Thiết bị triệt sản 'đi lạc' lên gần ngực

Bà Cheryl Osborne, 51 tuổi, ở Hastings, East Sussex (Anh), thực hiện triệt sản tại Bệnh viện Conquest ở St Leonards-on-Sea năm 2001, bằng một chiếc nẹp kim loại thắt ống dẫn trứng.

3 năm trước bà bắt đầu thấy đau lưng, bụng, ngực và kết quả chụp X-quang cho thấy có một vật thể lạ phía bên phải ngực. Nhưng vật này tiếp tục làm bà đau đớn thêm 4 tháng nữa, cho đến khi bà thuyết phục được các bác sĩ lấy nó ra. Bà tin rằng chiếc nẹp này đã di chuyển khắp cơ thể mình, từ lần đầu bà cảm nhận được cơn đau, năm 2010.

ba-1377683439.jpg

BàCheryl Osborne thường xuyên cảm thấy đau bụng, lưng, ngực trước khi nẹp được lấy ra. Ảnh: SWNS.com.

Theo Thenews24, khi đó bà được chẩn đoán là đau thắt ngực và thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau liều cao. Nhưng cơn đau ngày càng tăng và vào tháng 12 năm ngoái, bà đến gặp bác sĩ gia đình, được thông báo chức năng gan của mình bất thường, cần theo dõi sát sao. Một hình ảnh chụp phim ổ bụng của bà tại Bệnh viện Conquest vào 18/1 năm nay cho thấy có một chiếc nẹp phẫu thuật nép dưới gan.

"Tôi đã vô cùng đau đớn. Tôi thích đi dạo với các cháu nhưng không thể đến thăm chúng vì cảm thấy mệt. Tôi cũng không thể nằm ngửa hay nghiêng bên phải vì rất đau. Bạn bè và đồng nghiệp nói trông tôi rất xanh xao, nhưng các bác sĩ vẫn từ chối lấy chiếc nẹp ra vì theo họ đó không phải là vấn đề lớn", bà kể lại.

ba1-1377683440.jpg
Một hình ảnh chụp X-quang cho thấy một chiếc nẹp vẫn nằm ở ống dẫn trứng, trong khi một chiếc khác đã di chuyển đến khung xương sườn của bà. Ảnh:SWNS.com.

Bà cho biết đã phải qua nhiều thủ tục chụp chiếu, nhiều lần hẹn gặp bác sĩ, mãi tới 13/4 năm nay chiếc nẹp mới được lấy ra, và từ đó bà mới hết đau. Sau ca mổ, chức năng gan của bà cũng dần được cải thiện. Vì thế bà tin rằng sự bất thường trước đây là do chiếc nẹp kim loại gây ra, và thuốc giảm đau góp phần làm tình trạng nặng thêm.

"Nếu tôi biết nguy cơ chiếc nẹp di chuyển khắp cơ thể mình, tôi sẽ không bao giờ triệt sản. Phụ nữ cần biết những nguy cơ để cân nhắc cách tránh thai vĩnh viễn này", bà nói.

Một phát ngôn viên của đơn vị chăm sóc sức khỏe khu vực East Sussex cho rằng, trường hợp của bà Osborne, chiếc nẹp là "vô hại".

Ông cho biết, những chiếc nẹp này thường di chuyển và vô hại. Chúng không gây ra các triệu chứng như bà Osborne mô tả. Về mặt lâm sàng, không cần thiết phải lấy nẹp ra, nhưng bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện theo yêu cầu của bệnh nhân vì bà Osborne quá lo lắng.

"Không có gì bất thường trong việc này vì sau quá trình triệt sản, ống dẫn trứng teo đi và chiếc nẹp (dùng để thắt ống dẫn trứng) không còn mô nào để bám lại", ông giải thích.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin