Tăng tuổi nghỉ hưu, "thừa" 72.000 cử nhân?

Tăng tuổi nghỉ hưu, 72.000 cử nhân về đâu? 1
Hàng chục nghìn cử nhân sẽ khó tìm việc hơn nếu tăng tuổi nghỉ hưu của lao động đang tại chức? Ảnh: M.A
“Được cái lọ thì mất cái chai”
Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4, Bộ LĐ, TB&XH đã đưa ra hàng loạt các con số để chứng minh sự mất cân đối giữa thu và chi BHXH hàng năm. Năm 2007, tỷ lệ thu chi BHXH là 57,2%, tới năm 2013 đã tăng lên mức 76,6%. Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH dự báo đến năm 2021, thu trong năm không đủ chi và để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Liên quan đến nguy cơ “vỡ” quỹ, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng công bố cho thấy đến năm 2030 kết dư quỹ BHXH sẽ bằng “0”. Từ năm 1995, sau khi tách ra khỏi ngân sách, Quỹ BHXH đã phải chi trả chế độ hưu và tiền tuất cho các đối tượng tăng từng năm một. Cụ thể, năm 2002, BHXH chỉ phải chi cho 244.467 đối tượng nhưng chỉ một năm sau, con số phải chi trả đã chạm ngưỡng 304.757 người. Cùng đó, theo kết quả nghiên cứu sâu rộng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quỹ hưu trí của Việt Nam dự báo, đến năm 2020, bắt đầu bị thâm hụt và cạn kiệt vào năm 2029.
Theo ILO kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhiều bất cập trong hệ thống BHXH của Việt Nam. Trong đó, số người tham gia đóng BHXH mới chiếm 20% lực lượng lao động. Cùng đó, tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu có xu hướng giảm mạnh. Năm 1996, có 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu, đến năm 2011, chỉ còn gần 10 người đóng cho một người hưởng. Số đóng thì ít dần và số thụ hưởng thì tăng lên khiến cân đối thu chi BHXH đang trở thành vấn đề “nóng”.
Theo Bộ LĐ, TB&XH, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ trên là do tuổi nghỉ hưu thấp, thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương dài. Vì vậy, Bộ này đề nghị quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đề nghị của Bộ, từ năm 2016 trở đi, tuổi hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cữ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi áp dụng cho các nhóm đối tượng còn lại. Đề nghị của Bộ LĐ, TB&XH trùng với ý kiến của Ban Bảo hiểm và Tài chính ILO. Ban này cho rằng tăng dần tuổi nghỉ hưu là biện pháp quan trọng để cân đối tài chính thu - chi của quỹ BHXH tại Việt Nam. ILO đề xuất giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 61 và nữ lên 56 tuổi từ năm 2016. Sau đó, cứ 2 năm lại tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ thêm 1 năm, cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đạt mức 65 tuổi rồi giữ nguyên. Khi đó, thời gian đóng bảo hiểm sẽ kéo dài và rút ngắn thời gian hưởng, góp phần cân đối thu - chi của quỹ.
Hơn 20% sinh viên mới ra trường thất nghiệp
Trước kiến nghị của Bộ LĐ, TB&XH, nhiều ý cho rằng quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của lao động. Đối tượng cần phải “soi” nhiều nhất chính là lực lượng lao động trực tiếp sản xuất, bởi đây là lực lượng chịu nhiều áp lực công việc. Một yêu cầu nữa đó chính là “hậu” tăng nhưng không tạo sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ.
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tăng tuổi chỉ phù hợp với lao động trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp, còn cán bộ trong các ngành giáo dục, y tế và đặc biệt là lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì khó phù hợp. Nhiều lao động trong mảng này đến tầm 45 - 50 tuổi đã muốn nghỉ ngơi.
Kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu ngoài việc tác động vào nhóm muốn nghỉ hưu sớm còn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Con số do bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2014 của Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, có một lượng không nhỏ lao động có trình độ cao bị “ế” việc. Cụ thể, trên phạm vi toàn quốc, cả nước có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm có trình độ ĐH, CĐ bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV/2012. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ ĐH trở lên tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sinh viên mới tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp hơn 20%.
Tất tả nộp hàng trăm bộ hồ sơ xin việc nhưng cựu sinh viên tài chính ngân hàng Đinh Thị Lan (Nghĩa Lộ, Yên Bái) chỉ được có vài công ty gọi đến phỏng vấn. Kết quả của những cuộc phỏng vấn này không mang lại cho Lan bất kỳ một cơ hội việc làm nào. “Người thất nghiệp quá nhiều, người đang có việc thì cố sống cố chết bám trụ nên cơ hội cho những người mới như chúng em rất hạn chế. Trước đây, khi đang đi học, em từng tự tin ra trường là có việc làm sớm nhưng tất bật hơn 1 năm nay mà vẫn không tìm ra việc. Chả nhẽ với tấm bằng đỏ “lận lưng” em lại đi làm bưng bê cho quán phở? Vài tháng nữa mà không có công ty nào gọi, chắc có lẽ em chỉ còn lựa chọn với nhóm lao động tay chân mà thôi”, Lan thở dài. Tỉnh cảnh mà Lan gặp phải cũng là cảnh chung của hơn 72.000 cử nhân trong thống kê nêu trên.

Ngoài đề xuất tăng tuổi, có ý kiến cho rằng cần giải quyết triệt để tình trạng trốn, nợ đọng BHXH và không đóng BHXH cho người lao động. Theo ý kiến này thì Luật BHXH sửa đổi cần cân nhắc, xem xét trao thêm quyền được thanh tra và xử phạt cho BHXH.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội