Nguy cơ nhiễm sán chó, mèo

Nhà tôi có nuôi chó mèo, nghe nói nếu trẻ em chơi đùa, tiếp xúc với chó mèo có thể nhiễm bệnh sán khiến tôi rất lo lắng. Vậy xin quý báo cho biết biểu hiện khi mắc bệnh, cách phòng.

Nguyễn Huyền (Lạng Sơn)

Sán chó là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Toxocara canis. Sán chó hình tròn, nằm trong đường tiêu hóa của chó. Mỗi khi chó thải phân ra ngoài, thường mang theo trứng sán và những đốt sán. Những trứng sán này lan ra trong môi trường. Một số trứng sán bám vào chân, vào lông chó, khi trẻ em vuốt lông chó hoặc nằm, ngồi chơi đùa, bốc thức ăn hoặc mút tay sau khi tiếp xúc với chó và nền đất có trứng sán sẽ bị nhiễm bệnh sán chó.


Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó thường âm thầm. Nhưng nếu để ý, người bệnh có thể có các chứng mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ngứa. Nhiều người bệnh xuất hiện nóng sốt, ho, khò khè… Nếu sán chó lên phổi sẽ gây viêm phổi, suyễn, đến mắt gây viêm xung quanh mắt, thậm chí gây bệnh ở võng mạc có thể làm mù lòa; các thể sán này còn có thể đến não bộ và gây viêm não hoặc nằm ký sinh dưới da và có thể di chuyển đến nhiều vùng dưới da trong cơ thể, tạo nên những cục u với sự tập trung một lượng lớn các thể nang sán chó.

Do trứng sán chó dễ phát tán trong môi trường, nên người bệnh có thể bị nhiễm sán chó nhiều lần, nếu không sử dụng các biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ; thực hiện ăn chín, uống sôi; không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhất là trẻ em. Cần tắm rửa thường xuyên và tẩy giun định kỳ cho chó, mèo. Không cho chó mèo vào nhà không cho trẻ nhỏ chơi đùa, bò lê dưới đất hay bốc thức ăn dưới đất đưa vào miệng.

Bác sĩ Nguyễn Hà

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị