Xin về vì thầy bói phán… chết
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mấy chục năm công tác trong ngành y đã gặp không ít trường hợp "cười ra nước mắt". Trong khi tính mạng bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", các bác sĩ đang vật lộn với "tử thần", tìm đủ mọi cách để cứu sống người bệnh, thì người nhà vội vã xin cho bệnh nhân về để "chết cho mát mẻ", thậm chí vì mê tín dị đoan tin vào thầy bói, phù thủy mù quáng mà họ đã bỏ mất mạng sống đáng tiếc của người thân...
Đã nhiều năm trôi qua nhưng bác sĩ Duệ vẫn nhớ mãi một trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân 80 tuổi (quê tỉnh Phú Thọ), bà ngoại của một đồng nghiệp phải nhập viện để điều trị tai biến nhẹ. Sau vài tuần điều trị, sức khỏe của cụ dần ổn định. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu, bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần tiếp tục nằm viện vài ngày để nâng cao thể trạng.
Bỗng một buổi sáng, đồng nghiệp nọ tìm đến gặp bác sĩ Duệ, xin cho bà ngoại được xuất viện sớm. Ngạc nhiên, song bác sĩ Duệ vẫn ôn tồn giải thích không thể cho bà cụ ra viện lúc này, vì nếu như vậy, bao nhiêu công sức của bác sĩ sẽ "đổ xuống sông xuống bể". Cụ có thể bị tái tai biến, nguy kịch tính mạng bất cứ lúc nào. Vị bác sĩ kia vẫn nằng nặc xin cho bà ra viện với cam kết "nếu bà có mệnh hệ gì gia đình xin chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Cuối cùng, đuối lý, vị bác sĩ đành "khai" thật: "Vì mẹ và bà thím đi xem bói, thầy bói phán bà sẽ mất vào đúng ngày 20 tháng này. Gia đình ở quê đã chuẩn bị hậu sự và gọi con cháu về nhà để nhìn mặt bà lần cuối. Vì thế, cả họ xúm vào ép bác sĩ nọ phải xin cho bà về nhà để chết cho mát mẻ. Trước sự mê tín đến mù quáng của gia đình người bệnh, bác sĩ Duệ kiên quyết giữ bệnh nhân để điều trị đến khi khỏe hẳn. Kết cục, bà cụ đã sống thêm gần 100 "ngày 20" nữa mới quy tiên.
Một bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt - Đức) cũng cho hay, ông vừa "đánh mất" bệnh nhân vào tay một ông bố - vốn là một thầy bói có tiếng trong vùng. Bệnh nhân là một nam thanh niên mới 21 tuổi, bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Tuy tính mạng anh ta rất nguy kịch nhưng vẫn còn cơ hội sống. Nhưng con trai vừa nhập viện một ngày, ông bố đã xin cho con về để "đợi chết".
Ông ta thẳng thắn nói rằng, ông có tới 3 cậu con trai, cậu đang bị tai nạn là con út. Sau khi con bị tai nạn, ông đã vào chùa xin quẻ. "Quẻ" phán rằng con út là người gánh mọi tai ương của gia đình nên sẽ khó qua khỏi. Có sống cũng thành tật làm khổ bố mẹ mà còn tốn kém tiền của.
"Rủi ro trong phẫu thuật cũng khá cao, gia đình lại không đồng ý nên bác sĩ đành bó tay. Nhưng chúng tôi thực sự xót xa cho một thanh niên mới hơn 20 tuổi xuân, còn quá nhiều hoài bão, ước vọng phía trước", vị bác sĩ nói.
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Xin chết vì… hết tiền
Trong cuộc chiến sinh tử, điều đáng tiếc nhất khiến các bác sĩ cảm thấy bất lực nhất là khi gia đình bệnh nhân từ chối tiếp tục chữa trị cho người thân với lý do "hết tiền". Trung tâm Chống độc cũng từng cấp cứu thành công cho một bệnh nhân 50 tuổi, quê tỉnh Hà Nam bị rắn cạp nia cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, sụp mi, đồng tử giãn to, liệt cơ toàn thân, phản xạ gân, xương yếu.
Các bác sĩ đã tích cực hồi sức cấp cứu, sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, tuy vẫn phải thở máy. Nhưng chồng và gia đình đã làm đơn xin cho bệnh nhân về vì "hết tiền". "Người chồng đã khóc cho biết, gia đình chỉ có 3 sào ruộng, khi vợ ốm đã làm đơn vay ngân hàng được 50 triệu, chỉ đủ cho bệnh nhân thở máy được 10 ngày, nếu tiếp tục thở máy thì phải bán nhà, chồng con biết nương tựa vào đâu? Nhưng nếu rút máy thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay" - bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng Trung tâm Chống độc cho biết.
Bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai lý giải, hầu hết các trường hợp khi người nhà bị cấp cứu, chi phí hết nhiều tiền thì người dân mới thấy quý thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều trường hợp, người bệnh đã có cơ hội sống nếu như có thẻ BHYT.
Mới đây, có một bệnh nhân nam mới hơn 40 tuổi quê ở Hà Nam bị xuất huyết não phải nhập viện cấp cứu. Sau khi điều trị, bệnh nhân qua cơn hôn mê nhưng vẫn tiếp tục phải phẫu thuật, nút mạch để chống chảy máu não tiếp. Số tiền ước tính khoảng 150 triệu đồng. Khi nghe đến số tiền, người vợ tái mặt, bật khóc. Sau đó, chị đã gọi điện bàn bạc với gia đình và quyết định xin cho chồng về.
Chị cho biết, gia đình làm ruộng, chỉ gom góp được 20 triệu đồng để trả viện phí, nếu giờ phải chi đến 150 triệu đồng thì sẽ không biết trông cậy vào đâu. "Bác sĩ tuy thấy đáng tiếc nhưng cũng không thể giữ khi người nhà đã không còn muốn cứu bệnh nhân. Giá như trước đó, bệnh nhân bỏ hơn 500.000 đồng để mua thẻ BHYT thì đã được chi trả tới 80% tiền viện phí, chỉ còn tốn 20-30 triệu đồng là đã có cơ hội sống. Tuy nhiên, nhiều người dân lại sợ thiệt trước mắt mà không tính đến cái lợi lâu dài" - bác sĩ Chính cho biết.
Cũng không ít trường hợp vừa nghe tin bệnh nhân bị bệnh nặng, tiền điều trị tốn kém, gia đình đã "trăm sự nhờ bác sĩ" và tìm mọi cách để xin được miễn viện phí, được hỗ trợ từ phía bệnh viện. Các bác sĩ, y tá đã phải tìm hiểu bằng nhiều cách để biết người nói thật, nói dối.
"Có người trì hoãn không nộp viện phí, kể nghèo, kêu khổ nhưng y tá bệnh viện phát hiện chiều nào cũng thấy ông ta tụ tập uống bia ngoài cổng viện. Có bà viết đơn xin được bệnh viện giúp đỡ nhưng "thám tử" cũng cho biết bà ăn mặc sang trọng, xài toàn đồ hàng hiệu" - bác sĩ Duệ dẫn chứng.
Nhưng đối với các trường hợp nghèo thật sự, thậm chí cả hai bố con người nằm viện, những người đi trông bệnh nhân chia nhau một ổ bánh mì, các bác sĩ thực sự thương cảm, chia luôn cả phần cơm của mình và tìm mọi cách giúp đỡ bệnh nhân. Cũng có người khi vội vã xin bố mẹ về, bác sĩ đã chia sẻ hỏi xem gia đình khó khăn đến đâu, để giúp đỡ, cảm thông hỗ trợ mỗi người một ít vì "người còn thì của còn".
Xin chết vì… cạn tình
Theo bác sĩ Duệ, đáng giận nhất chính là có những trường hợp người nhà xin bệnh nhân về vì cạn tình. Có người cha hơn 70 tuổi phải nằm viện điều trị viêm phổi và tai biến nhẹ. Cụ rất đông con cháu, vài hôm đầu, con cháu họ hàng vào nườm nượp nhưng hỏi thăm bố, thăm ông thì ít mà buôn chuyện với nhau thì nhiều, đến nỗi bác sĩ phải đề nghị ra ngoài bớt cho bệnh nhân thở.
Nhập viện mới được 3 ngày, bệnh chưa lui thì các con đã xin bác sĩ cho bố về. Nhưng bác sĩ Duệ đã kiên quyết không cho ra viện vì bệnh chưa khỏi, cụ vẫn rất yếu. Cuối cùng, các con cụ lại giở bài "không cho về thì bệnh viện tự chịu trách nhiệm, tự chăm, tự nộp viện phí vì gia đình không có tiền". Trong khi, cụ sinh được tới 7 người con, 5 trai, 2 gái. Con nào cũng bảo khó khăn, không có tiền để điều trị cho bố.
"Bố đi bệnh viện điều trị bệnh nặng mà mỗi con chỉ mang theo 2 triệu, đã thế lại còn túc trực 5-7 người ở bệnh viện để chờ "đưa bố về", tiền chi cho cụ thì ít mà tiền cho họ ăn, ở lại quá nhiều" - bác sĩ Duệ bức xúc.
Ông đã gợi ý các con cụ nên gom tiền lại để một người trông coi, cố gắng báo hiếu với bố, làm gương cho con mình sau này. Nếu các con thấy bố mẹ chúng không cứu ông, chỉ mong ông chết thì sau này chúng cũng sẽ đối xử không tốt với họ. Nói tình nói lý mãi, các con của bệnh nhân mới nghe, tiếp tục điều trị cho bố.
Nhưng cũng có những trường hợp gia đình thực sự không muốn cứu vì khi khỏe, bệnh nhân đã đối xử tệ bạc với gia đình. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân nam 54 tuổi bị suy hô hấp, suy đa phủ tạng do cúm A/H1N1. Bệnh nhân phải thở máy, dự tính chi phí hết hơn 100 triệu. Tuy nhiên, gia đình đã vội xin về.
Người vợ rơm rớm nước mắt cho biết: "Nhà nghèo, cũng chưa biết xoay đâu ra số tiền đó. Hơn nữa, ông ấy suốt ngày say xỉn, đánh chửi vợ con. Có khi ông ấy chết lại là giải thoát".
Trái ngược với các trường hợp con cái vội vã xin bố mẹ về để đợi chết nhưng tuyệt nhiên không có việc cha mẹ xin cho con về, trừ khi bác sĩ đã "bó tay". Hầu hết họ đều bấu víu vào bác sĩ để tìm cơ hội cuối cùng "nếu tôi phải bán hết tài sản, phải đi ăn mày mà cứu được con cũng cam lòng".
"Nước mắt chảy xuôi là vậy! Nhưng các con phải thấy rằng, nếu mình không cố gắng chăm lo cho cha mẹ thì sao hy vọng sau này con cái sẽ hết lòng với mình", bác sĩ Duệ khuyên giải.
Bình luận của bạn