Empty
Empty

Tôi kiệt sức với New York. Là một nhà nhiếp ảnh, vậy mà tôi lại cảm thấy chán nản với thành phố nơi tôi sống, trong một căn nhà treo đầy những bức ảnh phủ bụi. Và tôi đã đặt cho mình một chuyến đi tới Atacama, vùng đất sa mạc ở phía bắc Chile, để nghiên cứu về văn hóa cổ xưa của người bản địa nơi đây – người Lickanantay.

Empty

Tờ mờ sáng, tôi cùng với những người khác đứng giữa sa mạc. Trước mặt chúng tôi là ngọn núi lửa Andean, phía sau lưng tôi là Dãy núi Salt. Tia nắng sớm mai xuyên qua đỉnh núi chiếu xuống sa mạc khiến chúng tôi nheo mắt. Trước thiên nhiên, trên sa mạc mênh mông, chúng tôi thấy mình thật bé nhỏ.

Lúc này, Carlos – chủ nhà của chúng tôi, trải tấm chăn trên cát ấm, đặt lên đó một chai rượu vang đỏ, một bát lá coca và bốn chiếc cốc. Chúng tôi cũng đã tự chuẩn bị đĩa đồ cúng, gồm vỏ trái cây ăn được, hạt chanar, táo và cam. Chúng tôi cũng đặt đĩa đồ cúng lên tấm chăn rồi lần lượt quỳ xuống. Chúng tôi thả lá coca vào cốc, rót rượu vào. Hai chiếc cốc bên trái tượng trưng cho người phụ nữ - sự sống, sự sinh sôi, hai chiếc cốc bên phải tượng trưng cho người đàn ông – cái chết, sự trường tồn. Hai mặt của cuộc sống. Rồi chúng tôi bưng những chiếc ly lên, đi tới chiếc hố nhỏ trên mặt đất – tượng trưng cho boca de Madre Tierra - miệng của Đất Mẹ, để lại lễ vật và cầu nguyện.

Giờ đây, giống như những người Lickanantay, những người bản địa ở khu vực sa mạc Atacama này, chúng tôi đang tham gia một nghi lễ tạ ơn có tên là Ayni, một nghi lễ theo phong tục truyền thống, dâng lễ vật lên Đất Mẹ để cầu xin sự che chở của Mẹ. Carlos, một Lickanantay yatiri, hay người chữa lành tâm linh và y học, đã dẫn dắt chúng tôi thực hiện nghi lễ thiêng liêng này. Carlos cũng để chúng tôi chụp những bức ảnh thực hiện nghi lễ.

Tôi đã đến cộng đồng nhỏ bé Coyo này vào một ngày trước đó. Cộng đồng Coyo sống ở một góc của sa mạc Atacama, phía bắc Chile. Họ được La Wayaka Current - một tổ chức tập trung bảo vệ môi trường, cộng đồng và nghệ thuật đương đại, chấp nhận vào chương trình nghệ sĩ lưu trú kéo dài ba tuần. Tôi đến đó để tìm hiểu, học hỏi và tham gia vào nền văn hóa Lickanantay cũng như chụp ảnh trải nghiệm của mình. Tôi đang muốn tìm hiểu xem trí tuệ cổ xưa đã phát triển như thế nào ở khu vực này trên thế giới và làm cách nào tôi có thể tôn vinh những giá trị này trong sự tồn tại của chính mình.

Coyo không hẳn là một thị trấn mà là một tập hợp những ngôi nhà làm bằng đất sét kết nối với nhau bằng những con đường đất, tường đá và cây cối như chất keo kết dính cảnh quan xung quanh. Để đến được đây, tôi đã bay từ New York đến thành phố Calama phía bắc Chile, nơi tôi và 9 người lạ lên xe bus đi vào sa mạc.

Khi chúng tôi đến gần Coyo, Dago, một nhà địa chất và hướng dẫn viên của chúng tôi, đã nói với chúng tôi rằng, không khí ở đây sẽ “limpiar tus pulmones” - làm sạch phổi của chúng tôi.

Empty

Tôi dành thời gian sau nghi lễ Ayni để đi dạo trên các con phố của cộng đồng, cảm nhận nhiệt độ bắt đầu tăng lên khi mặt trời đốt cháy mặt đất buổi sáng. Thoạt nhìn, những ngôi nhà có thể trông cũ kỹ và bị bỏ hoang, với những vết nứt và kẽ hở trên vách. Nhưng khi tôi quan sát những ngôi nhà một cách kỹ càng hơn thì nhận ra rằng, chúng như những bàn tay cắm sâu vào lòng đất. Trần nhà được lợp ngói, những cây gỗ hàng rào buộc với nhau bằng dây nhựa. Những chú chó giữ nhà cũng có chốn trú chân an toàn cho mình ngay dưới hàng rào.

Tâm trí tôi lang thang về ngôi nhà của mình ở New York, đến căn hộ đầy đồ lặt vặt và đồ đạc được sưu tầm qua nhiều năm, những bức ảnh bám đầy bụi. Tôi sống trong một ngôi nhà bằng đá nâu ở Brooklyn, nơi đường chân trời của Manhattan. Tôi không biết ai đã xây dựng nên thành phố đó.

Tiếng chó sủa kéo tôi trở lại Coyo. Tôi cảm thấy khó chấp nhận sự thật rằng, tôi đang ở một nơi nào khác trên thế giới, tránh xa cái thành phố thịnh vượng với những tòa nhà chọc trời và ánh đèn không bao giờ tắt. Khi sống ở New York, tôi nhận ra, tôi trải qua cuộc sống hoàn toàn xa lạ với cộng đồng. Còn khi đây, “tồn tại” trong cộng đồng này - ở sa mạc khô cằn nhất thế giới - tôi có thể tự hỏi Mẹ Trái đất, liệu chúng ta có thể tiếp tục sống không? Chúng tôi có thể đến gặp bà để tìm câu trả lời.

Thời gian là điều vô cùng mờ mịt trên sa mạc này. Ngày tháng cuồn cuộn trôi. Tôi đo thời gian bằng những buổi bình minh và hoàng hôn, bằng những cung đường tôi đã chầm chậm đi qua và bằng những người tôi đã gặp gỡ. Sandra - vợ của Carlos, xen vào cuộc sống của tôi. Năng lượng của cô ấy có sức lan tỏa, và mọi thứ về cô ấy đều sống động: quần áo, tiếng cười, sức mạnh của cô ấy.

Sandra xuất thân từ một gia đình chăn nuôi lâu đời. Chúng tôi dành cả buổi chiều chăn cừu cùng cô ấy, trò chuyện về cuộc sống khi chúng tôi dắt lạc đà không bướu và đàn cừu băng qua sa mạc. Mỗi ngày, Sandra và Carlos đi bộ dưới cái nắng chói chang hàng giờ để cho gia súc ăn, đi bộ hai bên, huýt sáo để lùa chúng trở về đàn. Mỗi ngày, Sandra đều cõng Gaspar, cháu trai của mình, trên lưng.

Một ngày nọ, chúng tôi dừng lại dưới bóng cây tật lê, phủi đất để ngồi trong khi đàn gia súc gặm cỏ. Sandra nói với chúng tôi rằng căn nhà mà chúng tôi đang ở từng là nhà của họ. Tuy nhiên, sau Đại dịch COVID-19, cô và Carlos đã quyết định chuyển đến nơi họ đang sống hiện giờ, cách Coyo 15 phút lái xe, một nơi dành riêng cho các gia đình chăn nuôi gia súc với hàng dặm đất trống và cây bụi. Không có điện, nước nóng và rất ít hoặc không có dịch vụ di động, cộng đồng các gia đình ở đó phải chung tiền để có nước uống thường xuyên.

Empty

Mặc dù Coyo là một cộng đồng sa mạc khiêm tốn nhưng đó là niềm an ủi đối với Sandra và Carlos. Tôi cũng đã hiểu được sự thoải mái này. Sandra nói với chúng tôi rằng việc thích nghi với lối sống mới ban đầu rất khó khăn nhưng giờ đây họ cảm thấy gắn kết hơn với thiên nhiên. Khi Sandra kể chuyện, Gaspar lăn lộn trên đất, đưa đá lên miệng nếm thử.

Một lần nữa, tôi nghĩ về cuộc sống của mình ở New York, với những tiện nghi - nơi mà chúng tôi đã đánh đổi sự gắn kết cộng đồng để thể hiện sự tôn trọng những sinh vật khác. So với cuộc sống đó, cuộc sống ở nơi này cũng rất phong phú. Sandra và Carlos đi bộ qua sa mạc mỗi ngày theo lựa chọn, cảm nhận được kết nối với mặt đất bên dưới và bầu trời bên trên. Ở Brooklyn, tôi từng thấy một người mẹ khiển trách con trai mình vì đã dừng lại nhặt những chiếc que trên mặt đất. Tôi nghĩ đến Gaspar, đến việc thằng bé thật may mắn biết bao khi được chơi đùa với trái đất một cách tự do như vậy.

Trong cộng đồng Lickanantay, yatiris như Carlos là những sinh vật được chọn, đã bị sét đánh, được đánh thức khả năng tâm linh, trong khi những người còn lại chỉ có thể tiếp cận được bằng cách sử dụng chất gây ảo giác. Carlos kể với chúng tôi rằng Carlos đã chết lưu cho đến khi mẹ anh cảm nhận sét đánh xuyên qua các bức tường của Bệnh viện ở San Pedro, khiến anh bật ra tiếng khóc đầu đời.

Trong văn hóa Lickantay, thuật ngữ “pachakuti” dùng để chỉ một thời kỳ biến động và biến đổi xã hội. Carlos nói với chúng tôi rằng Hiện tượng Nhật thực năm 2017 đã chào đón chúng ta bước vào pachakuti thứ năm. Trong nhiều thế kỷ, trật tự xã hội thống trị là của kẻ chinh phục phương Tây, nhằm che giấu và làm xấu hổ sự khôn ngoan của các cộng đồng bản địa. Ông nói, pachakuti mới này giúp chúng ta loại bỏ năng lượng đó và đổi mới chúng ta bằng kiến thức Bản địa để mang lại sự hòa hợp với Mẹ Trái đất và tất cả sinh vật của Mẹ.

Empty

Sa mạc Atacama, nơi có nhiều khoáng sản, cũng chứa đầy các mỏ lithium, đồng, magnesium, kali. Đặc biệt, việc khai thác lithium, chất được sử dụng cho pin xe điện và rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của thế giới, là trung tâm của các cuộc tranh luận đang diễn ra về lợi ích khai thác, biến đổi khí hậu và quyền của người bản địa.

Chúng tôi đã lái xe hàng dặm trên những con đường gập ghềnh để chiêm ngưỡng cảnh quan sa mạc, những cánh đồng muối giàu lithium, những khu mỏ. Ban đầu, chỉ có cát là cát, không có gì ngoài cát, cho đến khi khung cảnh đột nhiên mở ra và bạn có thể nhìn thấy muối từ xa hàng dặm, phủ đầy sa mạc như tuyết. Chúng tôi đã vội vã dừng xe và tôi cuống quýt leo lên một mỏm đá để ngồi ngắm cảnh quan này, ngắm nhìn mặt trời lặn sau Cordillera de la Sal – Dãy núi Salt. Muối đã biến sa mạc và những ngọn núi thành màu hồng.

Bầu trời chợt biến đổi, lúc đầu chỉ là một vài giọt mưa - nhưng sau đó gió ngày càng mạnh hơn và bầu trời xám xịt hơn, và mưa bắt đầu rơi không ngừng. Nhóm chúng tôi khoác áo mưa rồi chạy ngược ra đường, dang rộng tay để mưa rơi trên tay áo.

Tôi hít một hơi thật sâu, để không khí có mùi ngọt ngào tràn vào phổi mình. Cuối cùng tôi đã hiểu ý của Dago - Coyo đã “limpiar tus pulmones” – “làm sạch phổi” chúng tôi.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa