểu hiện nghe kém được cha mẹ chú ý khi trẻ chậm phản ứng, không nghe rõ, học tập sa sút, xem hoạt hình phải mở âm lượng lớn… lúc đó cha mẹ nghi ngờ mới cho trẻ đi khám. Trẻ lớn có cảm giác nặng tai, đầy tai, ù tai, hay kéo vành tai để nghe.

Theo BS Nhân, nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm trẻ giảm sức nghe, ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như thay đổi hành vi giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy, tất cả trường hợp viêm tai giữa tiết dịch phải được theo dõi và chăm sóc chu đáo, nhằm phục hồi sức nghe cho trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ bình thường và ngăn ngừa biến chứng, di chứng gây điếc không hồi phục, góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội.

Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dễ mắc bệnh lý này cần chủ động phòng bệnh bằng cách như: Giữ ấm trẻ vào mùa đông, điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng tai mũi họng, nhất là viêm hô hấp trên. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm, không cho đi nhà trẻ sớm (dưới 12 tháng tuổi),  không cho trẻ bơi khi bị viêm hô hấp trên…

Ngoài ra, phụ huynh không nên hút thuốc lá trong nhà để giữ không khí trong lành, tránh ô nhiễm. Khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho, sốt hoặc phát hiện trẻ nghễnh ngãng, không chú ý, mất tập trung phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám và phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, góp phần đảm bảo trẻ phát triển tốt thể chất và tinh thần.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn