Mật tông - Tu luyện để giải thoát?

Nhiều người tu luyện mật tông để cầu sự giải thoát ngay trong cuộc đời này.

Quan điểm của Phật giáo về đồng tính luyến ái

Thiền: Hiểu đúng để luyện tâm

Lợi ích bất ngờ của việc thiền đến sức khỏe

Mật Tông lấy tôn chỉ: “Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật” làm tông (Tam mật là: Thân mật - Khẩu mật - Ý mật). Gọi là “mật” vì đây là một hành môn thuộc về “Bí mật Pháp môn”, chuyên dạy về cách trì Chú, bắt Ấn, nên phải có Sư thừa (tức người truyền dạy).
Mật tông bắt đầu từ Cổ Phật Trung ương của vũ trụ là Tỳ Lô Giá Na (Maha Vairocana) truyền tới Kim Cang Tát Đỏa (Vajra Sattva), sau đó Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna) được chân truyền và cứ thế Mật tông được truyền qua nhiều đời đến tận ngày nay. Nhưng Mật tông không chỉ là một phái tôn giáo mà trước hết Mật tông là sự hòa quyện văn hóa của các tôn giáo mà Phật giáo là chủ đạo. 
Mật tông chính là tinh thần vô ngã, từ bi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni hòa quyện với các tôn giáo bản địa. Ở Ấn Độ thì phối hợp với Bà La Môn, còn ở Tây Tạng là đạo Bôn (Bonp – Bản giáo) là đạo giáo cổ nhất của thế giới (ra đời cách đây 20.000 năm). 
Đạo sư Liên Hoa Sinh (Padma Sambava) là một tu sỹ Mật tông được Quốc vương Thổ Phồn (Tây Tạng) mời tới để truyền đạo và đạo sư đã phải dùng thần thông của Phật giáo để hàng phục đạo Bôn và cứ mỗi một vị thần đạo Bôn được thần phục thì đạo sư lại phong cho làm thần hộ pháp Mật tông. 
Tại Nhật Bản - đất nước của Thần đạo, Mật tông hòa quyện và tạo ra Đông Mật (Pháp sư Mật tông Không Hải đem từ Trung Quốc về cuối thế kỷ thứ 9), cùng với tinh thần Thần đạo của người Nhật, Không Hải đã sáng lập ra phái Chân Ngôn tông mang đậm văn hóa bản địa Nhật. Ở Trung Quốc cũng vậy, 3 vị pháp sư nổi tiếng của Ấn Độ sang truyền đạo là Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí và Bất Không Kim Cương vào thế kỷ thứ 7. Mật tông Trung Quốc cũng là sự hòa trộn của Phật giáo Ấn Độ và đạo Lão của Trung Quốc (tương truyền đạo Lão ra đời do Lão tử người sống cùng thời Đức Phật sáng lập). 
Mật tông là sự hòa quyện văn hóa của các tôn giáo
Tại Việt Nam, sự hình thành về Mật tông có nhiều giả thuyết khác nhau, có thể từ Ấn Độ truyền sang, có thể từ Trung Quốc nhưng rõ nét nhất là sự hòa quyện của Phật giáo và đạo Mẫu, đạo của người Việt cổ. Mật tông Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết ly kỳ về các pháp sư Mật tông, về quyền năng, đức độ, đạo hạnh như Từ Đạo Hạnh… Trong Mật tông Việt Nam, các vị thần linh Tứ phủ như Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải Phủ, Mẫu Liễu Hạnh, các Quan, các Cô, các Cậu… trở thành hộ pháp - các vị hộ pháp này đều vâng lệnh Như Lai xuống trần gian độ chúng sinh. 
Mật tông có tính nổi dậy trong tâm thức, đó là sự trở lại của cá nhân, bên ngoài thì hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với cộng đồng nhưng không bị tâm lý đám đông chi phối. Năng lượng của người Mật tông luôn cân bằng, luôn đầy đủ và chính vì sự cân bằng năng lượng tự thân (từ bên trong) mà người Mật tông luôn ung dung, tự tại, luôn yêu cuộc sống, luôn luôn từ bi hỷ xả. 
Hoan hỉ Phật - biểu tượng cho sự tu luyện của người tu Mật, tìm sự cân bằng năng lượng dục bên trong mỗi người
Một người bình thường, đàn ông thì năng lượng dương là chính, luôn cần năng lượng âm của đàn bà để tạo sự cân bằng. Đàn bà thì ngược lại, năng lượng âm của cô ấy cần năng lượng dương của đàn ông. Nhưng đáng tiếc sự cân bằng năng lượng ấy chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn, chỉ thoáng chút sau khi cực khoái xảy ra. Ấy là cực khoái của cả hai phía đàn ông và đàn bà xảy ra đồng thời thì năng lượng cân bằng ấy có lợi cho cả hai (điều này cũng rất tiếc chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra cho sự gặp gỡ hai năng lượng). Thế nên đàn ông lúc nào cũng khao khát về dục (và chắc đàn bà cũng thế!). 
Yoga làm việc trên luân xa 3 - luân xa của mặt trăng, nơi chứa khí của cơ thể (khí hải - đan điền). Bakti yoga, đạo Thiên Chúa, làm việc trên luân xa 4 – luân xa tim, trên sự sùng kính, yêu thương. Đạo Lão - khí công, làm việc trên luân xa 2, trên tinh thần luyện Tinh hóa Khí, luyện khí hóa Thần, luyện Thần hoàn Hư, luyện Hư nhập Đạo.
Mọi sinh linh đều từ dục, tức là sự sinh sản (kể cả hóa sinh, thấp sinh…) sinh ra do đó người ta mới gọi thế giới này, cõi này là Dục giới (bao gồm cõi Ta bà, cõi trời dục). Để giải thoát khỏi Dục giới, người Mật tông tu luyện thông qua dục, tức là lấy năng lượng dục để khai mở các luân xa. Luân xa muladhar (luân xa 1) có quyền năng về dục, khai mở muladhar để năng lượng đi tới các luân xa cao hơn (swadhisthan – manipura – anahata – vishudda - ajna - sahasra), cũng là để đánh thức kundalini – năng lượng hỏa xà. 
Các tôn giáo khác cũng tu luyện ở các luân xa khác nhau. Chỉ duy nhất Mật tông làm việc với luân xa muladha là luân xa gốc, là nơi mà kundalini nằm cuộn khoanh tròn như con rắn. Khi được đánh thức năng lượng kundalini sẽ bò dọc theo cột sống, qua các luân xa để lên luân xa cao nhất là luân xa 7 (Sahasra) và khi ấy người Mật tông đã thoát không những cõi Dục giới mà giải thoát khỏi 3 cõi sinh tử (Dục giới - Sắc giới - Vô sắc giới). 
Tầm nhìn Mật tông là tu luyện để giải thoát ngay tại cõi này, tuy sống trong Dục giới nhưng đã thành Phật quả (tức thân thành Phật) và đấy cũng là mục tiêu tu luyện của tất cả các đạo khác. Mục tiêu tối thượng của con người là giải thoát, các đạo, các tôn giáo chỉ là các con đường, các phương tiện để đi tới Thượng đế, đi tới Niết bàn. Mật tông cũng không chấp vào các phương pháp tu luyện, không chấp vào các thành quả tu luyện và cũng không chấp vào chính mình. Đó chính là tinh thần Vô ngã, Từ bi của đạo Phật, của Đấng Thích ca Mầu ni.
Hiện nay, Mật tông Tây Tạng phát triển rộng và là quốc đạo của Tây Tạng, lan truyền sang các nước khác như Nepan, Butan, Trung Quốc, Việt Nam…
Huệ Thông (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức