Trưa 16/9, chúng tôi vòng vèo trên đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú (TP.HCM) rồi rẽ vào một con hẻm thông ra đường Phú Thọ Hòa. Trước mặt chúng tôi là lò chế biến mỡ nằm phía trong một bến xe tải ở địa chỉ 79/10 Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM).
Mỡ được lọc qua trên nền đất rồi thả vào chảo rán
Mùi thịt sống và mùi máu tanh nồng giữa nắng gắt. 4 công nhân nam trần trùng trục dùng đũa cả chiên, gắp các bánh tóp mỡ ra cho ráo để giao mối. Mối là những người bán tóp mỡ lẻ cho dân nhậu. Riêng mỡ nước, trong buổi trưa, chúng tôi đếm có 3 xe gắn máy chở mỡ nước đi giao, mỗi xe chở 3 can lớn. Theo sau xe một người đàn ông bán cá viên chiên ở đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), thấy ông mua 1 can 5 lít mỡ đùng đục, tiện thể ông cũng mua 1 can mỡ nhầy không rõ thể tích giao cho người bán cơm chiên dương châu trên đường Bà Hom (quận 6).
Vào bên trong, các công nhân nữ tuy có đeo găng cao su nhưng chân xỏ dép và cứ thế đạp lên đống mỡ bày lê lết dưới sàn nhà, ruồi bọ lép nhép. Họ phân chia mỡ trắng riêng, bèo nhèo dạng nạc riêng, da heo riêng… để chế biến. Đóng vai người mua, cò kè mãi, bà chủ “DNTN sản xuất Trần Thị Thơ” có tên thường gọi là Trang mới chịu giảm giá 70.000 đồng/bánh tóp mỡ có tẩm ướp; 100.000 đồng/bánh tóp mỡ nạc. Chúng tôi hỏi: “Mua số nhiều thì tính sao?”. Bà Trang bảo: “Cho số điện thoại và địa chỉ để giao hàng, chỉ cần 10kg cũng giao, chị bán ai cũng vậy, lấy giá sỉ”. Khi chúng tôi hỏi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế cấp hay không, bà Trang bảo: “Đang xin”. Rồi bà vào trong đưa ra… giấy đăng ký nhãn hiệu “Bánh tóp mỡ Ngân Trang” mà bà đang gửi Cục Sở hữu trí tuệ!
Bún, phở chứa chất tẩy rửa gỉ sét
Nhắc đến sự cố bún “ngậm” hóa chất phát sáng, chị Hoàng Thị Hân, ngụ phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM vẫn chưa hết lo lắng: “Mười ngày qua, nhà em chưa dám ăn bún trở lại. Thèm quá thì mua ít bún khô về nấu chứ không dám ăn bún tươi”. Quả thực, tâm lý của chị Hân cũng chẳng khác so với những bà nội trợ khác.
Bún, bánh phở, bánh canh tươi... tại nhiều tỉnh phía nam được phát hiện chất tẩy trắng tinopal
Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm soát và trấn an người dân cũng như hướng dẫn lựa chọn những sản phẩm bún, phở, hủ tiếu đảm bảo an toàn nhưng xem ra không ít người tỏ ra quan ngại một khi tình trạng buôn bán hóa chất phụ gia chưa được quản lý triệt để. Riêng tại chợ đầu mối hóa chất Kim Biên (quận 5 TPHCM), hiện có khoảng 103 hộ kinh doanh hóa chất phụ gia nhưng hầu hết chưa có tủ lạnh bảo quản sản phẩm thích hợp và phần lớn người bán vẫn chưa có kiến thức về hóa chất phụ gia. Đó là chưa kể, theo Ban Quản lý chợ Kim Biên, vẫn còn một số hộ kinh doanh hóa chất phụ gia xen kẽ với ngành hàng khác…
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hậu Giang, tình trạng sử dụng hóa chất cấm, đặc biệt là chất tẩy trắng Tinopal trong các mẫu bún, phở được lấy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang ở mức rất đáng lo ngại. Kết quả kiểm tra 48 mẫu bún, bột gạo và bánh phở tại các cơ sở sản xuất mới đây cho thấy có 26 mẫu dương tính với hóa chất cấm. Trong số này có 20 mẫu bún nhiễm chất Tinopal, 4 mẫu bột gạo và 2 mẫu bánh phở nhiễm 2 chất Tinopal và acide oxalic.
Tại Đồng Tháp, kết quả kiểm tra mới đây của ngành y tế khiến nhiều người giật mình. Chỉ có 1 mẫu bún duy nhất trong 20 mẫu bánh phở, hủ tiếu, bánh hỏi, bún, bánh canh, bánh tằm lấy tại 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn ATVSTP. 19 mẫu còn lại dương tính với chất cấm Tinopal, liều lượng 0,33 - 14 mg/kg. Trong khi đó, tại Vĩnh Long, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm từ tinh bột còn sử dụng chất tẩy rửa gỉ sét axit oxalic và chất bảo quản natribenzoat. Kết quả kiểm tra 20 mẫu tại 12 cơ sở sản xuất thì có tới 14 mẫu bún, phở, bánh lọt, bánh hỏi dính các chất cấm nói trên. Tình trạng sử dụng chất cấm trong các sản phẩm này diễn ra hầu khắp các địa phương còn lại ở ĐBSCL.
Ăn mà bất an
Những ngày này, các bà nội trợ ở Đà Nẵng rất ngại mua thịt bò trước thông tin bò bị bơm nước trước khi mổ thịt. Lực lượng chức năng Đà Nẵng vừa phát hiện một lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn đang bơm nước vào miệng bò trước khi mổ, thậm chí bò bị cưỡng bức nước cho đến chết… Chủ lò mổ cho bò uống nước bằng ống từ chiều đến khuya để tăng trọng khoảng từ 15% - 20%, tương đương tăng lợi nhuận từ 2 - 3 triệu đồng/con bò. Trước sự việc này, các ngành chức năng Đà Nẵng đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến ngày 13/9, khi kiểm tra hộ kinh doanh thịt bò Quang Hương (địa chỉ 54 Phan Thanh), đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện số thịt bò đang được bày bán tại đây có dấu hiệu khác thường, thịt nhiều nước.
Mực khô giả, bò khô giả, bò ngậm nước... được phát hiện tại nhiều tỉnh thành
Trước đó, Đội QLTT số 4 tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cảnh sát giao thông huyện Gio Linh tiến hành bắt giữ ô tô tải 57K-1493 vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào TPHCM. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 1.500kg mực khô xé nhỏ không rõ nguồn gốc chứa trong 30 bao ni lông, được cất giấu lẫn lộn cùng các loại hàng hóa phế phẩm khác. Qua kiểm nghiệm cho thấy, thành phần hàm lượng protein của mẫu kiểm nghiệm “mực khô xé nhỏ” chỉ đạt 30,9% trong khi mức quy định là 60,1%. Mẫu xét nghiệm cũng cho thấy có xuất hiện 5,6% chất xơ là chất không có trong thành phẩm con mực.
Ngoài ra, Chi cục ATVSTP tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với cơ quan chức năng vừa tiêu hủy gần 15kg thịt chà bông không đảm bảo chất lượng, được thu giữ tại 3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô, chế biến sẵn thuộc chợ Đông Ba (TP Huế). Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy, lượng đường hóa học (chất cấm trong chế biến thịt chà bông) chiếm tỷ lệ rất cao trong các lô hàng thịt chà bông bị thu giữ. Loại thịt chà bông này có giá khá mềm, chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt chà bông chất lượng có giá cao gấp ba, thậm chí gấp tư. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có văn bản xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất bún tươi do ông Lê Ngọc Dũng làm chủ tại tổ 3, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Buộc cơ sở này chấm dứt ngay hành vi vi phạm và tiêu hủy hóa chất không rõ nguồn gốc, bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành kiểm tra 62 cơ sản xuất bún trên địa bàn và lấy 70 mẫu để kiểm định vệ sinh ATVSTP. Kết quả, cơ sở ông Nguyễn Ái (số 10/73 Đặng Văn Ngữ, phường An Cựu, TP Huế) có mẫu bún chứa Tinopal tỷ lệ 0,57mg/kg và đã bị xử phạt 40 triệu đồng.
Có thể nói, nhiều bà nội trợ không biết nên chọn gì cho bữa ăn gia đình bởi những thông tin về tình hình mất ATVSTP dậy sóng hàng ngày. Rõ ràng, còn ăn, còn bất an…
Trước tình trạng rau bị tưới hóa chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá
nhiều, gây nguy hại sức khỏe người dân, TS Võ Thái Dân (Trưởng khoa
Nông học Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho biết, thuốc bảo vệ thực vật
mà nông dân trồng rau quả thường sử dụng có hai loại: thuốc trừ sâu và
trừ bệnh. Cả hai loại thuốc này nếu sử dụng, phun tưới không đúng liều
lượng, thời gian quy định sẽ có tác hại rất lớn đến con người sau khi ăn
rau. Đối với thuốc trừ sâu, nếu thu hoạch dư lượng thuốc còn trên rau
quả, sẽ rất dễ dấn đến ngộ độc sau khi ăn. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ
nguy hại đến tính mạng. Phân bón là yếu tố cần thiết để rau phát triển
nhưng đây cũng yếu tố ẩn chứa rất nhiều nguy cơ ô nhiễm cho cây trồng
đặc biệt là cây rau. Nếu bón quá gần ngày thu hoạch, lượng nitrat có
trong phân sẽ không kịp chuyển hóa hết mà còn tồn dư trên rau. Nitrat
khi vào cơ thể được khử thành nitrit. Nitrit sẽ chuyển oxyhaemoglobin
(một chất vận chuyển oxy trong máu) thành chất không hoạt động được là
methaemoglobin. Nếu lượng nitrat vượt quá mức cho phép, lượng nitrit sẽ
nhiều lên và làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng đến hoạt động của
tuyến giáp, gây đột biến và phát triển khối u dẫn đến bệnh ung thư. |
Bình luận của bạn