Tổ chức đám cưới trong chùa (hay còn gọi là Lễ Hằng thuận)
Đám cưới của cô gái sắp chết vì bệnh bạch cầu
Thiền trà nhất vị
Dusinam – Thiền động
Thiền – Giải pháp cho cuộc sống
Không gian tâm thức: Trí tuệ, tâm trí và tiềm thức
Có ý kiến cho rằng, tổ chức đám cưới trong chùa “chỉ dừng lại ở những người sang giàu, nổi tiếng”, sẽ làm mất đi “không khí thâm nghiêm xưa”, “người lễ chùa sẽ không còn chỗ để mà phủ phục cúng bái”. Thậm chí còn cho rằng đây là “trò PR, thỏa mãn máu chơi trội của người trong cuộc”... Vậy, đám cưới trong chùa có nên hay không?
Theo tôi được biết, đạo Phật quy định các tăng ni không được mai mối, tạo duyên cho người khác kết hôn với nhau, tránh ái dục, sinh tử luân hồi.
Mỗi thời có những đổi thay khác nhau, có lẽ đạo Phật có sức sống mạnh mẽ bởi “tùy duyên nhi bất biến”, luôn linh hoạt để phù hợp với thời cuộc, đi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống nhân dân. Tổ chức đám cưới trong chùa có gì khác so với tại gia? Trước cửa Phật, tân lang tân nương cùng người thân nghe thuyết giảng về đạo nghĩa vợ chồng và chắp tay khấn nguyện, thề ước lời chung thủy, hiếu nghĩa.
Cùng với việc thắp hương cúng trước ban thờ gia tiên ở nhà thì lời thề ước với sự chứng giám của Đức Phật dường như tạo ra những “mệnh lệnh” vô hình trong tâm trí nhắc nhở mọi người phải giữ trọn và thực thi. Đó chẳng phải là một trong những giá trị nhân văn, hướng thiện mà đạo Phật mang lại cho nhân loại ư?
Đôi uyên ương cùng thề ước với sự chứng giám của Đức Phật
Trong không khí tôn nghiêm ấy, những người đến dự lễ cưới cũng tự ý thức được việc giữ gìn trật tự, thái độ kính cẩn, trang trọng. Do đó, lễ cưới trong chùa chưa chắc đã phá vỡ không gian thanh tịnh.
Tôi đã đi nhiều lễ cưới tại gia ở nhiều vùng quê nhưng tôi rất trăn trở khi thấy rằng lễ cưới càng ngày càng “kém duyên”. Những chiếc loa thùng công suất lớn phát nhạc sàn với âm thanh chát chúa, kèm theo đó là ánh sáng đèn led xanh, đỏ, tím, vàng loạn xạ không khác gì một vũ trường. Tôi đã từng đỏ mặt khi chứng kiến một số MC đám cưới nói năng không kiểm soát, dẫn chương trình bằng thơ mà ví von kệch cỡm tới mức cô dâu, chú rể phải cúi đầu vì ngượng. Thêm vào đó là việc uống rượu bia say xỉn rồi đánh nhau, gây tai nạn giao thông.
Làm lễ cưới trong chùa vừa không ầm ĩ, rình rang mà lại ý nghĩa, trang nghiêm, như thế chẳng phải là tốt hơn hay sao. Phật ở chùa và Phật trước hết tại tâm. Không phải chỉ những cặp đôi làm đám cưới trong chùa mới được Đức Phật chứng giám, độ trì. Những người trong cuộc một lòng thành kính, sống yêu thương và đồng cảm với nhau thì dù ở nơi đâu cũng được Đức Phật phù hộ độ trì. Những lời dạy của Phật giúp các đôi vợ chồng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, từ đó có ý thức vun vén, xây dựng tổ ấm cho hạnh phúc.
Chùa là nơi dành cho các bậc tu hành nhưng cũng là nơi để mọi người gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Vì thế đừng quá “khuôn mẫu” cứng nhắc, hãy để nơi đây gần gũi hơn với đời, lắng nghe chia sẻ những buồn, vui của mỗi người, miễn sao đừng biến nhà chùa thành chùa “nhà” để tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm.
Theo tôi làm đám cưới trong chùa chỉ nên dừng lại ở phần lễ nghi, còn phần tiệc tùng mời khách thì tổ chức bên ngoài. Thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên có hướng dẫn nghi thức tổ chức lễ cưới tại chùa để mọi người thực hiện cho chuẩn, kẻo lỡ làm sai lại vô tình tạo “nghiệp” cho gia chủ.
Bình luận của bạn