Thiếu vaccine: "Chẳng có gì nghiêm trọng" (?!)


Phải chờ đến bao giờ?

Trước thực trạng trên, nhiều người dân thắc mắc: "Từ tháng 1 đưa con đi tiêm thủy đậu, nhân viên y tế đã bảo không có vaccine, hẹn 2 tháng nữa quay lại. Đầu tháng 3 đến hỏi, vẫn chưa có, vậy phải chờ đến bao giờ, trong khi bệnh thủy đậu đang bùng phát mạnh? ”. Chị Minh Lan (Xã Đàn) có 2 con sinh đôi tuổi mẫu giáo đã có kế hoạch đưa con đi tiêm phòng thủy đậu từ 3 tháng trước, nhưng không có vaccine. Tuần vừa rồi, các con chị đều bị thủy đậu, sốt cao. Vào BV Nhi khám, bác sĩ nói cả 2 cháu đều bị chớm viêm phổi do biến chứng thủy đậu, nên phải nhập viện điều trị. "Nếu như có vaccine tiêm phòng, 2 con tôi đã không mắc bệnh. Tôi thấy lạ quá , thời buổi này mà còn thiếu vaccine thì thực khó chấp nhận! Chỉ thấy tội nghiệp những đứa trẻ phải gánh chịu bệnh tật...” - chị Minh phàn nàn.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - cho biết: Gần một năm nay trung tâm chưa nhập mới được lô vaccine phòng bệnh thủy đậu nào. Nhưng Hà Nội vẫn là địa bàn "an toàn” với thủy đậu, mặc dù đang là mùa "rộ” nhất của căn bệnh này trong năm. Số người mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn thành phố rải rác ở các quận, huyện, nhưng chưa xuất hiện chùm ca bệnh.

Tại người dân đổ xô đi tiêm?

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng nhận định, người VN chưa có thói quen tiêm vaccine phòng bệnh. Vì thế, cứ mỗi khi có dịch, nhiều người lại đổ xô đi tiêm, dẫn đến tình trạng thiếu vaccine. Được biết, do vaccine thủy đậu giá khá đắt (loại Arilrix của Bỉ khoảng 400.000 đồng/mũi tiêm, loại Okavax của Pháp khoảng 440.000 đồng/mũi) nên nhiều trẻ bỏ tiêm mũi này và các trung tâm cũng chỉ nhập về số lượng vừa phải. Do gần đây dịch thủy đậu bùng phát, nên nhiều gia đình mới ồ ạt đưa con đi tiêm, dẫn đến vaccine bị thiếu.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, các vaccine dịch vụ được nhập khẩu theo nhu cầu trên thị trường, nhưng do gần đây số lượng người lựa chọn tiêm dịch vụ có thể tăng, nên vaccine đã nhập về không đủ đáp ứng nhu cầu. Riêng vaccine ngừa thủy đậu đã hết nhiều tháng nay, nhưng vẫn chưa được bổ sung, dù hiện đang mùa dịch thủy đậu.

Theo Cục Quản lý Dược, vaccine phòng bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vì vậy các cơ sở tiêm chủng chưa kịp dự trù. Trước thực tế này, cục đã xét duyệt khẩn cấp để Cty Vaccine và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine-GCC inj (phòng bệnh thủy đậu), nhưng đến nay, vaccine vẫn chưa về đến VN. Mới đây, Cục Y tế dự phòng tiếp tục đưa ra khuyến cáo sắp tới số ca mắc thủy đậu có khả năng gia tăng. Với tình trạng không có vaccine phòng bệnh thì chỉ còn nước để bệnh thủy đậu bùng phát. Lúc này, người dân đang rất lo con cái sẽ bị mắc bệnh do chưa được tiêm phòng, song lãnh đạo ngành y tế Hà Nội vẫn trấn an rằng: Chẳng có gì nghiêm trọng!

Người bị bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. Thời kỳ lây truyền là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não. Những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vaccine đều có thể mắc bệnh. Thông thường, người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin