Ngày 13/1, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) Vũ Văn Hương cho biết: Quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu đơn vị phát hiện 8 lô hàng với 35 container lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ có chứa côn trùng Caryedon serratus Olivier (sống). Đây là loài côn trùng thuộc đối tượng kiểm dịch Nhóm 1. Từ trước đến nay, tại đơn vị và trên địa bàn cả nước chưa phát hiện loại côn trùng này.
Theo Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT, côn trùng Caryedon serratus Olivier được chú giải là (Mọt lạc serratus), nằm trong Nhóm I- Nhóm “những sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật”.
Ông Vũ Văn Hương cho biết thêm, 8 lô hàng với 35 container trên thực hiện thủ tục kiểm dịch đầu năm 2015, do 5 doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu thuộc cả loại hình nhập kinh doanh trong nước và tạm nhập tái xuất.
Sau khi phát hiện côn trùng nguy hại trên, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I đã tiến hành xử lý bước đầu bằng hóa chất để tiêu diệt côn trùng, đồng thời đề nghị cơ quan Hải quan chưa thông quan cho các lô hàng trên để thực hiện các biện pháp xử lý tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) xác nhận, 8 lô hàng trên mở tờ khai tại đơn vị. Đây là mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, nên phải có kết quả kiểm tra của cơ quan Kiểm dịch thực vật đơn vị mới có thể hoàn thành thủ tục hải quan, trường hợp cơ quan Kiểm dịch có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu nhập khẩu sẽ không thông quan cho lô hàng.
Với trường hợp 35 container lạc nhân chứa côn trùng nguy hại nêu trên, đến nay Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I đã nhận được kết quả từ cơ quan Kiểm dịch và chưa thông quan cho các lô hàng, đồng thời phối hợp với Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I thực hiện các biện pháp xử lý tiếp theo.
Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I, những năm gần đây, đơn vị đã phát hiện nhiều lô hàng nông sản nhập khẩu có chứa mầm bệnh, côn trùng nguy hại và đã buộc tái xuất hàng chục nghìn tấn hàng hóa, xử phạt vi pham hành chính hàng nghìn trường hợp với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I, năm 2010, đơn vị phát hiện 115 lô hàng, tổng trọng lượng 51.503 tấn (lúa mì, lúa mạch, ngô hạt, ngô mảnh, đậu tương, khô đậu tương, bông) nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ… bị nhiễm dịch hại.
Năm 2011, phát hiện 321 lô hàng với 123.267 tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bông xơ bị nhiễm dịch hại, đã xử lý tiêu diện dịch trước khi cho nhập khẩu một số lô hàng và buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam 36.331 tấn.
Năm 2012, phát hiện 12 lô hàng với khối lượng 3.912 tấn bị nhiễm dịch hại, đặc biệt trong năm này lần đầu tiên đơn vị phát hiện lô hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ bị nhiễm Trogoderma inclusum LeConle (Mọt da vệt thân).
Năm 2013, phát hiện 14 lô hàng gồm 14 tấn cải thảo xuất khẩu bị nhiễm dịch hại và hơn 2.000 tấn lúa mỳ, bông, xơ, khô dầu hạt cải có xuất xứ từ Ấn Độ bị nhiễm dịch hại.
Năm 2014 (tính đến 30-11-2014), chưa phát hiện các lô hàng nhiễm dịch hại.
Bình luận của bạn