Nhiễm giun xoắn vì tự tin ăn "heo sạch"

Để phòng bệnh giun xoắn, chỉ ăn thịt heo đã nấu chín kỹ - Ảnh: Shutterstock
Để phòng bệnh giun xoắn, chỉ ăn thịt heo đã nấu chín kỹ - Ảnh: Shutterstock

Ổ dịch sau khi ăn heo "sạch"

Bệnh nhân nam, 34 tuổi, từ Điện Biên chuyển về bệnh viện ở Hà Nội để điều trị trong tình trạng khó thở, được xác định tràn dịch màng tim, nghi do suy tim. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng sốt, đau nhức cơ, đau đầu, phù chân. Bệnh nhân được nỗ lực điều trị bệnh lý tim mạch, nhưng bệnh hầu như không suy giảm.

Nhập viện cùng đợt với bệnh nhân này còn có 7 ca bệnh khác, sống trên cùng địa bàn, đều có các triệu chứng sốt, đau nhức cơ, đau đầu, tiêu chảy. Các bệnh nhân được chẩn đoán điều trị tiêu chảy, sốt vi rút. Một số nặng hơn còn xuất hiện phù mi mắt, phù chân. Tuy nhiên, các bệnh nhân hầu như không cải thiện sức khỏe dù đã được điều trị 1 tuần rất tích cực sau khi được chẩn đoán ban đầu là thương hàn, sốt vi rút.

Sau khi có hội chẩn với các chuyên gia thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, 8 bệnh nhân được làm xét nghiệm và xác định chính xác tất cả đều nhiễm ấu trùng giun xoắn từ heo. Trong số này, xét nghiệm với bệnh nhân nam 34 tuổi nói trên cho thấy chỉ số CPK rất cao. Chỉ số này cho thấy mức độ hủy hoại tế bào cơ bào cơ khá nặng nề.

Điều tra bệnh sử cho thấy cả 8 bệnh nhân đều sống tại vùng giáp biên giới Việt - Lào, cùng ăn một nguồn thịt heo "sạch" và nhập viện khoảng 7 - 10 ngày sau ăn.


Có thể chẩn đoán nhầm

Theo TS-BS Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), người ta có thể nhiễm giun xoắn từ heo do ăn phải thịt heo có giun xoắn chưa nấu chín. Thức ăn nguy cơ cao là thịt heo sống (hoặc tái) như: món lạp, nem chạo, nem chua ủ bằng thịt sống, tiết canh... Người ăn thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày, sau 1 - 2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 - 5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn thịt heo nhiễm ấu trùng giun xoắn và tùy thuộc lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng. Ở người, các biểu hiện đầu tiên hay gặp là đau nhức cơ, đau đầu, tiêu chảy, phù mi mắt. Ở lợn, giun xoắn này có trong cơ (thịt). Khi vào cơ thể người, thời kỳ đầu, giun xoắn sống ở ruột làm cho người bệnh bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng, nôn, đau bụng, sốt 40 - 41 độ C. Giai đoạn này rất hay nhầm bệnh thương hàn, sốt vi rút. Một tuần sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập ồ ạt vào máu, hạch bạch huyết của người bệnh làm cho họ sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. Ấu trùng này có thể di chuyển qua cơ tim gây một phản ứng viêm mạnh và cơ tim hoại tử từng điểm, có thể tràn dịch màng ngoài tim. Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2 - 3 tháng.

Dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh là phù mi mắt, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và tay. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc. Tiếp theo là các biểu hiện đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, nói, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động. Bệnh nhân sẽ sốt nhẹ tăng dần, sau 2 - 3 ngày thân nhiệt lên tới 39 - 40 độ C. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ. Ngoài ra còn có các triệu chứng như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

"Chẩn đoán nhầm khiến việc điều trị không hiệu quả, bệnh nhân phải kéo dài thời gian nằm viện, tổn thương đa cơ quan. Trường hợp bệnh nhân nam nêu trên phải qua đợt điều trị 35 ngày", TS Nguyễn Thu Hương cho biết. Để chẩn đoán xác định, cần dựa thêm vào những kết quả xét nghiệm.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn