Bác sĩ Nguyễn Lê Kim Chi đang thăm khám bệnh nhân L.V.P. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch vì ngộ độc methanol. |
Cùng nhậu rồi cùng đi cấp cứu
Khuya ngày 13/11, khoa cấp cứu bệnh viện cấp cứu Trưng Vương tiếp nhận bệnh nhân L.V.P, 28 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh trong tình trạng kích thích, vật vã, suy hô hấp rồi hôn mê. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ nghĩ đây là một trường hợp ngộ độc methanol vì trước đó vài ngày bệnh nhân đã uống rượu bí tỉ với bạn bè. Bệnh nhân được chuyển ngay đến khoa hồi sức cấp cứu tích cực, cho thở máy và lọc máu giải độc.
Điều đáng nói chỉ sau đó vài giờ, bệnh viện lại nhận thêm một bệnh nhân ngộ độc methanol, đó là anh T.V.L, 37 tuổi, ngụ cùng xã với P., là bạn nhậu với anh này. Thật ra, các bác sĩ không quên L. vì trước đó hai tuần, anh cũng từng ngộ độc methanol và được điều trị tích cực ở đây trong một tuần. Nhưng sau khi xuất viện vài ngày, L. nhậu tiếp và lần này lại vào cấp cứu!
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan, phó khoa cấp cứu bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, triệu chứng đầu tiên của ngộ độc methanol là mờ mắt, rồi có những biểu hiện rối loạn tiêu hoá như buồn ói, ói, thậm chí đau bụng và tiêu chảy. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu toan chuyển hoá dễ nhận diện như rối loạn tri giác (ly bì, lú lẫn, hôn mê), rối loạn tâm - thần kinh (bồn chồn, đứng ngồi không yên, buồn ngủ nhưng không ngủ được) và rối loạn hô hấp (rối loạn nhịp thở, ban đầu là thở chậm và sâu, sau đó thở yếu dần). Nếu không đến kịp những bệnh viện chuyên sâu để được cấp cứu, tình trạng ngộ độc sẽ diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị hôn mê, co giật. Lúc này, dù có được điều trị tích cực bằng lọc máu và thở máy, bệnh nhân cũng khó qua khỏi.
Bệnh viện chuyên sâu mới cấp cứu được ngộ độc rượu
Tại TP.HCM, ngoài bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Nhân dân 115 là những nơi có thể điều trị được tình trạng ngộ độc methanol. Đây là những bệnh viện chuyên sâu có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, đặc biệt là có "thuốc chống độc" ethanol. ThS.BS Phương Lan giải thích: "Ethanol là rượu ethylic có tác dụng hoá giải methanol. Ở nước ngoài người ta dùng dạng dịch truyền, nước mình chỉ có dạng uống. Nếu bệnh nhân mê man, họ sẽ được đặt xông dạ dày đưa ethanol qua đường tiêu hoá. Còn nếu bệnh nhân tỉnh táo, họ sẽ tự uống".
Tuy nhiên, ở những bệnh viện chuyên sâu, bệnh nhân ngộ độc rượu nặng thường được giải quyết bằng cách lọc máu. ThS.BS Phương Lan cho biết, có hai cách lọc: lọc định kỳ ngắt quãng và lọc liên tục tại giường dành cho bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy tuần hoàn quá nặng. Hai trường hợp đang điều trị tại bệnh viện cấp cứu Trưng Vương được xem là may mắn, vì tìm đến bệnh viện kịp thời, dù trước đó họ đã vào cơ sở y tế tuyến trước và được chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày rồi cho về nhà.
Tiếp chúng tôi tại giường bệnh trong tình trạng tỉnh táo, anh T.V.L thật thà nói: "Cách đây hai tuần, sau khi uống rượu, tôi bị mờ mắt, buồn ói, ói, chóng mặt và khó thở. Sau khi vào đây cấp cứu và về nhà, do ham vui với bạn bè, tôi lại uống rượu tiếp, nào ngờ bị lần nữa. Lần này tôi quyết tâm bỏ rượu, quá sợ rồi". Theo anh L., loại rượu anh uống là rượu đế, có giá 25.000 đồng/lít và do người trong xóm làm. Rẻ đâu không thấy, suýt nữa anh đã bỏ mạng vì rượu. Được biết, đợt điều trị ngộ độc rượu lần trước, anh tốn hơn chục triệu đồng viện phí. Sáng ngày 15.11, tại khoa hồi sức cấp cứu tích cực, ThS.BS trưởng khoa Nguyễn Thiên Bình cho biết tình trạng sức khoẻ của anh L.V.P cũng đã ổn, bệnh nhân không còn phải thở máy và lọc máu. Theo bác sĩ Thiên Bình, chỉ trong vòng một tháng rưỡi qua, khoa đã tiếp nhận năm trường hợp ngộ độc methanol, và đây là điều cần phải báo động.
Không may mắn như anh L. và P., trước đây vài tháng, bệnh viện cấp cứu Trưng Vương tiếp nhận một ca ngộ độc methanol, là người nhà của một nhân viên y tế làm việc tại đây. Vào viện với tình trạng toan chuyển hoá nặng, bệnh nhân được thở máy tích cực và lọc máu liên tục tại giường. Nhưng do đến quá trễ, dù được cứu sống, bệnh nhân vẫn không hồi phục được tri giác, sống thực vật. "Người nhà xin cho bệnh nhân về hôm trước, hôm sau tử vong!", BS Phương Lan nói.
Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc methanol ThS.BS Phương Lan cho biết, khi uống rượu người dân không nên ham mua những loại rượu rẻ tiền vì do ham lời và không có đạo đức nghề nghiệp, người sản xuất thường bỏ cồn công nghiệp methanol vào để làm giảm giá thành, tuy nhiên methanol lại là một chất cực độc. Theo các chuyên gia hoá học, quá trình rượu lên men rượu thường tạo ra một lượng methanol và khi chưng cất methanol sẽ ra đầu tiên. Tuy nhiên, với rượu đạt tiêu chuẩn, methanol đều được khử bỏ, nếu không sẽ trở thành rượu độc. BS Phương Lan cảnh báo người dân nếu sau khi uống rượu vài giờ mà có dấu hiệu mờ mắt, rối loạn tri giác, rối loạn nhịp thở phải nghĩ ngay đến ngộ độc methanol và tìm đến bệnh viện chuyên sâu để cấp cứu ngay. |
Bình luận của bạn