“Kinh doanh” người bệnh
Anh Khoa, một người dân sống ngay sát bệnh viện chia sẻ, mặc dù nhà cách bệnh viện chỉ 200m nhưng anh chọn BV
Xanh Pôn cách nhà 6km để khám BHYT vì “ tôi quá hiểu cái BV này, cái gì
người ta cũng kinh doanh, từ cái quan tài tới viên thuốc, từ miếng cơm,
cốc nước của bệnh nhân tới sân BV cũng thành bãi đỗ xe, hàng trăm ô tô
mỗi tháng, môi trường thì cực kỳ ô nhiễm”.
Bạn đọc Hoa Xuân An cũng cho biết: “Tôi đã 2 lần có ý kiến qua mạng
với Bộ Y tế rồi. Trời ơi bệnh viện gì mà bẩn lắm, tường thì bong tróc,
nhà vệ sinh quá là khu vệ sinh công cộng, ở chợ còn sạch hơn. Bác sỹ
khám chữa bệnh toàn bắt người nhà bệnh nhân đi mua từ cái kim luồn,
bông, găng tay... rồi bắt người nhà bệnh nhân làm giấy cam đoan và giấy
đề nghị mua thuốc để chữa trị”.
Bạn đọc Phong Phương thì cho biết ngày 16/8/2013 được chuyển từ
phòng khám đa khoa Linh Đàm về BV Thanh Nhàn chữa bệnh. Bệnh viện nói
với bệnh nhân không có thuốc và bảo người nhà bệnh nhân ra mua thuốc
ngoài để điều trị "vì thuốc này không có trong danh sách BHYT". BS này
còn dặn: Mua thuốc ở viện (cổng BV có nhà thuốc của tư nhân đấu thầu vào
bán) chứ mua ở ngoài nếu có bị sốc thuốc thì viện không chịu tránh
nhiệm.
Biên lai thu tiền ở BV Thanh Nhàn
Từ phản ảnh của bạn đọc, bệnh nhân, nhóm PV đã “lần tìm” ra những
manh mối cho thấy BV Thanh Nhàn “kinh doanh” bệnh nhân như thế nào. Đáng
kinh ngạc, việc “kinh doanh trên đầu bệnh nhân” này được BV Thanh Nhàn
“cụ thể hóa” thành văn bản, giấy trắng mực đen hẳn hoi.
Cụ thể, tại QĐ số 511/QĐ-BVTN do ông Đào Quang Minh, giám đốc BV
Thanh Nhàn ký ngày 26/4/2013 thì tất cả các dịch vụ theo yêu cầu tại BV
này đều bị điều chỉnh giá và mức phân phối lợi nhuận. Ví dụ: bãi xe nhà
tang lễ phải nộp cho BV 15 triệu đồng/tháng, bãi ô tô nộp 45 triệu
đồng/tháng, quầy bán hàng hóa, quan tài nộp cho BV 30% doanh thu, quầy
bán hoa nhà tang lễ nộp 5 triệu đồng/tháng, quầy sách báo nộp 2 triệu
đồng/tháng. Người bệnh khám BHYT muốn được phẫu thuật phải đóng thêm một
khoản tiền để chi trả thuốc. Cụ thể: mổ nội soi đóng thêm 3 triệu đồng
(phẫu thuật viên chính được hưởng 32%, phụ mổ 1 hưởng 4%, phụ mổ 2 hưởng
2%, phòng mổ 15%, ban điều hành 4%, BV thu 35%). Gói mổ mở bệnh nhân
đóng thêm 2 triệu đồng, mổ theo yêu cầu từ 1-3 triệu đồng. Đo chức năng
hô hấp, bệnh viện này ghi rõ: thu 100 ngàn đồng/ca, thu chênh lệch 85
ngàn đồng/ca.
Quyếtđịnhsố 511/QĐ-BVTN do ông Đào Quang Minh, giám đốc BV Thanh Nhàn ký
Kinh khủng hơn, do BV Thanh Nhàn xuống cấp, tại QĐ số 511, giám đốc BV Thanh Nhàn còn đưa ra “cơ chế” cho
các khoa tự sửa chữa, đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho một số
buồng bệnh để làm buồng bệnh theo yêu cầu và ghi rõ tỷ lệ chia là 50:50.
Nghĩa là khoa được hưởng 50% phí dịch vụ và BV được hưởng 50% phí dịch
vụ khi bệnh nhân có yêu cầu được nằm ở các buồng bệnh này.
Không dừng lại ở đó, các dịch vụ thiết yếu (cơm ăn, nước uống) phục
vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại BV Thanh Nhàn cũng được
“đấu thầu” với mục tiêu có lợi nhất cho bệnh viện chứ không phải vì bệnh
nhân.
Ông Lương Xuân Bình, người phụ trách trung tâm dinh dưỡng theo hợp
đồng đã ký với BV Thanh Nhàn từ năm 2008 cho biết trung tâm được đầu tư
theo mô hình xã hội hóa, nhiệm vụ phục vụ ăn uống cho bệnh nhân nằm viện
đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu bệnh lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm, phục vụ ăn uống cho thân nhân bệnh nhân và CBCNV trong viện và
từng được chọn là mô hình điểm của Hà Nội về công tác xã hội hóa y tế.
Thế nhưng khi ông Đào Quang Minh về làm giám đốc đã yêu cầu trung tâm
dinh dưỡng ngừng cung cấp nước cho bệnh nhân uống thuốc tại các khoa
phòng bệnh với lý do viện có nhiều khó khăn về nguồn kinh phí. Ngừng
phục vụ suất ăn trưa cho CBCNV của viện với lý do tiền ăn trả vào lương.
Cắt suất ăn tối, ăn bồi dưỡng cho các CBCNV trực đêm.
Ông Bình chua xót cho biết thêm, trước đây chỉ có 5 triệu đồng mỗi
tháng, bệnh nhân uống thuốc có nước miễn phí, người chờ khám bệnh khát
nước cũng có cốc nước để uống. Từ khi ngưng cấp nước, bệnh nhân phải tự
mua nước để uống, thấy nhiều người nghèo khát khô cổ họng mà đắng cả
lòng.
Cắt suất ăn của CBCNV, Ban Giám đốc (BGĐ) BV Thanh Nhàn lại cho
khá nhiều quán ăn của tư nhân mọc lên trong BV rồi cho “đội mác” là căng
tin. Thậm chí, ngay giữa mặt tiền của BV, BGĐ cho phép tư nhân vào đấu
thầu và xây một ngôi nhà bát giác trông rất phản cảm để bán cà phê.
CBCNV và bệnh nhân gọi ngôi nhà này với cái tên kỳ khôi: “chuồng thú”,
bởi thực sự trông nó rất giống. Theo danh mục, biểu giá thu dịch vụ ban
hành theo QĐ 511 của giám đốc BV Thanh Nhàn thì nhà bát giác này mỗi
tháng phải nộp về cho BV 15 triệu đồng.
Rất nhiều căng tin mọc lên trong BV Thanh Nhàn
“Loạn” thu, chi, khuất tất hóa đơn, chứng từ
Hiện nay tại BV Thanh Nhàn, chúng tôi ghi nhận rất nhiều phản ánh,
bức xúc những bệnh nhân nơi đây về việc bị thu thêm các khoản phí mà
không biết là phí gì. Thậm chí, các bệnh nhân khám BHYT còn cho biết họ
bị thu nhiều tiền hơn là những người đi khám, chữa bệnh dịch vụ. Cụ thể,
khi bệnh nhân BHYT đi siêu âm đều phải nộp thêm 40 ngàn đồng (trong khi
quy định khám BHYT bệnh nhân không phải trả tiền). Biên lai mà BV cấp
cho bệnh nhân là hóa đơn tự phát hành, không phải hóa đơn VAT. Không rõ
số tiền này được BV Thanh Nhàn nộp về đâu?
Theo quan sát của phóng viên tại phòng khám bệnh thì rất ít người có
nhu cầu lấy hóa đơn GTGT và các bác sỹ cũng không chủ động hỏi người
bệnh lấy hóa đơn hay không. Do vậy, hầu hết bệnh nhân đều chỉ được lấy
hóa đơn của bệnh viện với số tiền chênh hơn hẳn số tiền đóng theo hóa
đơn GTGT. Không chỉ vênh về số tiền đóng nộp tiền theo hóa đơn GTGT và
theo hóa đơn bệnh viện bệnh nhân còn chênh nhau cả về thời gian nhận kết
quả. Cụ thể, bệnh nhân nộp tiền theo hóa đơn bệnh viện sẽ nhận kết quả
nhanh hơn bệnh nhân khác nhiều lần.
Hiện nay, tại BV Thanh Nhàn có dấu hiệu cho thấy đang tồn tại song
song hai hệ thống hóa đơn, hóa đơn GTGT theo đúng quy định của nhà nước
và một loại hóa đơn của riêng bệnh viện (?). Vì sao lại có hai loại hóa
đơn với hai mức thu khác nhau, cơ quan chức năng cần “vào cuộc” điều tra
và làm rõ sự bất thường này ở BV Thanh Nhàn.
doandoan
Bình luận của bạn