Ngày 26/3, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục có công văn yêu cầu một số cán bộ, công chức (đương chức và đã về hưu) thuộc diện bộ quản lý làm báo cáo về thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên).
Giật mình...
Theo đó, những cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu phải báo cáo giải trình gồm 10 người. Như vậy, đến nay đã có ít nhất 14 cán bộ của Bộ GTVT phải làm báo cáo giải trình về trách nhiệm liên quan. Trước đó đã có 3 cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ông Ngô Anh Tảo - phó tổng giám đốc, ông Trần Quốc Đông - phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt) và ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) phải tạm dừng công việc từ 10-15 ngày để tập trung làm báo cáo giải trình trách nhiệm liên quan.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều 26-3, ông Lê Mạnh Hùng (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, mới về hưu hơn 1 năm nay) cho biết đã tiếp nhận yêu cầu của Bộ GTVT và sẽ nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết thời điểm phê duyệt dự án và xảy ra hành vi đưa - nhận hối lộ cũng đã khá lâu nên cần có thời gian nắm bắt lại trên cơ sở tổng hợp, đánh giá, báo cáo của "anh em ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam".
Vẫn chưa thể xác định được danh tính người nhận hối lộ số tiền 80 triệu yen tại dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Hà Nội - Ảnh: TUẤN NGUYỄN
"Khi tôi còn làm việc thì không nhận được bất cứ một phản ánh hoặc tố cáo nào liên quan đến tiêu cực tại dự án đó cả. Mấy hôm vừa rồi, đọc báo mới biết họ tố cáo có chuyện hối lộ số tiền lớn như vậy thì cũng thấy giật mình..." - ông Hùng nói.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện cho biết trong ngày 26/3, Bộ GTVT đã thành lập tổ xác minh tính chân thực của những bản báo cáo trách nhiệm của các cán bộ nêu trên do ông làm tổ trưởng. "Trước hết, chúng tôi xem xét sự thành khẩn của anh em, sau đó sẽ đánh giá một cách toàn diện tính chân thực của những bản cam kết đó tới đâu. Ai sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định" - ông Huyện nói.
Đang phối hợp với C46
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết Thanh tra Bộ GTVT vừa có buổi làm việc, trao đổi thông tin với Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an. Bước đầu hai bên đã trao đổi thông tin liên quan về dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 và cả những cá nhân có trách nhiệm liên quan. Điểm mấu chốt của sự việc, theo ông Huyện, sẽ nằm ở những thông tin mà Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mang về sau chuyến công tác tại Nhật Bản để gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cũng như cơ quan thuế nước sở tại - nơi được coi là đang có những bằng chứng tố cáo của chủ tịch JTC về việc đưa hối lộ cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp phía JTC và cơ quan thuế vụ Nhật Bản không cung cấp danh tính người bị tố cáo hoặc cung cấp danh tính nhưng lại không có bằng chứng xác thực kèm theo thì sao, ông Huyện cho rằng chủ tịch JTC đã tố cáo với cơ quan thuế như vậy thì chắc chắn có bằng chứng. Mong muốn duy nhất của Bộ GTVT qua chuyến đi của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là sẽ "mang về" được "giấy trắng mực đen" danh tính của người nhận hối lộ đang công tác tại ngành đường sắt và kèm theo đó là các bằng chứng chứng minh tố cáo có cơ sở.
Thông tin mới nhất từ Bộ GTVT vào tối 26/3 cho biết trong thời gian cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ chỉ làm việc với Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để có thêm thông tin chính thức về những cáo buộc của lãnh đạo JTC.
Thanh tra dự án đường sắt đô thị số 1
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết ngày 26/3, Thanh tra Bộ GTVT đã công
bố quyết định thanh tra toàn diện về quá trình phê duyệt đầu tư, ký kết hợp đồng tư vấn, thực hiện
dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Trưởng đoàn thanh tra là ông Lê Văn Doãn, Phó
Chánh Thanh tra Bộ GTVT. Thời gian dự kiến thanh tra kéo dài 10-15 ngày. Sau khi hoàn tất, kết luận
thanh tra sẽ được công bố với báo chí.
Những cán bộ, công chức phải giải trình
1. Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).
2. Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).
3. Bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.
4. Ông Lê Quyết Tiến, Trưởng Phòng Pháp chế - Đấu thầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.
5. Ông Phan Hữu Biên, chuyên viên Phòng Pháp chế - Đấu thầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.
6. Ông Vũ Nam Nguyên, chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
7. Ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó trưởng Phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).
Những người đã nghỉ hưu:
1. Ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
2. Ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
3. Ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Bình luận của bạn