Lãng phí hàng trăm tỉ đồng vì cấp trùng thẻ BHYT

Hiện tại các địa phương có số lượng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cấp trùng nhiều là: Vĩnh Phúc (59.411 thẻ); Hà Nội (52.740); TP.HCM (42.127). Các tỉnh cấp trùng từ 30.000 - 40.000 thẻ: Đồng Tháp, Lai Châu, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái. Các địa phương: Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa cấp trùng từ 20.000 - 30.000 thẻ.

Khám bệnh BHYT tại TP.HCM
Khám bệnh BHYT tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Có người được cấp 4-5 thẻ
Rà soát cho thấy việc cấp trùng thẻ thuộc 14 nhóm đối tượng, phần lớn được nhà nước cấp kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí mua thẻ từ nguồn ngân sách. Số cấp thẻ trùng tập trung cao vào các nhóm: trẻ dưới 6 tuổi; người nghèo; bảo trợ xã hội; thân nhân quân đội, người có công với cách mạng, người cận nghèo, thân nhân người có công; cựu chiến binh. Số thẻ cấp trùng khiến ngân sách tăng chi thêm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm (mệnh giá 576.000 đồng/thẻ/năm). Phần lớn cấp trùng 2 thẻ BHYT/người, một số cấp 3 thẻ/người, cá biệt có người được cấp 4 - 5 thẻ. Có địa phương số thẻ BHYT được cấp cao hơn thực tế số dân của địa phương.

Ông Nguyễn Huy Nghị, Phó trưởng ban Cấp sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết đã từng có cảnh báo từ các năm trước về cấp trùng thẻ do có nhiều cơ quan cùng tham gia thống kê đối tượng được cấp, việc cấp trùng thẻ do một người có thể cùng lúc hưởng nhiều tiêu chuẩn được cấp thẻ (người nghèo, thân nhân quân đội, thân nhân công an…). Người nhận thẻ cấp trùng không thể cho mượn bởi đi khám BHYT cần có CMND. Thế nhưng, tình trạng trên có thể dẫn đến việc sử dụng quá mức các dịch vụ trong khám chữa bệnh do một người có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế khác nhau với các thẻ được cấp; gây lãng phí sử dụng nguồn ngân sách cho việc mua thẻ cao hơn số người thực tham gia.

Phần mềm quản lý không phát hiện

Tại Bình Định, có tổng cộng 12.705 thẻ, trị giá hơn 5,4 tỷ đồng bị cấp trùng. Theo Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Bình Định Võ Năm, chịu trách nhiệm chính trong việc cấp trùng thẻ là chính quyền các địa phương và Sở LĐ-TB-XH. "Do phần mềm chương trình quản lý in thẻ không tương thích với các chương trình khác nên không phát hiện được hiện tượng trùng lặp", ông Năm nói.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, số lượng thẻ bị cấp trùng đến nay vẫn chưa được thống nhất. Ban đầu, Bảo hiểm xã hội tỉnh tạm đưa ra con số gần 10.000 thẻ bị trùng. Sau đó, Sở Tài chính lại đưa ra một con số khác lên đến trên 40.000 thẻ. Với quy định trích 4,5% lương tối thiểu cho một thẻ, thì với 10.000 thẻ bị trùng, ngân sách nhà nước đã bị "rót" nhầm gần 5 tỷ đồng trong 2 năm; còn nếu con số lên đến 40.000 thẻ thì số tiền bị "rót" nhầm gần 20 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Lệ, Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội Quảng Ngãi, cũng giải thích hệ thống phần mềm máy tính chưa đủ "thông minh" để phát hiện ra các trường hợp trùng (cùng tên, ngày sinh và địa chỉ).

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin