Nhiều thông tin mới quanh vụ chìm tàu ở Cần Giờ

Tìm thêm được thi thể nạn nhân
9g sáng 4/8, Đại tá Lê Ngọc Hùng - tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng TP.HCM cho biết các lực lượng cứu hộ cứu nạn của bộ đội biên phòng và trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực 3 đã tìm thấy thi thể của hai nạn nhân trong vụ ca nô chìm đêm 2/8.

Nhân viên cứu hộ của Trung tâm Phối hợp và tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 tìm cách kéo chiếc canô bị nạn vào bờ - Ảnh: Việt Nam MRCC
Nhân viên cứu hộ của Trung tâm Phối hợp và tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 tìm cách kéo chiếc canô bị nạn vào bờ - Ảnh: Việt Nam MRCC

Trực ban Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực 3 cho biết: nạn nhân Hà Tiến Sơn được tìm thấy lúc 7g sáng nay. Nạn nhân thứ hai là Nguyễn Thị Kim Hoàng được tìm thấy lúc 9g sáng nay.

Theo Sở chỉ huy tiền phương tại Cần Giờ, hôm nay nếu thời tiết cho phép sẽ huy động tối đa phương tiện bao gồm cả tàu và trực thăng để tìm kiếm nạn nhân vụ chìm canô.

Hiện thi thể hai nạn nhân đã được đưa vào Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực 3 ở Vũng Tàu.

Tàu gặp nạn đang trong giai đoạn sửa chữa

Ngoài ra, một số thông tin khác liên quan đến vụ việc cũng được công bố.

Trước hết, về phương tiện gặp tai nạn. H29-BP là một trong hai chiếc canô (chiếc khác mang số hiệu H68 BP) được Xí nghiệp liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) và Công ty Việt - Séc tài trợ cho bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai chiếc canô này được đơn vị tài trợ bàn giao cho bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 10/6. Theo tìm hiểu của phóng viên, trị giá hai chiếc canô này là 3,2 tỉ đồng, trong đó VSP tài trợ 2 tỉ, Công ty Việt - Séc tài trợ 1,2 tỉ đồng. Công ty Việt - Séc chính là đơn vị đóng hai canô này.

Đại tá Trần Công Hiểu, phó chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sau khi nhận tài trợ hai canô và qua gần hai tháng sử dụng, đến ngày 9/7 cơ quan này đã trả lại cho Công ty Việt - Séc để sửa chữa, bổ sung một số hạng mục. Khi canô sử dụng chở khách rồi xảy ra tai nạn, bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn không quản lý.

Thượng tá Hoàng Nhuận Quỳnh, chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn vị trực thuộc bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được giao sử dụng hai chiếc canô trên), cho biết cụ thể hơn: do cả hai canô còn thiếu sót, khiếm khuyết một số bộ phận như thiếu hệ thống va đệm, thiếu tay vịn cho hành khách, cửa sổ kính ở buồng lái không có, hầm máy không có lỗ để bơm nước ra... nên bộ đội biên phòng đã trả lại cho đơn vị sản xuất, cũng là nhà đồng tài trợ. Theo thượng tá Quỳnh, trong quá trình trả lại để sửa chữa, bổ sung, canô trên đã được cơ quan chức năng cấp đăng kiểm trước ngày xảy ra tai nạn khoảng một tuần.

Theo thiết kế ghi rõ trong catalogue của Công ty Việt - Séc, canô trên chỉ chở được tối đa 12 người. Thế nhưng trên thực tế, canô đã chở 30 người và đi trong điều kiện dông gió nên đã lật. Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Học, người đại diện của Công ty Việt - Séc, cũng thừa nhận canô đã chở quá tải.

Ông Mai Thế Hùng, giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tại Vũng Tàu có tuyến đường thủy nội địa đi Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) và tàu chở khách là tàu gỗ loại lớn, chứ không phải bằng canô. Tuyến đường thủy nội địa này có từ lâu và là tuyến được cấp phép. “Họ không hề xin phép gì với cơ quan chúng tôi trong chuyến đi làm chín người mất tích” - ông Hùng cho biết. Trong khi nếu xét về hàng hải thì chuyến canô trên cũng không hề xin phép Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu. Một người có trách nhiệm khẳng định họ đã đi chui, đi lậu.

Ai đã thuê canô?

Sau khi xảy ra sự cố, lúc 21g ngày 2/8 có người đàn ông tên Nguyễn Ngọc Tuấn (trú tại Nha Trang) đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) trình tờ đơn yêu cầu cứu nạn. Trong đơn, ông Tuấn ghi nơi công tác là Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Mariana. Từ lá đơn của ông Tuấn, Trung tâm 3 đã thông báo rộng rãi cho cơ quan chức năng để tìm kiếm nạn nhân. Hiện có luồng thông tin nói rằng chính PV Pipe đã có hợp đồng thuê canô sang Vàm Láng chở người qua Vũng Tàu dự đám cưới của một nhân viên.

Chiều 3/8, tại cầu cảng Trung tâm 3, phóng viên đã gặp một người đàn ông của PV Pipe ra đây để nhận thi thể chị Nông Thị Thiên. Khi được hỏi công ty có ký hợp đồng với bên có canô không, người này cho hay có hợp đồng hẳn hoi.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Đảo, giám đốc Công ty Việt - Séc, lại nói không hề có sự thuê mướn, hợp đồng mà anh em tự kết nối để chở người. Còn ông Lê Văn Học cho hay đám cưới tại Vũng Tàu là của một người tên M., nhân viên của PV Pipe. Người đã móc nối để lấy canô sang Gò Công Đông đón khách là một nhân viên trước đây làm ở PV Pipe, hiện làm cho Công ty Việt - Séc. Thế nhưng, ông Trần Đăng Thuyết, giám đốc PV Pipe khẳng định: công ty không hề có hợp đồng thuê canô mà anh em tự móc nối đi ngoài giờ hành chính. Ông Đỗ Khang Ninh - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PV Gas - cũng cho biết: “Anh em báo cáo lại với tôi chuyện thuê canô đi là ngoài giờ, anh em tự thu xếp với nhau chứ công ty không ký hợp đồng”.

Tối 3/8, chiếc canô gặp nạn đã được kéo về xưởng sản xuất của Công ty Việt - Séc tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, P.Rạch Dừa, TP Vũng Tàu.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn