Ngã mạn - Sai lầm lớn nhất của đời người

Ngã mạn là một pháp phiền não làm cho tư tưởng con người trở nên cục bộ và tiêu cực

4 ác nghiệp của đời người

Mật tông - Tu luyện để giải thoát?

Không gian tâm thức: Trí tuệ, tâm trí và tiềm thức

Thiền động dưỡng sinh - Đắc khí trị bách bệnh

Ngã mạn là gì?

Mạn thường được hiểu là kiêu, kiêu ngạo, ngạo mạn, kiêu mạn. Nôm na, mạn là một thói xấu tự cho rằng mình hơn người. Trong cuộc đời này, có lẽ chẳng có ai không ngã mạn. Mỗi người ngã mạn theo những cách khác nhau, trong phạm vi khác nhau.

Thấy người kém, thay vì nâng đỡ, khuyến khích để người tiến lên, lại lấy làm thích thú rằng người đó kém mình rồi tự khen mình là tài, là giỏi nên mới được hơn người như vậy, đó là một hình thức “mạn”.

Thấy người bằng mình mà không chịu cho rằng mình đồng bậc với người ta, trái lại, tìm mọi lý lẽ để tự biện hộ rằng mình hơn người, đó là một hình thức khác của “mạn”.

Luôn cho là mình đúng khiến con người đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác

Kinh luận Phật giáo thường nói đến ba mạn, bảy mạn và mười hai mạn, nhưng tất cả đều xuất phát từ ngã mạn (asmimana). Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có liệt kê ra bảy mạn (thất mạn), như sau:

Mạn: Có tâm khinh thường đối với những người thua mình về học thức, địa vị, gia tài, sự nghiệp. Trên thực tế, thì họ có thể thua mình thật, nhưng chỉ thua trên một khía cạnh nào đó chứ không phải là thua hết. Bởi vậy, không nên vì thế mà lên giọng khinh khi.

Quá mạn: Đối với người có học thức, tài sản, địa vị, bằng cấp ngang mình thì lại cho là mình hơn người đó về mọi mặt.

Mạn quá mạn: Đối với người thực sự hơn mình về mọi mặt mà lúc nào mình cũng cho là mình hơn họ.

Ngã mạn: Luôn coi trọng bản ngã của mình lên trên hết, mọi người không bằng mình, mình là trung tâm của vũ trụ, tốt đẹp hơn người.

Tăng thương mạn: Chưa chứng đạo mà tuyên bố là mình đã chứng đạo để được mọi người ngưỡng mộ, kính trọng cúng dường.

Ty liệt mạn: Thua người về mọi mặt nhưng lại cho rằng mình thua ít, thậm chí còn tuyên bố mình không thua gì hết.

Tà mạn: Mình không hiểu biết, không có đạo đức, không có tấm lòng rộng lớn mà hay tự xưng mình có đức độ, từ bi, hiểu biết.

Đức Phật còn đưa ra 3 dạng tâm lý ngã mạn khác nữa là: Ngã mạn tuổi trẻ, ngã mạn không bệnh và ngã mạn sự sống. Ngã mạn tuổi trẻ là thái độ chủ quan, lấn lướt, bảo thủ sai lầm. Ngã mạn không bệnh là không bệnh dễ sinh, là ỷ cậy thân thể. Ngã mạn sự sống là cậy sống lâu mà làm việc bất thiện về 3 nghiệp thân – ý – miệng.

Tóm lại, tâm lý ngã mạn là luôn so sánh, so đo xem mình hơn hay thua kẻ khác. Nếu thấy mình thực sự hơn thì thích thú, khoe khoang. Nếu thua thì không nhận mình thua. Người công cao, ngã mạn luôn hiếu thắng, kiêu ngạo, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Người ngã mạn thường song hành với các tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà hay khinh khi, miệt thị người khác. Khi ngã mạn ngự trị, nó sẽ ngăn cản những phước lành, ngăn cản hạnh phúc, đem lại khổ đau.

Dẹp trừ ngã mạn là xóa bỏ phiền não

Ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, đó là: Tham - sân - si - mạn - nghi - ác kiến, có gốc rễ sâu dày từ si mê, chấp ngã mà ra.

Một khi có tâm ngã mạn trỗi dậy sẽ không chịu lắng nghe lời góp ý chân thành của người khác, không chịu học hỏi thêm nên dễ dàng làm điều sai quấy, khinh rẻ người khác, tội lỗi càng thêm tăng. Vì ngã mạn cho mình hơn hết nên không có tâm hòa mục, tâm cao ngạo ngông nghênh làm nhiều điều lệch lạc mê mờ, từ đó phúc đức bị tổn giảm, phước lành càng mất, đến một ngày phúc đi hết rồi thì họa tìm về, họa đến thì phúc đi, nên phải chịu khổ đau. Vì thế mà phải sinh tử luân hồi mãi không thôi.

Tuy vậy, gốc rễ của ngã mạn rất sâu dày, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ được. Bởi ai cũng tôn vinh cái ngã của mình. Người học Phật nên tự kiểm thảo mình, nếu có ngã mạn cống cao thì phải cố gắng dẹp trừ đi.

Muốn đoạn trừ nó chỉ có cách là phải cố gắng, tu học và buông xả ngay từng ý niệm khi vừa phát sinh thì mới có thể lần hồi chuyển hóa được. Nếu không đề cao cảnh giác thì sẽ làm nô lệ cho nó sai khiến, hậu quả sẽ rất tai hại. Có tỉnh giác mới nhận diện nó một cách rõ ràng, và như thế, nó không thể gây tác hại cho ta được. Đó là ý chí phấn đấu, nỗ lực, dụng công tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó nhanh hay chậm.

Điều quan trọng là phải hằng tỉnh giác, quán chiếu sâu vào bản chất của nó để thấy rằng bản chất của nó là không, chỉ khi nào đối duyên xúc cảnh trái ý, nghịch lòng thì nó mới phát khởi.

Biện pháp duy nhất để chuyển hóa tâm cống cao ngã mạn là khiêm tốn, sống vui vẻ, hài hòa với mọi người. 

Người có nếp sống khiêm tốn, giản dị lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng mọi người, không khinh khi một ai, không nịnh bợ người nào. Khiêm tốn sẽ chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ ra kiêu căng, tự mãn nên lúc nào cũng bình tĩnh lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người xunh quanh. Khiêm tốn giúp con người ta không kiêu căng, ngạo mạn khi đứng trên đỉnh cao của quyền lực, danh vọng. Nhờ vậy, họ làm được nhiều việc có ích và được nhiều người ủng hộ.

Đối với người thế gian, nên khiêm nhường để tiếp tục học hỏi, không ngừng mở mang kiến thức, hiểu biết, để đạt được thành công. Đối với người tu, càng phải khiêm tốn để lắng nghe, học hỏi, biết cách buông xả, không chấp thân tâm này làm ngã mà sống đời an vui, giải thoát.
Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức