“Phải có lòng yêu người thì mới nên đi học y”

Là một người làm trong ngành y, bà đón nhận thông tin vụ việc này như thế nào?

*PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Tôi cũng chấn động trước thông tin vụ việc. Cũng cần theo dõi thêm để biết quá trình điều tra như thế nào. Nhưng dù là lý do nào thì đó cũng là một việc làm không thể chấp nhận được đối với những người làm ngành y hay với bất cứ công dân nào. Tôi cũng rất bàng hoàng, sửng sốt không biết phải nói thế nào. Chuyện xảy ra với xã hội đen mình còn bất ngờ huống chi là với một bác sĩ. Điều này rất đau xót. Mọi việc sẽ phải xử lý theo pháp luật.


Bà Phạm Khánh Phong Lan


* Điều gì cần đặt ra đối với cơ quan chủ quản trong việc quản lý bác sĩ của mình hành nghề bên ngoài?

*Theo Luật Khám chữa bệnh, cái gì Nhà nước cho phép, không cấm thì bác sĩ có quyền làm. Bác sĩ trong bệnh viện công lập nếu có đủ các yêu cầu thì sẽ được xét cấp chứng chỉ hành nghề. Trong vụ này, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ này do Bộ Y tế cấp, vì Bệnh viện Bạch Mai thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai chỉ có thể quản lý được về mặt chuyên môn cũng như việc làm ngoài có ảnh hưởng gì đến công việc bên trong bệnh viện hay không. Bản thân bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề và khi có chứng chỉ cùng với đăng ký kinh doanh thì mới được cấp phép hoạt động phòng khám tư. Bất cứ bác sĩ nào khi ra ngoài làm thêm phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản, vì trong hồ sơ đều có yêu cầu này. Vấn đề ở vụ việc này là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có được cấp phép hoạt động hay không. Nếu chưa cấp thì anh này đã hành nghề “lậu”. Vấn đề nữa là các bệnh viện phải tăng cường giáo dục y đức.

*Thế còn trách nhiệm quản lý cơ sở y tế ở địa phương, nhất là đối với việc để các phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động không phép?

*Trong vụ việc này, đứng về mặt quản lý của Sở Y tế Hà Nội thì tôi không có ý kiến. Nhưng nhìn rộng ra thì phải xem xét lại. Tôi cũng suy nghĩ liệu TPHCM có chuyện như vậy hay không. TPHCM với một số lượng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất lớn, lực lượng hiện nay lại mới chỉ tập trung vào việc cấp phép nên công tác thanh tra rất mỏng. Cho nên, để không xảy ra những sự cố như thế này, đòi hỏi từ nhiều phía. Bản thân người hành nghề phải tăng cường trau dồi y đức, xã hội phải tăng cường giám sát và đặc biệt là quản lý ngành phải siết chặt hơn nữa.

* Hoạt động giải phẫu thẩm mỹ ở TPHCM được quản lý như thế nào?

*Thực ra, trong phẫu thuật thẩm mỹ, TPHCM rất siết chặt trong khâu cấp phép. Mọi người nhiều khi còn than thở là việc cấp phép lâu quá, nhưng vì còn phải lật lại hồ sơ xem bác sĩ đã qua bao nhiêu ca giải phẫu, bằng cấp nơi nào cấp… Khi thẩm định để ra được một tờ giấy phép thì là cả một quá trình. Nhưng đó mới chỉ là tiền kiểm thôi, còn hậu kiểm mới quan trọng, Cho nên ở đây không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành.

* Sau vụ việc xảy ra ở Hà Nội, TPHCM có động thái gì trong việc rà soát các cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ?

* Điều này Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM sẽ quyết định. Nhưng không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. Từ trước đến nay, đối với lĩnh vực hoạt động giải phẫu thẩm mỹ, ở TPHCM việc cấp phép rất chặt chẽ, bị người hành nghề than là "Sở làm khó". Nhưng vì thực tế thị trường quá rộng lớn, số cơ sở quá nhiều nên Sở Y tế phải thực hiện cấp phép chặt chẽ. Nhưng sau khi có giấy phép rồi, cơ sở có làm ẩu hay không thì phải qua công tác hậu kiểm mới biết được. Mà lực lượng thanh tra y tế thì hiện quá mỏng.

Hàng năm, lực lượng thanh tra y tế liên ngành của sở, các quận huyện đều tiến hành thanh tra các cơ sở y tế, nhà thuốc. Nói chung chúng tôi luôn cố gắng thanh tra, nhưng so với yêu cầu thì lực lượng thanh tra quá mỏng. Dù cố gắng tăng cường hậu kiểm nhưng thú thật, hiện mới chỉ tập trung được ở khâu tiền kiểm, tức là yêu cầu anh có đạt tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động hay không. Còn sau khi vào hoạt động thì hậu kiểm còn hạn chế.

Nhưng sau vụ việc này, không riêng TPHCM mà tất cả các tỉnh thành khác đều phải nhìn lại.

* Năm 2013 có rất nhiều sự việc buồn liên quan đến ngành y tế. Phải chăng đúng như xã hội lo ngại, y đức đang có biểu hiện xuống cấp?

* Các tai biến xảy ra luôn luôn có cả lỗi khách quan và chủ quan. Vấn đề là sau khi để xảy ra thì khắc phục bằng cách nào. Qua những vụ việc như vậy, bản thân ngành y tế phải xem lại cơ chế của mình. Có những trường hợp tai biến xảy ra do tay nghề bác sĩ còn yếu kém, vậy thì phải nhìn lại công tác đào tạo xem đã bảo đảm hay chưa, hay chỉ chạy theo số lượng? Y bác sĩ giỏi tập trung hết ở bệnh viện tuyến trên thì làm sao bệnh nhân nghèo ở địa phương được chữa bệnh tốt… Tất cả những sự cố trong thời gian qua là hậu quả của nhiều vấn đề chưa thỏa đáng trong nhiều năm tích lại, chứ không phải 2013 là một năm đặc biệt của ngành y tế đâu.

Ngành y có vô vàn những y bác sĩ chân chính đang ngày đêm hết lòng vì bệnh nhân. Nhưng không thể phủ nhận là có một bộ phận y bác sĩ sai phạm đã khiến người dân mất lòng tin vào ngành y. Trong xã hội, người làm thầy giáo và thầy thuốc phải có tâm mới chọn nghề đó, không thì rất đáng buồn. Xã hội mà có nhiều tội ác do bác sĩ gây ra thì phải xem lại.

Phải có lòng yêu người, có lòng nhân ái thì mới nên đi học y, chứ nếu chỉ để kiếm sống thì bất cứ ngành nào cũng có thể kiếm tiền được. Ngành nào cũng cần đạo đức, nhưng nghề y phải được đặt lên hàng đầu. Kể cả với cơ sở hoạt động đúng phép mà nếu có tai biến xảy ra thì vẫn phải làm đúng theo pháp luật. Tai biến là luôn xuất hiện nhưng vấn đề là ta xử lý nó thế nào để giảm các nguy cơ dẫn đến tai biến. Trong trường hợp xảy ra tai biến, phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu để chuyển tình thế. Sinh nghề tử nghiệp, nếu xảy ra tai biến, sự cố thì phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Nhưng nói gì thì nói, lỗi trước tiên vẫn thuộc về ngành y tế. Trong bất cứ trường hợp nào thì những hành động như vậy là không thể chấp nhận được và phải bị trừng trị nghiêm khắc về pháp luật.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin