Rủi ro y khoa: Câu chuyện mang tính chất con người

Theo các chuyên gia y tế, vấn đề của tai biến y khoa nằm ở yếu tố con người, ở cả hai phía: Người bệnh và bác sỹ. Nếu không giải quyết tốt các vấn đề của hai phía, những rủi ro trong y khoa vẫn còn tiếp diễn.

Vấn đề từ phía người bệnh


Theo không ít bác sỹ, bệnh nhân Việt Nam không có thói quen tìm hiểu về bệnh, không nắm được các triệu chứng của bản thân nên thường "mơ mơ hồ hồ" với cách điều trị bệnh của mình.

Tại các bệnh viện tuyến cuối trên cả nước đều tồn tại các câu chuyện về những bệnh nhân như vậy. Họ tử vong vì chính nhận thức hạn chế về bệnh của mình. Một bệnh nhân 43 tuổi, bị viêm gan B nhiều năm, đang được điều trị theo đơn thuốc của bác sỹ. Sau một đợt điều trị, bệnh nhân tự ký bỏ thuốc, chỉ dùng "Đông trùng hạ thảo" và tiếp tục uống rượu, hút thuốc lá như trước đợt điều trị. Kết cục, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và tử vong sau 2 tháng điều trị tích cực mà không mang lại kết quả.

Đọc đến đây, nhiều người sẽ cho rằng, "tôi không như vậy. Tôi sẽ chữa bệnh đến cùng". Vâng, đó là bệnh nặng, thế những bệnh nhẹ thì sao? Sai lầm trong kiến thức y tế vẫn hiển hiện hàng ngày.

Câu chuyện với PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho thấy một góc của câu chuyện. Không ít bà mẹ đưa con đến khám vì ho, sốt kéo dài. Bác sỹ xác định viêm phế quản, điều trị bằng kháng sinh, tất nhiên ở liều nhẹ với những trẻ mới đến khám lần đầu, chưa có tiền sử sử dụng kháng sinh. Mang đơn ra hiệu thuốc, dược sỹ tư vấn, kháng sinh nhẹ không khỏi ngay được (khỏi ngay là 1 - 2 ngày) nên đổi sang liều nặng hơn. Bé khỏi thật. Lần sau, bệnh tái phát, lần này tự ra hiệu thuốc mua theo đơn cũ hoặc theo tư vấn của dược sỹ đó. Người ta không cần biết rằng, có đến hàng chục bệnh phổ biến với triệu chứng sốt, ho, và rất có thể, vì uống thuốc bừa bãi mà người ta bỏ lỡ cơ hội để bác sỹ khám và phát hiện sớm một căn bệnh hiểm nghèo cho con.

Một câu chuyện khác. Bệnh nhân được xác định bệnh phổi mạn tính, không thể phục hồi và phải điều trị từng đợt bằng thuốc + tập luyện + dinh dưỡng tại bệnh viện. Thế nhưng, nghe theo một quảng cáo hơi nói quá công dụng của một sản phẩm nào đó, thế là bỏ thuốc, bỏ bệnh viện để dùng theo. Đến khi quay lại thì: Bác sỹ là người chịu trách nhiệm".

TS. Phạm Quốc Cường, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện 198 thì cho biết: Khi khám bệnh, dù bác sỹ có thời gian tư vấn thì bệnh nhân cũng không biết hỏi gì thêm ngoài chuyện: "Có khỏi được không?". "Trong khi, tôi đã từng theo dõi một buổi khám bệnh/tư vấn cho bệnh nhân thận tại Bỉ. Họ cặn kẽ đến từng chi tiết, chỉ số mà họ không hiểu trong bệnh án, trong các xét nghiệm. Họ soi đến cả từng hoạt chất trong thuốc bác sỹ kê. Để trả lời từng đó câu hỏi của bệnh nhân, một bác sỹ phải mất ít nhất 1 giờ đồng hồ", TS. Cường cho biết.

Về phía bệnh viện

Xin mượn lời của một bác sỹ đang làm việc tại khoa cấp cứu của một bệnh viện lớn khi lý giải về rủi ro tai biến trong ngành y. Nó nằm ở sự hữu hạn của con người và sự vô hạn của những nghiên cứu y khoa. Theo bác sỹ Quỳnh Anh, "Ngành Y không bao giờ là tuyệt đối. Ngành Y tồn tại nhiều rủi ro bởi sự tất yếu của mục đích: giành giật sự sống với tử thần.

Độ rủi ro cao nằm ở độ phức tạp trong công việc và khối lượng kiến thức khổng lồ. Nếu một bác sỹ đăng ký vào chương trình CE (continued education) của Medscape thì hàng ngày sẽ được nhận một thư điện tử cập nhật kiến thức và các nghiên cứu mới, với khoảng hơn 30 bài báo khoa học. Như vậy kiến thức của ngành Y cứ mỗi ngày một mới và buộc phải cập nhật thường xuyên.

Trong một môi trường làm việc căng thẳng và liên tục ở cường độ cao, sự mỏi mệt của cán bộ Y tế là điều dễ xảy ra. Với tính chất buộc phải chuyên môn hóa rất sâu khiến cho công việc của bác sỹ thường bị lặp đi lặp lại, ví dụ như bác sỹ khám về tiêu hóa thì ngày này qua tháng khác điều trị rất nhiều bệnh nhân đau dạ dày, bác sỹ về siêu âm ổ bụng ngồi qua bao năm tháng để cầm đầu dò và nhìn xem ổ bụng bệnh nhân có vấn đề gì…; Vấn đề này cũng thường gặp ở các điều dưỡng khi ngày nào cũng đo huyết áp, cặp nhiệt độ, tiêm, truyền… Chính sự lặp lại liên tục ở cường độ cao như vậy khiến họ mệt mỏi, căng thẳng và đôi khi cảm thấy nhàm chán. Chẳng thế mà, tại Châu Âu người ta cho nhân viên y tế nghỉ phép 30 ngày trong 1 năm, không kể các ngày nghỉ lễ.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, một rủi ro nữa của ngành y là sự hạn chế về mặt chuyên môn của y tế cơ sở tuyến dưới. Với ngành y, việc học tập không chỉ gói gọn trong 6 năm trong trường học. Nó là sự học tập, cố gắng của cả một đời bác sỹ. Thế nhưng, với kinh phí hạn hẹp của mình, ngành y không thể tổ chức các chương trình đào tạo liên tục cho tất cả cán bộ y tế cả nước được. Vì vậy, sự tụt hậu về mặt kiến thức là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp cho vấn đề này là luân phiên đưa bác sỹ tuyến trên về tuyến dưới công tác, chuyển giao kỹ thuật cho bác sỹ tuyến dưới trong tháng, đồng thời xây dựng các dự án quốc gia về những căn bệnh mạn tính. Đây là một trong những mục tiêu hướng tới của Y tế Việt Nam trong tương lai.

Giảm thiểu rủi ro: Cách nào?


Người dân nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, nên có một lối sống và vận động phù hợp để hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện

Về vấn đề này, không ít bác sỹ chỉ cho rằng, phải nâng cao ý thức người dân trong phòng bệnh và chữa bệnh. Đây là vấn đề cần nhưng không phải là tất cả. Người dân nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, nên có một lối sống và vận động phù hợp, nên chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng, nên tin tưởng vào bác sỹ điều trị trong phạm vi kiến thức của mình, nên tuân thủ và kiên trì điều trị, và không nên tự ý sử dụng thuốc.

Còn với cán bộ y tế, cần nhìn lại tất cả các mặt hạn chế, từ khách quan đến chủ quan để từ đó thực sự có trách nhiệm đối với sứ mệnh khám chữa bệnh cứu người của mình, đồng thời tích cực chia sẻ kiến thức để vừa làm tăng sự hiểu biết của người dân, vừa tạo được sự thấu hiểu.

Với các nhà quản lý y tế, đó là quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của những người làm trong ngành y. Bởi, đó là cơ sở tái tạo sức lao động cho họ.

Tạm kết

Xin mượn lời của PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để làm lời kết cho bài viết này: “An toàn người bệnh có sự khởi đầu nhưng không có kết thúc. Vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Chỉ có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mới có thể là cách tốt nhất phòng ngừa các sự cố y khoa và đem lại sự an toàn cho chính các thầy thuốc”.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin