Thấy gì qua các vụ lừa xin việc làm?

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo việc làm bị Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Những lời nói dối "kinh điển" của người đi xin việc

Kiểu xin việc khác người

Hà Nội cần giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

Ốc Thanh Vân: “Tôi mê việc làm mẹ”

Mỗi suất “biên chế” vào một cơ quan nhà nước, hay một công việc ở đơn vị có uy tín được các đối tượng hứa hẹn chạy chọt với giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, đa số người dân đều rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.

Một vụ lừa đảo xin việc làm điển hình do Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện, triệt phá gần đây cho thấy, trong vụ án này, các đối tượng đã bày ra một “mê hồn trận”, trực tiếp móc nối, liên kết với nhau tạo thành một vòng tròn khép kín nhằm tăng uy tín để dễ bề tung hứng, lừa đảo theo chuỗi từ công ty môi giới việc làm đến doanh nghiệp sử dụng lao động. Thiếu tá Lê Đức Hùng - Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hùng (SN 1982, Giám đốc công ty Bình An) và Trương Thị Thị (SN 1990, là Giám đốc Công ty Thăng Long) trong một thời gia dài, 2 đối tượng này đã câu kết với nhau lừa đảo người lao động. Chiêu lừa đảo của chúng là bằng thủ đoạn nhận hồ sơ của người xin việc từ Công ty Bình An sau đó chuyển sang Công ty Thăng Long ký hợp đồng lao động thử việc, sau đó bên công ty Thăng Long của Thị bằng mọi cách cho người lao động học nghiệp vụ chuyên môn và ký hợp đồng thử việc sau đấy, kiểm tra nghiệp vụ của người lao động rồi đánh trượt kết quả và thu các khoản phí hồ sơ.

Còn tại Phú Thọ, mới đây, một đường dây lừa chạy việc, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng cũng vừa bị công an tỉnh Phú Thọ triệt phá. Nắm bắt nhu cầu cần việc làm của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Đoàn Thị Hồng Bích đã bàn với Nguyễn Thị Na tìm người có nhu cầu xin việc làm tại các cơ quan nhà nước, trường học trên địa bàn để lừa đảo. Mỗi hồ sơ xin việc, Na thu 70 đến 120 triệu đồng. Sau khi nhận hồ sơ và nhận tiền, Na giao một số hồ sơ cho Bích xin làm hợp đồng thử việc tại một số cơ quan, trường học. Với thủ đoạn dùng tiền của chính bị hại để trả lương cho họ, Na và Bích đã khiến nhiều người tin rằng chúng có khả năng xin việc làm. Chỉ đến khi hết thời gian thử việc, các nạn nhân mới biết mình đã bị lừa.

Tại Vĩnh Phúc, theo tài liệu của cơ quan điều tra, Vũ Đức Long là đối tượng ham mê cờ bạc và để có tiền chơi cờ bạc, Long đã lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tự lăng xê mình có các mối quan hệ rộng và có khả năng chạy việc vào Sở Y tế Vĩnh Phúc và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để nhiều người biết và nhờ Long chạy việc. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên đã làm rõ 6 bị hại, với số tiền bị Long lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Qua những vụ án được lực lượng công an phát hiện, triệt xóa trong thời gian qua, có thể thấy một mê hồn trận các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức chạy việc làm. Mặc dù các vụ việc đều được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn có nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy bọn lừa đảo. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc làm có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng những người dân đang có nhu cầu xin việc làm, nhẹ dạ, cả tin để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo cơ quan chức năng, khi nhu cầu tìm việc làm hiện nay đang trở nên rất cần thiết cộng với tâm lý của người dân sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy chọt biên chế, việc làm thì đây chính là cơ hội để  các đối tượng lừa đảo lợi dụng để gia tăng hoạt động.

Thực trạng gia tăng tội phạm này cũng cho thấy những hạn chế trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật ở cơ sở, dẫn đến việc phòng tránh rủi ro cũng như ý thức tự bảo vệ của người dân trong tìm kiếm việc làm còn yếu. Công tác quản lý, kiểm tra của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đối với các cơ sở giới thiệu việc làm còn buông lỏng đã tạo nhiều lỗ hổng để loại tội phạm này phát triển.

Trước tình trạng loại tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm gia tăng thì về phía người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không nên đặt niềm tin vào những đối tượng môi giới. Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc loại tội phạm này, lực lượng công an cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng có hành vi lừa đảo. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác dạy nghề, thu hút đầu tư để từng bước giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác tuyển dụng lao động tại các cơ quan, đơn vị, nhất là trong các cơ quan nhà nước, tránh có những kẽ hở để các đối tượng vin vào đó để lừa đảo.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội