Loạn chiêu trò lừa đảo trong bệnh viện


Lưu manh giả danh... bác sĩ

Chị C.T.M đang chờ chồng vào ca phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy thì gặp một thanh niên mặc áo bác sĩ có logo của BV, đeo kính, ngồi ngoài hành lang lầu 8 B1.

Tưởng là bác sĩ của khoa nên chị đến hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người nhà. Thanh niên này tự xưng là Thạc sĩ - bác sĩ Trần Minh, gợi ý nếu bệnh nhân muốn được mổ nhanh phải đưa phong bì. Hắn hứa sẽ lo lót, chỉ trong 3 ngày bệnh nhân sẽ xuất viện.

Tưởng thật, chị Mai ghi tên bệnh nhân lên tờ giấy trắng, gói vào đó số tiền 1,5 triệu đồng, đưa cho "vị" bác sĩ. Nhận tiền xong, người này "chuồn" mất dạng. Chị Mai sốt ruột đi hỏi vòng, không ai biết bác sĩ Trần Minh.

Lần khác, "bác sĩ" Minh lại xuất hiện ở khoa cấp cứu và đang nhận 500 ngàn đồng từ một thân nhân bệnh nhân thì bị lực lượng bảo vệ bắt giữ.

Lúc này, chân tướng bác sĩ mới bị lộ. Đối tượng là Phạm Cao Cường(SN 1983, ngụ tại Thái Bình), thường xuyên tới khoa Cấp cứu và lầu 8 B1 của Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc áo blue để "chơi đòn tâm lý" với người nhà bệnh nhân.


Một trong nhiều bác sĩ "rởm" bị bảo vệ BV Chợ Rẫy bắt giữ

Lần khác, chị H.N.T, ngụ Đồng Tháp mếu máo kể: Sau khi đưa chồng vào phòng mổ, chị ngồi ở sân chờ thì một bác sĩ đeo ống nghe, trán vã mồ hôi hột chạy đến với vẻ hớt hãi kêu chị lập tức đi mua máu vì ngân hàng máu của bệnh viện đã hết, phải nhanh chân mới kịp cứu. Vị bác sĩ nhiệt huyết dẫn chị đến BV Phạm Ngọc Thạch rồi nói hết máu và tiếp tục đưa đến BV Hùng Vương.

Tại đây, bác sĩ kêu chị đóng 24 triệu đồng để mua máu. Sau 10 phút, vị bác sĩ trẻ đưa ra 3 biên
lai có đóng dấu đã thu tiền và dặn chị yên tâm, máu đã được chuyển đến phòng phẫu thuật.
Sau chị Thảo ít lâu, đến lượt anh Nguyễn Quang Trường cũng được chính vị bác sĩ này dẫn đi mua máu để phẫu thuật cho cha. Xác định khả nghi, lực lượng bảo vệ BV đã cử người mặc thường phục chầu chực ở phòng phẫu thuật. Sau nhiều ngày theo dõi, bảo vệ đã bắt được tên bác sĩ rởm tên Nguyễn Văn Phương bàn giao cho công an.

Ngoài đồng phục bác sĩ, đồ nghề y khoa mua ở đường Thành Thái, Phương còn có cả con dấu khắc chữa "đã thu tiền" sẵn sàng trong túi để lừa thân nhân người bệnh. Bằng thủ đoạn sắm vai bác sĩ nhiệt tình, Phương đã lừa được nhiều nạn nhân số tiền hàng chục triệu đồng.


"Kịch sĩ" nhan nhản

"Nạn lừa đảo trong bệnh viện ngày càng tinh vi và khó lường. Để triệt phá nhiều lúc Chính bảo vệ cũng phải đóng vai người nuôi bệnh, ăn chực nằm chờ ngoài hàng lang hàng tháng trời"-ông Trần Cư, Đội trưởng bảo vệ BV Chợ Rẫy nói.

Hơn 30 năm trong nghề, ông chứng kiến không ít thủ đoạn lừa đảo, trong đó có những kịch bản tinh vi đến mức công an cũng khó ngờ tới.

Một lần, PC45 Công an TP.HCM theo dõi bắt Lê Thị Ngọc Thúy (58 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng 5 đối tượng khác đóng giả bệnh nhân nghèo không có tiền để lừa đảo ở BV Chấn thương - Chỉnh hình. Lập tức, bảo vệ tại các bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy nhận ra "người quen" vì chúng đã xoay tua kiếm ăn ở các bệnh viện trong thời gian dài.

Ông kể: Ngày trước kẻ gian có thủ đoạn cầm nước mắm hoặc nước bẩn giả vờ té ngã để hắt vào người khác buộc họ phải đi tắm. Khi con mồi vào phòng tắm, lập tức đã có kẻ chờ sẵn để "luộc" quần áo, tư trang của họ.

Tuy nhiên, những chiêu trò ấy bây giờ đã cũ, ít được sử dụng. Tội phạm bệnh viện luôn nghĩ ra hình thức gian xảo hơn. Thậm chí, chúng kỳ công đến mức theo dõi bệnh nhân có tiền của từ tuyến dưới để biết thông tin. Ngay khi chuyển tuyến, chúng tiếp cận thân nhân người bệnh, dùng những thông tin khai thác được bắt chuyện thân mật để chờ cơ hội ra tay.

Một chiêu thức khác tinh vi và bài bản hơn nhiều là kẻ gian tổ chức thành nhóm, giả bệnh nhân để lừa xin "đểu". Hầu hết các nhóm này đều nhẵn mặt đối với bảo vệ, vì cũng với một chiêu trò chúng xoay tua kiếm ăn ở các BV, nơi này động hoặc bị lộ thì chuyển đi nơi khác.
Bảo vệ BV Chợ Rẫy âm thầm theo dõi mất một thời gian dài mới phá được chiêu lừa tinh vi của một nhóm 3 đối tượng chuyên đóng kịch xin tiền. Một đối tượng nữ giả đau ốm, đi khám bệnh cùng chồng giả vờ bị kẻ gian móc túi, không có tiền mua vé xe về quê.

Đối tượng nam còn lại ăn mặc sang trọng, đeo dây chuyền vàng ra vẻ thương cảm, móc 200 nghìn đồng ra cho và hô hào mọi người trợ giúp. Bọn chúng đã lợi dụng lòng trắc ẩn của người dân, lừa gần 3 triệu đồng.


Luôn đề cao cảnh giác khi ở trong BV

Cao tay hơn là trường hợp của Nguyễn Văn Hùng nhiều lần vào bệnh viện xin tiền "đểu", mỗi lần đều dẫn theo một phụ nữ nói là vợ hoặc bà con.

Tên Hùng đưa vết thương ngụy tạo trên người ra để tranh thủ lòng thương của mọi người. Lần cuối cùng bị bắt giữ Hùng lừa được từ những nạn nhân nhẹ dạ số tiền 1,7 triệu đồng.

Tương tự, một cặp vợ chồng giả bộ bệnh nhân xin tiền tại BV Ung Bướu, ông chồng giả bộ bị ung thư xâm lấn, bụng quấn tấm gạc lớn tẩm màu đỏ choét, nhăn nhó, còn bà vợ khóc lóc ầm ĩ. Chúng đã lừa được tiền từ rất nhiều người.

Theo Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy Trần Cư, thủ đoạn làm quen đánh thuốc mê cướp tài sản tại các BV đã xưa như trái đất nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy. Để tự bảo vệ mình, bệnh nhân và người nhà không nên dùng đồ ăn, thức uống của người lạ mời để tránh bị đánh thuốc mê. Không nhận giữ đồ hoặc gửi đồ cho người không quen biết phòng kẻ gian bắt chuyện lừa đảo. Bác sĩ, y tá và nhân viên BV ngoài đồng phục tất cả đều có bảng tên ghi rõ tên tuổi. Thân nhân người bệnh cần thiết phải tìm hiều kỹ tên tuổi của bác sĩ, y tá tại khoa điều trị rồi mới tiếp xúc.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn