Phòng ngừa tai nạn dịp Tết

Tránh làm thương tích nặng thêm vì sơ cứu sai


Bệnh viện Việt Đức thường quá tải vì các vụ tai nạn xảy ra trong dịp tết.

Do đi lại nhiều, mật độ lưu thông lớn, các tai nạn giao thông vào dịp nghỉ tết bao giờ cũng tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ tết năm 2013, cả nước đã có hơn 25.000 lượt người cấp cứu, điều trị vì tai nạn giao thông, gấp nhiều lần ngày thường.

Còn tại Bệnh viện Việt Đức, chỉ từ mùng 1 - 4 Tết Quý Tỵ 2013 đã có gần 530 ca cấp cứu, trong đó 70% là do tai nạn giao thông. Đa số các ca tai nạn đều bị chấn thương sọ não hoặc đa chấn thương, nhiều trường hợp tử vong hoặc có hồi phục cũng rất khó khăn, tốn kém.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy (khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, hầu hết các ca tai nạn giao thông đều không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách, khiến nạn nhân bị tổn thương nhiều hơn.

"Đa số mọi người khi người nhà, bạn bè bị tai nạn giao thông thường bế, vác để đưa đi bệnh viện thật nhanh. Tuy nhiên, việc bế, vác nhanh thường làm các chấn thương bị nặng hơn. Đặc biệt, các nạn nhân bị chấn thương sọ não, bị chấn thương cột sống thì việc mang vác có thể máu trong chảy nhiều hơn, hoặc làm xô, lệch vết thương gây đứt tủy khiến nạn nhân tử vong hoặc bị liệt.

"Ngay cả khi xương đùi bị gãy, việc bế, vác, cõng nạn nhân sẽ khiến vết gãy di lệch, gãy ít thành gãy nhiều, nạn nhân có thể bị chết do sốc hoặc gây tổn thương mạch máu, vỡ động mạch chủ, đứt dây thần kinh" - điều dưỡng Uy khẳng định.

Theo ông Uy, khi có người bị tai nạn, nếu nạn nhân còn tỉnh, người giúp đỡ cần hỏi nạn nhân đau ở đâu, rồi mới xử lý. Nếu đau vùng cổ thì dùng bìa cứng, tạo một cái khuôn, chèn vào giữa cổ và vai để giữ cổ theo trục thẳng với sống lưng, chèn thêm vật có thể cố định để cổ không di chuyển sang hai bên, đồng thời, nhẹ nhàng di chuyển nạn nhân lên cáng phẳng để đưa đến nơi cấp cứu. Còn nạn nhân bất tỉnh thì càng cần cố định cổ. Khi đưa đi cấp cứu cần huy động nhiều người, di chuyển nạn nhân lên cáng cùng lúc, không nhấc mạnh, nhấc cao hoặc bế vác. Nếu nạn nhân bị gãy tay, chân, cần dùng các nẹp tự tạo, băng bó vết thương, cố định chân, tay thẳng rồi mới cáng nạn nhân đi cấp cứu.

Ngoài ra, đối với các tai nạn khác gây chảy máu, các điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức cũng tư vấn không nên để các vết thương hở, gây chảy máu nhiều hoặc bị nhiễm khuẩn, cũng không nên dùng vải bẩn băng bó vết thương. Người nhà có thể dùng găng tay (nếu có) hoặc rửa sạch tay, sau đó dùng các miếng gạc (ít nhất là miếng vải sạch) trực tiếp áp lên vết thương, giữ chặt để cầm máu, sau đó băng ép vết thương lại.

Các trường hợp tai nạn bị đứt lìa bộ phận thì nên băng bó cầm máu vết thương, nhặt bộ phận đứt rời cho vào túi nylon buộc chặt, sau đó cho túi vào một túi nước rồi mới cho vào thùng đá (để tránh bộ phận bị bỏng lạnh), bảo quản rồi đưa bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để nối lại.

Đề phòng củi lửa

Thống kê chung của Bộ Y tế, 9 ngày Tết Quý Tỵ đã có 65.513 trường hợp đến khám cấp cứu, tai nạn (chiếm 30,76% số trường hợp đến khám), trong số bệnh nhân khám cấp cứu, có 25.502 bệnh nhân do tai nạn giao thông, chiếm 11,97% trong tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông (4.374 ca).

Ngày tết gia đình sum họp, việc đun nấu nhiều, tần suất sử dụng các thiết bị điện cũng lớn, thời tiết lại hanh khô, trang trí nhiều đồ dễ cháy. Do đó, các tai nạn bỏng xăng, bỏng mỡ, nước sôi hoặc bỏng điện khá phổ biến.

Theo thống kê của Bộ Y tế, dịp tết năm 2013 cũng có tới gần 9.000 ca cấp cứu vì tai nạn sinh hoạt, tăng 2.000 ca so với năm 2012. Các tai nạn thường do việc chuẩn bị tết gây nên như trèo thang lau dọn cửa kính, bàn thờ, quét vôi ve rồi bị ngã gây gãy xương, sai khớp, tê cứng mông, trật xương hông… Có người nấu cỗ, rán nem bị đổ cả chảo mỡ vào người gây bỏng….

Nếu không biết cách sơ cứu, người bệnh có thể mang di chứng cả đời. Thông thường ở thôn quê, khi bị trật khớp, gãy xương, người dân thường tìm đến các ông lang vườn để đắp thuốc Nam. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng giảm đau chứ không có khả năng sắp xếp các mảnh xương vỡ về đúng chỗ. Sau một thời gian xương liền, tuy nhiên bị méo mó, biến dạng.

Còn các vết thương hở nếu đắp thuốc có thể gây bội nhiễm, thậm chí nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. Dân gian cũng thường chữa bỏng bằng cách bôi nước mắm, chườm đá lạnh, bôi kem đánh răng, đắp thuốc lá, đắp tro lên vết bỏng… Những cách xử lý ban đầu không đúng khiến cho vết bỏng nặng hơn, nhiều sẹo hơn, gây biến chứng nhiễm trùng, ảnh hưởng đến việc điều trị.

Đối với các trường hợp bong gân, các bác sĩ khuyên nên hạn chế cử động chỗ bong gân, băng ép nhẹ (không nên băng chặt có thể làm nghẽn mạch máu lưu thông) chườm đá vùng tổn thương. Tập vận động khi bớt đau, đối với các tổn thương nặng cần đến bệnh viện để xử lý.

Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị trật khớp thì không nên tự giật khớp với mục đích đưa khớp về chỗ cũ, khiến bệnh nhân có thể bị nặng hơn. Nên cố định tay, chân rồi đưa đến bệnh viện.

Đối với bệnh nhân bỏng, bác sĩ Nguyễn Băng Tâm (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, người nhà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân khỏi vùng lửa, cởi ngay quần áo của nạn nhân (càng để lâu quần áo càng dính vào vết thương, gây trầy loét), rửa vết bằng nước mát trong vòng 15 phút, phủ lên vết thương một miếng vải sạch, khô, nâng vết thương lên để tránh phù nề.

Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân bị bỏng sâu, bỏng nặng, nếu quần áo đã dính vào vết thương thì không cố cởi ra mà đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin