
Trạm quét virus Ebola tại cổng bệnh viện Kenema, Sierra Leone sáng 9/8
Khỏi Ebola là không thể lây cho người khác. Ông Aaron DeVries, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm của Sở Y tế Minnesota, Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với NBC khẳng định rằng những ai có triệu chứng Ebola như sốt, nhức đầu, nôn mửa và tiêu chảy đều có thể truyền virus cho người khác. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận được một trường hợp truyền virus Ebola qua tinh dịch dù người đàn ông này đã khỏi bệnh được 7 tuần.
Đây là lần đầu tiên dịch Ebola bùng phát lớn. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có dịch Ebola nhưng đợt dịch này có số tử vong lớn nhất trong lịch sử. Virus Ebola lần đầu tiên được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1976 với 318 người bị nhiễm, tỷ lệ tử vong 88%. Kể từ đó, bệnh xuất hiện trên khắp lục địa châu Phi với nhiều chủng khác nhau, riêng chủng Zaire trong đợt dịch này có tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Tính đến 4/8/2014, đã có 1.711 người chết vì nhiễm virus Ebola, trong đó 932 người chết ở Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria. Đáng chú ý, lần đầu tiên virus này xuất hiện tại Tây Phi và 90% trường hợp bệnh nhân chết do không được tiếp cận y tế.
Virus Ebola "hóa lỏng" các cơ quan nên gây xuất huyết. Trong những triệu chứng bệnh có hiện tượng chảy máu mắt, tai, mũi và miệng nhưng chỉ 20% số ca có dấu hiệu này. Vậy điều gì xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể? Đầu tiên nó thâm nhập tế bào, nhân lên nhanh chóng cho đến khi phá vỡ các tế bào và sản sinh ra một loại protein gọi là ebolavirus glycoprotein có sức tàn phá kinh khủng. Protein này gắn với các tế bào di chuyển trong mạch máu sớm làm cho thành mạch suy yếu, gây xuất huyết, đồng thời ngăn cản quá trình đông máu. Virus Ebola cũng có thể ngăn chặn các tế bào bạch cầu truyền tín hiệu báo động cho hệ miễn dịch, "ngang nhiên đi du lịch" đến tất cả các bộ phận khác như gan, thận, lá lách và não đến khi virus này nhân lên nhanh chóng phá vỡ các tế bào khắp cơ thể. Tóm lại, nạn nhân sau một thời gian nhiễm virus sẽ chết vì sốc do mất máu và suy đa phủ tạng.
Ebola có thể điều trị bằng kháng sinh (hoặc các phương pháp dân gian như hành hay sữa đặc ...). Không đúng, tất cả đều vô tác dụng bởi biện pháp được cho là "mạnh nhất" - thuốc kháng sinh chỉ chữa trị nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không phải virus. Hiện cũng chưa có vaccine phòng ngừa virus Ebola. Gần đây các nhà khoa học Mỹ có tạo một loại huyết thanh được gọi là Zmapp trong đó chứa kháng thể giúp ngăn chặn virus nhưng đến nay nó mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ và chưa được chấp thuận sử dụng cho con người.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn