Tiến sĩ Kazuhiro Kawamura và đứa trẻ chào đời bằng kỹ thuật mới - Ảnh: New York Daily News
Theo hãng tin AFP, các nhà nghiên cứu hy vọng kỹ thuật thử nghiệm này có thể điều trị cho một số phụ nữ bị vô sinh, cũng như những phụ nữ trong độ tuổi 40 khó thụ thai do tuổi tác.
Người phụ nữ đã sinh một bé trai ở Tokyo vào tháng 12/2012. Bà bị một dạng vô sinh không phổ biến gọi là suy buồng trứng sớm (POF). Nó khiến phụ nữ chỉ còn 5-10% cơ may có con trừ phi được điều trị. Liệu pháp chuẩn là sử dụng trứng hiến.
Phương pháp điều trị đã được các nhà nghiên cứu ở Nhật và tại Đại học Stanford (Mỹ) mô tả trong số ra ngày 30/9 của chuyên san Proceedings of the National Academy of Science.
Một người phụ nữ khác cũng đã thụ thai cũng bằng phương pháp nói trên.
Cuộc nghiên cứu sơ khởi được tiến hành trên 27 phụ nữ bị POF. Tuổi bình quân của họ là 37.
Tất cả các đối tượng trên đều đã tắt kinh bình quân gần 7 năm trước đó, và tất cả đều được mổ tách buồng trứng như một phần của cuộc thử nghiệm.
Trong nhóm này, 13 phụ nữ được phát hiện vẫn còn nang dư, vốn chứa một trứng chưa trưởng thành.
Phụ nữ chào đời với khoảng 800.000 nang như thế. Phần lớn không hoạt động, nhưng thường một nang phát triển đến giai đoạn trưởng thành mỗi tháng và sinh ra một trứng.
"Cách điều trị của chúng tôi là đánh thức một số nang nguyên thủy còn lại và kích thích chúng sinh trứng", tác giả nghiên cứu Aaron Hsueh, giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Stanford, cho biết.
Các trứng được mổ xẻ và điều trị bằng những loại thuốc kích thích nhằm phong tỏa một quá trình tăng trưởng có tên gọi PTEN, vốn khiến các nang duy trì tình trạng "ngủ đông".
Những mẩu buồng trứng khi đó được ghép trở lại vào những người phụ nữ, gần các ống dẫn trứng của họ.
8/13 phụ nữ cho thấy dấu hiệu tăng trưởng nang, và được điều trị bằng hormone để kích thích sự rụng trứng.
Từ nhóm đó, 5 người đã phát triển trứng trưởng thành và các nhà nghiên cứu đã thu hoạch chúng để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ bạn đời của những người phụ nữ.
Một phụ nữ nhận 2 phôi và mang một bào thai đơn đến hạn, nhưng phải tiến hành sinh mổ do thai của bà ở ngôi mông vào thời điểm 37 tuần.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Kazuhiro Kawamura, phó giáo sư sản phụ khoa thuộc Trường Y Đại học St. Marianna (Nhật Bản), đã tự tay thực hiện ca sinh mổ nói trên.
Trong 4 người phụ nữ còn lại, một người đang mang thai, 2 người đang chuẩn bị cho việc giao phôi hoặc đang tiến hành thu thập thêm trứng, và một người được cấy phôi nhưng không thể thụ thai.
Tiến sĩ Alan Copperman, Trưởng khoa Nội tiết học sinh sản tại Trung tâm Y khoa Mt. Sinai ở New York (Mỹ) đánh giá cao cách tiếp cận "mới toanh" của nhóm nghiên cứu Nhật-Mỹ về một vấn đề "cũ rích".
Tuy nhiên, ông nhận định có thể phải mất thêm nhiều năm trước khi giới y khoa có thể chứng kiến được lợi ích lâm sàng ở bệnh nhân bị chứng suy buồng trứng.
Về phần mình, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tiếp tục khám phá liệu kỹ thuật của họ có tương tác với các nguyên nhân gây vô sinh khác hay không, chẳng hạn như liệu pháp điều trị ung thư.
Bình luận của bạn