Số ca viêm não virus tăng gần 11%

Theo đó, trong thời gian từ 18/7 đến 17/8/2014, bệnh viêm não virus ghi nhận 212 trường hợp mắc, có 20 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2014 cả nước ghi nhận 667 trường hợp mắc, trong đó có 27 trường hợp tử vong tại các tỉnh: Sơn La (17), Bắc Giang (04), Gia Lai (02), Bạc Liêu (01), Hà Nội (01), Điện Biên (01) và Phú Thọ (01). So với cùng kỳ năm 2013 (602/11) số mắc cả nước tăng 10,8%, tử vong tăng 16 trường hợp.

Bệnh viêm màng não do mô cầu, cúm A (H5N1) từ đầu năm đến nay mỗi bệnh chỉ có 2 trường hợp mắc và 1 trường hợp tử vong. Đặc biệt bệnh tả không ghi nhận có trường hợp mắc mới. Trong tháng, Bệnh tay chân miệng chỉ có 1 trường hợp tử vong và không có tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 2.533 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong, tích lũy từ đầu năm giảm mạnh 56,9% so với cùng kỳ năm 2013. Bệnh thương hàn 18 trường hợp mắc và không có trường hợp tử vong, tích lũy từ đầu năm giảm 63,5% so với cùng kỳ 2013.


Chăm sóc bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Sở Y tế các địa phương về việc tăng cường giám sát và phòng, chống sốt xuất huyết, công tác vệ sinh phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, phòng chống bệnh sốt rét, công tác phòng chống cúm A(H5N6), thống kê báo cáo các trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và viêm não do các virus khác; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus tại các khu vực có nguy cơ cao.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Y tế địa phương tổ chức họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tiêu chảy, viêm não và sốt xuất huyết do virus Ebola; Tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; Phối hợp với các bộ, ban, ngành về tăng cường truyền thông phòng chống dịch Ebola; Chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh do virus Ebola.

Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay, bệnh viêm não virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ viêm não Nhật Bản có vaccine phòng bệnh. Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)...

Bệnh viêm não do virus có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virus rồi truyền cho người khi đốt.

Do triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm. Người dân cần đi khám khi có các biểu hiện sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.


ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn