Những bác sỹ trẻ rời đồng bằng “đầu quân” lên vùng cao

Những ngày cuối tháng 2, Mù Cang Chải (Yên Bái) không phải mùa lúa chín vàng, nhưng những thửa ruộng bậc thang xếp chồng chồng lớp lớp uốn lượn như một bức tranh thủy mặc đã làm nao lòng tất cả những ai đi qua vùng đất này.


Bác sỹ Toàn (người thứ hai từ phải sang) trong ca mổ cấp cứu ngày 20/2. (Ảnh: TG/Vietnam+)

Vượt hơn 300km, với hơn 8 giờ đồng hồ ngồi lắc lư trên xe ôtô, chưa kịp nhận diện, làm quen với những người ở vùng đất mới này, ngay sau khi xuống xe Phạm Mạnh Toàn - chàng bác sỹ tình nguyện lên công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải đã vào thẳng phòng mổ, thực hiện ca cấp cứu cho một bệnh nhân chửa ngoài tử cung đã vỡ.

Trái tim trẻ hướng về vùng cao

Quệt những giọt mồ hôi thấm đẫm trên gương mặt phần vì căng thẳng trong ca mổ diễn ra 90 phút, một phần vì sự nhọc nhằn sau một chuyến đi dài của hành trình Hà Nội - Mù Cang Chải, chàng bác sỹ khoa sản-nhi này mới có dịp chia sẻ những cảm xúc của mình khi nhận nhiệm vụ mới.

Chiều 20/2, Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải tiếp nhận một bệnh nhân chửa ngoài tử cung đã vỡ và có những diễn biến bất thường đe dọa đến tính mạng.

4 giờ chiều, Toàn - chàng bác sỹ 25 tuổi vừa bước xuống xe đã đi thẳng vào phòng thay đồ của bệnh viện, cởi chiếc áo xanh và mặc trang phục phẫu thuật rồi bước vào phòng mổ cùng với ê kíp bác sỹ của bệnh viện.

Có thể nói cả chuyến hành trình dài hơn 300km từ Hà Nội lên vùng đất này, với những khúc cua uốn lượn quanh núi khiến những ai ngồi trên ôtô cũng phải lắc lư.

Toàn cho hay: "Vừa bước xuống xe, ban giám đốc bệnh viện đã thông báo có ca chửa ngoài tử cung đã vỡ vừa được chuyển đến cần mổ cấp cứu gấp, yêu cầu mình tham gia. Khi đó, quả thực mình hơi run và hồi hộp. Thế nhưng ngay sau đó, cả ê kíp mổ phối hợp rất nhuần nhuyễn nên mình càng thêm tự tin hơn."

Chàng bác sỹ trẻ tâm sự, ca mổ chửa ngoài tử cung khá khó và phức tạp, nhất là việc cầm máu cho bệnh nhân.

Gác lại những câu chuyện về chuyên môn, khi hỏi về việc tại sao lại lựa chọn phương án tình nguyện lên vùng cao, Toàn cho hay, cậu muốn đóng góp sức trẻ của mình để chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân vùng cao.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cậu muốn thử thách, bay bổng một thời gian. Vì vậy, Toàn tham gia chương trình để có cơ hội đi tới những vùng đất mới và đóng góp kiến thức, sức trẻ của mình cho bà con vùng cao.

Còn với Cao Thị Hồng Yến, một nữ bác sỹ trẻ đang làm việc tại bệnh viện huyện Đông Anh (Hà Nội), đã quyết định rời thủ đô tình nguyện đến công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai).


Bác sỹ trẻ Cao Thị Hồng Yến tình nguyện lên công tác tại huyện Mường Khương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tâm sự về quyết định đầy táo bạo khi dấn thân tới vùng đất mới này, Yến cho hay, từ năm cuối đại học, cô đã tìm hiểu thông tin về dự án đưa 500 bác sỹ trẻ tình nguyện lên vùng cao công tác và muốn tham gia.

Tuy nhiên, không phải ước muốn nào cũng suôn sẻ với Yến. Ngay sau khi bày tỏ nguyện vọng đi tình nguyện của mình, cô gái Hà Nội đã nhận sự phản đối gay gắt của bố mẹ.

Yến cho biết, sau đó, cô thay đổi chiến thuật bằng các tác động từ từ, "mưa dầm thấm lâu." Sau khi tốt nghiệp loại khá Đại học Y Hải Phòng, Yến làm tại Bệnh viện huyện Đông Anh, nhưng ước mơ được tới những vùng đất mới không ngày nào ngừng trong tâm trí cô gái Hà Nội nhỏ nhắn này.

Sau hơn 1 năm trời tác động với rất nhiều lý lẽ đưa ra hợp lý và thuyết phục, cuối cùng, bố mẹ Yến đã gật đầu đồng ý trước quyết tâm của cô con gái.

Yến cho hay: "Sau khi hoàn thành khóa học bác sỹ chuyên khoa I, mình sẽ về Mường Khương công tác. Mình tin, những kiến thức được học hỏi, cộng với sức trẻ, sự nhiệt tình, mình sẽ phục vụ, chăm sóc y tế cho bà con, đồng bào dân tộc hết mình."

Vùng khó hân hoan

Vừa qua, tại Mù Cang Chải, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ ra quân đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo.

Trong chuyến ra quân lần này, có 6 bác sỹ trẻ trong màu áo xanh tình nguyện đầy nhiệt huyết và phơi phới sức trẻ. Họ là những con người không quản ngại đường xa, vượt hàng trăm km núi đèo để tình nguyện lên công tác với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Sáu bác sỹ trẻ trên, đều tốt nghiệp loại khá, giỏi đã tình nguyện đến những huyện miền núi đầy khó khăn và heo hút của các tỉnh phía bắc như: Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Khương (Lào Cai), Tân Sơn (Phú Thọ), Mường Nhé (Điện Biên).

Là một đơn vị được tiếp nhận bác sỹ trẻ về công tác, ông Cứ A Hồng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải bày tỏ niềm xúc động, phấn khởi cho ngành y tế của huyện.

Ông Hồng cho hay, hơn 10 năm qua bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu bác sỹ, nhất là những chuyên khoa về xương, sản, nội-nhi cấp cứu còn hạn chế. Bệnh viện vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do không có bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.

Được biết, tại các trạm y tế của huyện Mù Cang Chải hiện nay chỉ có 2/14 trạm y tế xã có bác sỹ. Vì vậy một số các trang thiết bị như máy siêu âm, điện tim, máy nhổ răng… chưa thực hiện được vì thiếu nguồn nhân lực đạt đúng trình độ.

"Việc các bác sỹ trẻ với trình độ giỏi được đào tạo bài bản sẽ là cơ hội để người dân địa phương được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đồng thời nguồn nhân lực của bệnh viện sẽ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu," ông Hồng cho hay.

Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc phân bổ lại nguồn nhân lực hợp lý.

Hy vọng, cùng với những nỗ lực của ngành y tế và những trái tim đầy nhiệt huyết của các bác sỹ trẻ đang vươn mình tới những vùng đất mới, đồng bào dân tộc vùng cao sẽ được hưởng những kỹ thuật cao trong công tác chăm sóc sức khỏe./.
Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn