Thái Nguyên: 5 người ngộ độc nấm nguy kịch

Các BS tiên lượng các bệnh nhân đều rất nặng, chi phí điều trị lớn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, họ đều rất nghèo.

Trước đó, ngày 8/3, sau khi đi lên rừng hái được một ít nấm, chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) gửi cho bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) sống ở trong rừng nấu để cùng ăn. Nhặt sạch sẽ, bà Hồi còn nấu được khoảng 1,5kg nấm.

Bữa ăn trưa ngày Quốc tế Phụ nữ có 5 người: Chị Lý Thị Thơm, con trai và cháu chị Thơm là Lý Minh Khôi (13 tuổi), Lý Thị Thúy; và Vũ Thị Hồi và chồng là ông Triệu Nho Phú (58 tuổi) đã là lý do họ phải nhập viện và đang trong tình trạng nguy kịch.

Đến trưa Chủ nhật, tức là 15h sau khi ăn, cả 5 người bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy. Người thân đã đưa các nạn nhân đến BV huyện Võ Nhai. Tại đây, sau khi sơ cứu, các bệnh nhân đã được chuyển xuống Trung tâm chống độc Bạch Mai vào tối 9/3.


Một số loại nấm độc được khuyến cáo.

TS Nguyễn Kim Sơn – Phó GĐ Trung tâm chống độc Bạch Mai cho biết: “Bà Vũ Thị Hồi là người nấu và ăn nhiều nấm nhất, nên các triệu chứng ngộ độc nặng nhất. Đáng tiếc là ban đầu, bà không chịu đi BV ngay. Đến khi UBND xã, người dân đến vận động, thuyết phục, bà mới chịu rời khỏi rừng. Khi đến được Trung tâm chống độc Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân sốc nặng, huyết áp tụt sâu, trụy mạch”.

“Sáng 10/3, chỉ số xét nghiệm men gan của bà Hồi đã tăng gấp 4 lần bình thường và còn tiếp tục tăng, đe dọa hủy hoại gan, tính mạng người bệnh. Các bệnh nhân khác cũng có biểu hiện suy gan tương tự nhưng ở mức độ nhẹ hơn, họ đều được truyền dịch, hoặc lọc máu cũng như các biện pháp cấp cứu cần thiết khác. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể nói gì về sức khỏe của cả 5 người”, TS Nguyễn Kim Sơn nói.

Được biết, loại nấm mà các bệnh nhân ăn có màu trắng, tán rộng, dưới chân nấm phình to. Hàng năm, vào mùa xuân, Trung tâm Chống độc Bạch Mai đều tiếp nhận các nạn nhân của ngộ độc nấm đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Đây là vụ ngộ độc nấm đầu tiên ghi nhận trong năm nay.


Một số khuyến cáo của Trung tâm chống độc Bạch Mai và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) để phòng ngộ độc nấm.

Trung tâm và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các BV, Trung tâm y tế tuyến huyện, Trạm y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc về sơ cấp cứu bệnh nhân ngộ độc nấm. Các tài liệu truyền thông về nhận biết nấm độc, cách dự phòng ngộ độc nấm cũng được in bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc phát tới người dân.

TS Sơn cho biết: Với ngộ độc nấm, thời gian biểu hiện triệu chứng càng muộn, 12h sau khi ăn nấm thì mức độ ngộ độc càng nặng. Nếu ngộ độc diễn ra ngay sau khi ăn thì mức độ có thể nhẹ hơn. Các BS cấp cứu cần hỏi bệnh nhân về thời gian ăn để có thể tiên lượng mức độ bệnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin