Chẩn đoán gan nhiễm mỡ: siêu âm chưa đủ!

Gan cũng... nhiễm mỡ?

Gan nhiễm mỡ còn gọi là gan thấm mỡ, hay thoái hóa mỡ gan. Đó là tình trạng mỡ (chủ yếu là triglycerides) tích tụ trong gan tới hơn 5% trọng lượng gan. Triệu chứng thường thấy là chứng gan to kín đáo, gia tăng vừa phải các men gan và phosphatase kiềm.

Nếu chia theo tổn thương giải phẫu bệnh (có liên quan đến độ nặng và khả năng hồi phục) thì gan nhiễm mỡ có ba nhóm: gan nhiễm mỡ đơn thuần, viêm gan do thoái hóa mỡ và xơ gan. Nếu phân theo nguyên nhân thì gan nhiễm mỡ có thể chia làm hai nhóm chính: do rượu (AFLD) và không do rượu (NAFLD).

Nhóm không do rượu là một nhóm rất lớn và có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, phần lớn trường hợp gan nhiễm mỡ là hậu quả của lối sống lười vận động, ăn nhiều chất béo và đường, uống nhiều rượu, bia. Bệnh nhân không có triệu chứng gì nên thường chỉ phát hiện khi siêu âm.

Chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Chẩn đoán chính xác nhất là dựa vào kết quả giải phẫu bệnh sau khi sinh thiết. Tuy nhiên, ít ai muốn làm sinh thiết gan chỉ vì gan nhiễm mỡ đơn thuần.

Do đó, chẩn đoán gan nhiễm mỡ chủ yếu dựa vào siêu âm với các triệu chứng như tăng độ sáng của chủ mô gan, có sự thay đổi về độ sáng tại các vùng khác nhau của gan hay có sự gia tăng độ sáng của mô gan làm mờ đi đường bờ của các cấu trúc mạch máu.

Bác sĩ thường dựa vào mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng này để đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh gan nhiễm mỡ là độ 1, độ 2 hay độ 3. Chẩn đoán hay phân độ gan nhiễm mỡ hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào con mắt của bác sĩ siêu âm và có tính chủ quan rất cao.

Có khá nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm hay quá lố do bác sĩ siêu âm thiếu kinh nghiệm hoặc việc cài đặt máy siêu âm không chính xác.

Trên thực tế, siêu âm được ưa chuộng vì chi phí thấp và an toàn, đồng thời có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao trong việc phát hiện gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị béo phì, bệnh nhân có bệnh gan mãn tính khác, đặc biệt là viêm gan thì việc chẩn đoán cần phải cân nhắc thật kỹ.

Siêu âm cũng không phân biệt được gan nhiễm mỡ đơn thuần hay có viêm gan do thoái hóa mỡ. Khi làm siêu âm, bác sĩ có xu hướng đưa ra chẩn đoán gan nhiễm mỡ quá dễ dàng, phần lớn chỉ dựa vào hình ảnh gan "sáng trắng" hơn bình thường một chút. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, khoan lo lắng mà hãy bình tĩnh tìm hiểu thêm các khía cạnh khác của vấn đề.

Khi làm siêu âm, các bác sĩ có xu hướng đưa ra chẩn đoán gan nhiễm mỡ quá dễ dàng, phần lớn chỉ dựa vào hình ảnh gan "sáng trắng" hơn bình thường một chút. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy khoan lo lắng.

Tuy nhiên, có vài trường hợp đặc biệt có thể gây hoảng sợ cho cả bệnh nhân lẫn các bác sĩ điều trị. Đó là các trường hợp gan nhiễm mỡ "giả u".

Đây là một nhóm bệnh đặc biệt, trong đó tình trạng nhiễm mỡ chỉ xảy ra không hoàn toàn. Sự khác biệt về độ sáng giữa vùng gan bình thường và vùng gan nhiễm mỡ tạo hình ảnh giả khối u chỉ có thể phân biệt nếu bác sĩ siêu âm có nhiều kinh nghiệm, hoặc phải làm thêm CT hay MRI.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể làm thêm một số xét nghiệm về chức năng gan, dấu ấn ung thư và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để có thể hoàn toàn an tâm về sức khỏe của mình. Việc điều trị hiệu quả có thể dần dần xóa đi hình ảnh giả u này.

Khi được chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Nếu được cho biết bị gan nhiễm mỡ, bạn không nên lo lắng, hoảng sợ mà nên kiểm tra lại ý kiến người thứ hai, có thể là một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khác để có được ý kiến khách quan và độc lập.

Nếu có điều kiện, CT hay MRI đều có thể giúp khẳng định tình trạng gan không nhiễm mỡ với độ chính xác bằng hoặc cao hơn cả siêu âm. Sinh thiết gan không cần thiết vì lợi bất cập hại.

Nếu kiểm tra lại vẫn nghĩ đến gan nhiễm mỡ, bạn cũng không cần phải lo lắng, vì như đã nói trước, gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng, diễn tiến lành tính và ít khi đưa đến biến chứng.

Tuy nhiên, bạn cần xét nghiệm các men gan. Nếu men gan không cao hoặc chỉ tăng nhẹ, tình trạng tổn thương gan không đáng kể và thường không cần điều trị đặc hiệu về gan. Ngược lại, men gan tăng cao là dấu hiệu báo động có viêm gan và có khả năng đưa đến các di chứng nặng hơn về sau.

Trong đa số trường hợp, gan nhiễm mỡ không phải là vấn đề chính mà cần xác định được nguyên nhân gây bệnh, đồng nghĩa với việc xác định được phác đồ điều trị đúng nhất cho mỗi người bệnh, như thay đổi chế độ ăn (ít đường bột, nhiều rau củ), thay đổi chế độ sinh hoạt, tập luyện, kiểm soát đường máu hay mỡ máu... Khi nguyên nhân sinh bệnh được loại trừ, tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ tự cải thiện.

Một số quan niệm sai lầm

* Gan nhiễm mỡ chỉ xảy ra ở người béo phì? Thực ra, người suy dinh dưỡng lâu ngày cũng có thể bị tích tụ mỡ trong gan.

* Trẻ em không bao giờ bị gan nhiễm mỡ? Trẻ béo phì vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ.

* Để tránh gan nhiễm mỡ, chỉ cần kiêng chất béo? Lượng đường thừa sẽ được chuyển thành mỡ dự trữ trong gan.

* Tỏi hoặc thảo dược có thể phòng ngừa gan nhiễm mỡ? Khoa học hiện nay chưa chứng minh được công dụng của tỏi cũng như các loại dược thảo khác trong việc phòng ngừa bệnh này.

* Gan nhiễm mỡ là bệnh vô hại? Điều này chỉ đúng nếu bị gan nhiễm mỡ đơn thuần, nghĩa là tế bào gan không bị viêm và hư hại do chất mỡ.

Nếu gan bị viêm do mỡ, 25% bệnh nhân sẽ tiến triển sang xơ gan.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin