Tại "thủ phủ" sản xuất trà TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi có diện
tích trà lớn nhất cả nước, đang tồn tại một số cơ sở làm trà bẩn, chuyên thu mua trà (chè) phế thải
trộn với các loại trà ngon bán trục lợi. Trà bẩn là loại trà phế từ trà xanh, bã trà thải ra từ nhà
máy trà C2, trà xanh không độ không còn chất dinh dưỡng.
Ông Cương, một đầu nậu buôn trà bẩn trên đường Trần Phú, tiết lộ:
"Ở đây trà từ thượng vàng tới hạ cám có đủ cả. Các cơ sở sản xuất ít nhiều đều pha chế thêm bã trà
mới có lời. Kỹ thuật trộn trà tinh vi đến mức dân buôn trà cũng khó phát hiện".
Công nghệ trà "cứt trâu"
Một trong những nơi trộn trà bẩn là xưởng của bà Hồng nằm tại xã
Đại Lào, TP Bảo Lộc. Khu xưởng rộng khoảng 3.500m2, công suất tối đa 5-6 tấn trà khô/ngày. Trong
xưởng, với 10 cối xay trà tươi cùng hai giàn máy sấy trà lớn luôn túc trực hơn chục công nhân làm
việc quần quật từ 7g-20g.
Ông H (công nhân trong xưởng trà bà Hồng) tưới nước lên bột cám trà xanh trước khi trộn vào cối xay sáng 12/7. Loại bột cám ít chất làm tăng trọng lượng để kiếm thêm lợi nhuận - Ảnh: Chính Thành |
7g sáng 20/7, khu xưởng đã vang rền tiếng cối xay, khói bụi và bồ hóng mù mịt túa ra từ hai giàn máy sấy. Khâu đầu tiên của công nghệ sản xuất trà là bốc trà tươi cho vào cối vò ép. Mấy ngày này, nhiều lô trà người dân bán cho xưởng bà Hồng phần lớn là trà hạt già, cọng trà tươi khá nhiều.
Năm nam công nhân không đồ bảo hộ lao động liên tục rướn sức vác
từng sọt trà tươi đổ vào 10 cối xay lớn. Mỗi cối có thể xay 2 tạ trà tươi cho một đợt xay. Khi lò
xay được 20 phút, bất ngờ hai công nhân tên Hảo và Sửu bốc khoảng sáu bao trà phế đỏ quạch loại
30kg quẳng xuống nền ximăng nhớp nháp. Ít phút sau hai công nhân này vác từng bao trà phế đổ úp vào
từng cối xay. Ông Chiến, phụ trách phần kỹ thuật sấy trà, nói thẳng: "Đó là trà "cứt trâu". Loại bã
trà xanh này là hàng bỏ đi từ trà xanh không còn chất dinh dưỡng. Nếu để cơ quan chức năng biết
được họ phạt cho tóe khói". Theo ông Chiến, việc pha loại trà phế vào cối xay phải đúng thời điểm
và phải "căn" tùy loại trà, nếu không dân trong nghề sẽ phát hiện. Và loại trà phế chỉ pha vào các
lô trà già. Theo đó, mỗi cối xay công nhân trộn từ 5-7kg trà phế.
Ngoài việc pha loại trà phế của trà xanh vào các lô trà già trong
quá trình chế biến, xưởng của bà Hồng còn pha bột cám trà xanh đối với các lô trà non, trà tươi có
ít cọng. Một công nhân nữ cho biết loại bột cám trà xanh giá 8.000-12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại
trà xô khi bán tùy loại xấu hay đẹp có giá 22.000-30.000 đồng/kg.
Trước đó, sáng
12/7 khi 10 cối xay trà tươi sắp cho ra lò, năm công nhân nam vào kho vác ra bảy bao loại 50kg bột
trà xanh, sau đó cũng đổ thẳng xuống nền ximăng. Ông Hưởng, phụ trách phần pha chế trà, xách vòi
nước tưới đều và một công nhân khác nhảy lên đống bột xanh dùng chân trần đảo tới tấp. Mỗi cối xay
ông Hưởng đổ khoảng 10kg bột trà xanh.
Chiều 14-7, công
nhân tên Sửu không cần tưới nước mà vác loại bột xanh đổ thẳng vào các cối xay. Từng mẻ trà khi ra
lò xay đều lấm tấm thứ bột xanh nhạt. "Loại bột trà xanh cũng làm tăng trọng lượng, kiếm lời là
chính. Đây đều là thủ thuật của mỗi xưởng làm trà" - ông Chiến nói.
Ngoài loại bột trà xanh pha tăng trọng lượng, bà Hồng còn đi thu
gom nhiều bao trà xác (lá trà khô rụng dưới gốc cây trà) chất một đống lớn trong xưởng. Công nhân
cho biết thời điểm này xưởng thường trộn loại bột trà xanh. Loại trà phế, trà xác xưởng vẫn trộn
bình thường nhưng chỉ trộn khi gặp các lô trà già có nhiều cọng.
Trà phế thải phơi dưới nền đất tại xưởng trà đường Trần
Phú, tổ 6, P. Lộc Tiến của một trùm buôn các loại trà bẩn ở Bảo Lộc. Ảnh: Chính Thành |
Thu lợi lớn
Khác với bà Hồng, cơ sở bà Dụng (phường Lộc Tiến) chuyên mua trà
cám và bã trà xanh xay nhỏ pha trộn vào loại trà ngon. Nguồn trà bẩn của bà Dụng được lấy chủ yếu
từ các tỉnh Vĩnh Phúc và Bình Dương. Sáng 15/7, một xe tải lớn loại 20 tấn chở đầy loại trà cám tấp
vào khu xưởng rộng khoảng 2.000m2 của bà Dụng nằm khuất giữa vườn cà phê tươi tốt tại khu phố 4,
phường Lộc Tiến.
Tài xế tên Huy
cho biết xe chở gần 20 tấn trà cám giá rẻ của một công ty sản xuất trà lớn từ Vĩnh Phúc vào. Lúc
này trong xưởng bốn công nhân đang ra sức đổ từng bao trà cám vào bột trà xanh để tràn giữa nền
xưởng cáu bẩn, sau đó họ ra sức đảo đều trà bằng cào và chân trần.
Một công nhân nữ làm tại xưởng cho biết: tỉ lệ trộn khoảng 20-30%
bột trà xanh cho vào 70% loại trà cám. Giá trà bán ra thường gấp đôi, thậm chí gấp ba, so với các
loại bột trà xanh mua vào. Ngoài ra, trong các ngày 12 và 20/7, nhiều xe tải chở loại trà cám đóng
bao trắng loại 35kg/bao chất xuống xưởng nhà bà Dụng. Sau đó, xe trung chuyển của bà Dụng chở số
trà này đi phân phối cho một số cơ sở sản xuất trà tại TP Bảo Lộc. Theo tìm hiểu, ngoài cơ sở trộn
trà trên, bà Dụng còn một cơ sở trộn trà lớn tại tổ 6, phường Lộc Tiến. Tại đây, bà Dụng chỉ cho
công nhân trộn bán các loại trà đẹp để che mắt cơ quan chức năng.
Tại xưởng của bà Hồng, trà phế sau khi trộn với trà ngon được bán
bằng giá trà xô loại thường. Hiện tại giá thị trường 1kg trà xô tùy chất lượng có giá từ
22.000-26.000 đồng. Trong khi đó giá trà phế của trà xanh được các đầu nậu trà bán ra chỉ
4.000-7.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở bà Hồng xay 60-70 lượt cối, lượng pha xấp xỉ 4-5 tạ bột trà
xanh hoặc trà phế và cho ra 4-5 tấn trà xô (trà khô nhưng chưa nghiền nhỏ) thu lời cả chục triệu
đồng.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn