Vất vả chen lấn để có được ấn thiêng tại mùa lễ 2011 (Ảnh: Bá Đô)
Lễ khai ấn Đền Trần sẽ diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng
Sẽ huy động hơn 2.000 người bảo vệ đêm khai ấn Đền Trần
TS. Nguyễn Quốc Tuấn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc lãnh đạo cấp cao đến khai ấn đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 tháng Giêng hàng năm. Theo TS. Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, giẫm lên nhau để cướp ấn những năm qua là do sự hiện diện của quan chức.
"Tôi đã nói nhiều về chuyện cứ có lãnh đạo cấp cao đến khai ấn thì càng đông người dân tin rằng ấn có thể giúp thăng quan tiến chức. Tôi đề nghị năm nay quan chức cấp cao không xuất hiện ở đó nữa. Lễ hội quy mô cấp tỉnh thì để tỉnh làm", Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo nói.
Theo tục lệ xưa, vua Trần ban ấn cho quan quân để mọi nhà hưởng lộc tích phúc, lao động hăng say, tưởng nhớ công ơn tổ tiên trong ngày làm việc đầu năm. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ý nghĩa của ấn đền Trần đã biến tướng thành lễ cầu thăng quan tiến chức. Thời khắc khai ấn, hàng ngàn người chen lấn giẫm đạp, thả tiền, cướp cành lộc... bất chấp lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc đảm bảo an ninh cho lễ hội.
Đồng quan điểm với TS. Tuấn, Tiễn sỹ Dân tộc học Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng cho rằng, "Nhà nước nên ít tham gia vào lễ hội truyền thống" bởi lễ hội là của người dân, nếu tham gia thì nên với tư cách người dân hoặc tránh dịp chính hội. "Nếu ta có cái tâm tốt, muốn ghi nhớ công ơn của các tiền nhân thì đến trước hay sau mùa lễ hội đều được", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, lãnh đạo cấp cao chỉ nên tham dự các lễ hội, ngày kỷ niệm lớn có quy mô toàn quốc và có tính giáo dục cao như Hội đền Hùng. Còn lễ hội đền Trần và các lễ hội truyền thống khác nên quy hoạch thành định kỳ, những năm tổ chức lớn để mời lãnh đạo tham dự. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là cấp Bộ trưởng mà có thể cấp dưới tham dự.
"Không hẳn sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao gây ra tình trạng lộn xộn, đông đúc của lễ hội, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nhờ sự hiện diện của các quan chức cấp cao, uy tín lễ hội được nâng lên, du khách thập phương đến đông hơn và quy mô lễ hội được mở rộng", TS. Sơn phân tích.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, các tỉnh đua nhau mời lãnh đạo cấp cao về tham gia lễ hội vì mục đích quảng cáo, muốn tỉnh mình cao hơn, sang hơn và một phần nhằm thu lợi kinh tế.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng lãnh đạo cấp cao không nên đến lễ khai ấn đền Trần (Ảnh: Bá Đô) |
Khẳng định Ban tổ chức lễ hội không gửi giấy mời đến lãnh đạo cấp cao, thậm chí cấp tỉnh hay thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban Tổ chức lễ khai ấn đền Trần - bà Cao Thị Tính cho rằng, lãnh đạo về dự lễ hội là một điều tốt, thể hiện tấm lòng trân kính của họ với cha ông, truyền thống dân tộc.
Theo bà Tính, dù thành phố đã tuyên truyền mục đích, ý nghĩa đúng đắn của ấn đền Trần nhưng không phủ nhận có một số hiểu lầm rằng xin ấn để cầu thăng quan tiến chức.
"Những người có suy nghĩ đó là không hiểu truyền thống của lễ hội. Ấn đền Trần được ban phát với ý nghĩa cầu may, một năm phúc lộc tràn trề. Người dân bình thường, cô bán rau, chị bán thịt, họ có phải quan chức đâu nhưng vẫn đi xin ấn đền Trần vì mục đích đúng đắn trên. Những ai đến đền Trần với tâm ác, vụ lợi thì dù có mang được ấn về mọi việc cũng khó thuận buồm xuôi gió", bà Tính nói.
Trưởng ban Tổ chức lễ hội Cao Thị Tính cho biết, công tác chuẩn bị cho đêm khai ấn 14 tháng Giêng đã sẵn sàng.
Bình luận của bạn