Quản lý đồ uống có cồn tại Việt Nam: Trông người lại ngẫm đến ta

Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm quản lý

Từ lâu, tác hại của các loại ĐUCC đã được cả thế giới ghi nhận. Những tổn thất về vật chất và tinh thần do nguyên nhân rượu, bia đã buộc nhiều nước trên thế giới phải ban hành những luật cấm nghiêm khắc.

Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê 168 quốc gia đã ban hành quy định về giờ và ngày bán lẻ ĐUCC. Trong đó, Đông Nam Á và Châu Mỹ là 2 khu vưc có tỷ lệ quốc gia thành viên quy định về giờ bán lẻ ĐUCC tại quán cao nhất. Đa số các quốc gia đã quy định giờ uống với bia thì có quy định giờ bán với rượu nhẹ hoặc mạnh.

Tại các quốc gia này, giờ bán lẻ ĐUCC (giờ được phép và không được phép bán), có hai loại quy định: giờ bán lẻ ĐUCC uống tại quán (on-primese) và giờ bán lẻ ĐUCC mua về (off-primese). Tất cả các quy định này đều được đề ra rõ ràng và người dân buộc phải chấp hành một cách nghiêm túc.

Quy định của một số quốc gia tiêu biểu về giờ cấm bán ĐUCC

Theo đánh giá của WHO, những quốc gia tiêu biểu về giờ cấm bán ĐUCC đã áp dụng luật rất hợp lý và hiệu quả. Cụ thể, lệnh cấm bán thực hiện tại các nước như: Thái Lan từ 14.00-17.00 giờ, Singapore từ 24.00 - 11.00 giờ, Thổ Nhĩ Kỳ từ 22.00-6.00 giờ, Moscow – Nga từ 22.00-10.00 giờ, một số bang của Mỹ từ 22.00-06.00 giờ… Riêng tại Đông Nam Á có 9 Quốc gia đã ban hành quy định về giờ và ngày bán lẻ ĐUCC, tuy nhiên Việt Nam không nằm trong danh sách này.

Việt Nam mới chỉ có Dự Luật

Thời gian gần đây, thông tin Bộ Y tế dự kiến ban hành luật cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa phương theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ. Tuy mới chỉ là Dự luật cần phải bàn bạc để đi đến thống nhất, song ngay khi được công bố đã nhận được những ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự luật nếu được ban hành chính thức thì tính khả thi không cao. Trước hết, để thực hiện đúng luật sẽ cần một hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ nhiều bộ, ban ngành với chế tài hiệu quả; chưa kể đến ý thức và thói quen sinh hoạt của người dân không dễ thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, nếu Việt Nam có Luật cấm bán lẻ rượu, bia hàng ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một số ngành kinh doanh, dịch vụ, du lịch… Nhiều người nước ngoài đến các thành phố của Việt Nam thường có sở thích uống rượu, bia tại các của hàng sau 22 giờ…

Bộ Y tế dự kiến ban hành luật cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng

Thế nhưng, nếu nhìn vào các số liệu điều tra gần đây về các vấn đề liên quan đến mua bán và sử dụng rượu bia, chúng ta sẽ thấy giật mình. Tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta bình quân là 6,6 lít rượu/người trưởng thành và đang có tốc độ tăng chóng mặt.

Đáng nói, việc lạm dụng rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, bạo lực gia đình, giao thông, kinh tế xã hội. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số ca bạo lực gia đình.

Mức độ nguy cơ sử dụng rượu bia trong giới trẻ tăng cao cũng kéo theo những tác hại nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội, phạm tội, gây thương tích. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm tuổi từ 15 - 29 chiếm 59% số ca tai nạn khi lái xe, trong đó các trường hợp tai nạn giao thông thường khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ.

Những nguy cơ và tác hại đối với kinh tế - xã hội lớn như vậy, nếu Dự luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượi bia chỉ nằm trên giấy tờ, thì khi nào Việt Nam mới theo kịp chiến lược chung của thế giới?

CTV8
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội