Thực tế, đang tồn tại những ý kiến trái chiều giữa phương Đông và phương Tây về loài ngựa trắng/ngựa bạch.
Có những thông tin trái ngược về nguồn gốc của những chú ngựa bạch giữa Châu Âu và Châu Á
Các trường đại học của Châu Âu, Châu Mỹ đã có những nghiên cứu về giống ngựa trắng và phủ nhận sự tồn tại của ngựa bạch tạng. Theo định nghĩa của trường Thú y thuộc Đại học California (Mỹ) thì ngựa trắng (White horse) là ngựa khi sinh ra màu trắng và giữ nguyên màu này đến khi chết. Ngựa “true white” – có màu trắng thuần khiết - là ngựa có gene chủ W, rất hiếm, được gọi là ngựa bạch. Những chú ngựa này có bộ da không sắc tố, lông trắng và mắt đỏ và chỉ có thể xảy ra với một số giống ngựa. Màu đỏ nơi mắt ngựa bạch được giải thích là đồng tử không có sắc tố màu, chỉ có hemoglobin. Hiện nay, thế giới đã xếp ngựa “true white” vào dạng động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
Thông tin từ Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,
cho biết, có những dấu hiệu để phân biệt ngựa bạch như sau: Ngựa bạch có
màu da và lông
toàn thân trắng hồng; Mắt màu hồng, quanh con ngươi có vành màu đồng
lửa; Miệng,
mũi, hậu môn, lỗ sinh dục màu hồng đỏ; Chân có móng sừng màu cước, ánh
bạc… |
Ngựa bạch – quý thứ 2 sau hổ
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, y học cổ truyền có ghi nhận ngựa bạch có giá trị quý thứ 2 sau hổ, đặc biệt là cao xương ngựa. “Theo kinh nghiệm dân gian, ngựa bạch có thể sản xuất ra rất nhiều thực phẩm – thuốc và áp dụng phòng/chữa bệnh cho mọi người ở mọi lứa tuổi”, bác sỹ Trọng cho biết.
Cao ngựa bạch được "đồn thổi" chữa được nhiều bệnh
Theo Viện Chăn nuôi, thịt ngựa (hay còn gọi là “mã nhục”) có 21,5% protid, 5-7% lipid, các muối khoáng và các vitamin. Thịt ngựa có vị ngọt, tính nóng, có tác dụng cường cơ, bổ gân, thường được chế ruốc hoặc dùng làm một số món ăn. Sữa ngựa (còn gọi là mã nhũ) có 2,1% protid (cao hơn sữa mẹ 1,5%), 1,1% lipid, các muối khoáng và chất vi lượng, đặc biệt, lượng vitamin C cao hơn sữa bò. Sữa ngựa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, phục hồi sức khoẻ do suy nhược.
Sỏi dạ dày, sỏi mật ngựa (còn gọi là mã bảo) có vị mặn, tính lạnh, có tác dụng trấn kinh, hoá đờm, dùng chữa co giật, điên cuồng, động kinh. Theo cuốn Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 2, trang 1174) của GS. Đỗ Tất Lợi có ghi cách lấy “mã bảo” như sau: “Khi giết ngựa, mổ dạ dày, ruột lấy sỏi ra rửa sạch, phơi khô thành dược liệu với kích thước đa dạng, nặng từ 0,5 - 2kg, mặt ngoài màu lục nhạt hay trắng có nhiều vân”.
Phân ngựa, theo tài liệu “Nam dược thần liệu” của Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh và một số tác giả khác, có thể phối hợp với một số dược thảo để chữa thổ huyết, chữa đau thắt ngực. Dương vật ngựa dùng chung với Nhục thung dung (mỗi vị 20 gram) làm thuốc trị liệt dương. Móng chân ngựa đốt cháy thành than được dùng bôi chữa trĩ…
Hiện nay, khoa học phương Tây dùng huyết thanh ngựa (thành phần của máu ngựa) để chế vaccine, thuốc giải độc khi bị rắn, nhện độc cắn... Còn dân gian thì dùng huyết thanh ngựa pha với mật ong để tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng. Với các vận động viên thể thao, việc sử dụng huyết thanh ngựa nhằm nâng cao độ dẻo dai khi vận động với cường độ cao.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, y học cổ truyền Việt Nam còn ghi lại một số công dụng khác của ngựa bạch như: Óc và mắt ngựa bạch được điều chế với xuyên khung, mật ong, gấc có tác dụng rất tốt với những người bị đau đầu, kém mắt, thiểu năng tuần hoàn não; Tim ngựa bạch được điều chế với một số thảo dược tốt cho người bị bệnh tim mạch; Gan ngựa bạch là thực phẩm – thuốc cho những người bị viêm gan, xơ gan, u gan; Phổi ngựa bạch thường được dùng trong các bài thuốc điều trị cho những người bị viêm phổi mạn tính, hen phế quản, lao phổi, tràn dịch màng phổi…
Cao ngựa bạch – tốt khi dùng đúng
Tuy nhiên, cao xương ngựa mới là sản phẩm được nhiều người quan tâm và sử dụng nhất. Theo GS. Đỗ Tất Lợi: “Cao xương ngựa có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương, dùng để chữa suy nhược cơ thể ở người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn”.
Còn theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, sở dĩ cao ngựa bạch được đánh giá tốt như vậy là vì trong cao ngựa có 17 loại acid amin thiết yếu cho sức khỏe con người, trong đó có 10 loại acid amin cơ thể không tự tổng hợp được, cần phải cung cấp từ nguồn thức ăn, như: Lyzine, methionine, arginine, histidine, leucine, isoleucine, valine, threonine, trytophane, phenylalamine. Nếu chỉ thiếu 1 trong những acid amin này, cơ thể không thể tạo nên protein. 10 acid amin này kết hợp với 7 loại còn lại từ cao xương ngựa, thịt ngựa giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống nhiều loại bệnh tật với mọi lứa tuổi.
Theo bác sỹ Đông y Nguyễn Hữu Trọng, những con ngựa bạch được nuôi dưỡng tại cao nguyên Tây Tạng mới thực sự là nguồn dược liệu quý
Còn theo bác sỹ Đông y Nguyễn Hữu Trọng, xương ngựa, còn được gọi là mã cốt, có chứa nhiều calci phosphas, keratin, oscein… Cao xương ngựa, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương, cường cơ, phòng chống loãng xương, bồi bổ cơ thể, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh, người lao động nặng nhọc, độc hại, người già kém ăn mất ngủ… “Xương ngựa sau nấu cao được tán mịn là nguồn bổ sung calci rất tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ”, bác sỹ Trọng cho biết thêm.
Bột calci ngựa bạch hay bột xương ngựa có tác dụng rất tốt cho việc bổ sung calci cho xương, cho máu, làm giảm thiểu bệnh còi xương, suy dinh dưỡng của trẻ em, đau nhức xương khớp ở người già. Với một số căn bệnh nguy hiểm do thiếu calci trong máu như: Tim mạch, cao huyết áp, đau đầu, khó ngủ, khó thở, hụt hơi, cơ thể bị chuột rút liên tục, các chứng rối loạn tiền đình và nhức mỏi xương khớp thì việc sử dụng bột calci ngựa bạch hàng ngày cho kết quả rất tốt.
Y học cổ truyền cũng như y học hiện đại đều ghi nhận, ngoài tác dụng với sức khỏe nói chung, cao xương ngựa bạch còn có tác dụng điều trị đặc trưng với một số bệnh lý cụ thể như: Viêm khớp, bệnh cột sống thắt lưng, bệnh hen phế quản,… Với bệnh lý xương, cao ngựa bạch có tác dụng tăng sinh xương, làm bền xương cho người loãng xương sau mãn kinh, người già; Chống còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Với bệnh khớp, cao xương ngựa bạch là nguồn cung cấp tối ưu chất acid condroietin sunfuaric – hoạt chất chính tạo nên sụn khớp, giúp khớp không bị thoái hóa, bào mòn, mất trơn nhẵn - để phục hồi tình trạng thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, cao xương ngựa là thực phẩm rất giàu chất đạm, vì vậy, những người bị bệnh cấp tính ngoài da và đau khớp xương như bệnh giời leo, bệnh gout khi lên cơn đau cấp tính (nồng độ acid uric trong máu tăng lên từ 7 - 8 mg/dl), người có dấu hiệu suy thận, trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên dùng cao xương ngựa.
Ngoài ra, theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, khi
dùng cao xương ngựa phải kiêng kỵ các chất tanh như: Tôm, cua, cá…, các chất
nóng như: Ớt, tỏi, hạt tiêu và một số loại rau: Măng tre, đậu xanh, rau muống… Đồng
thời, cũng không nên dùng trong một thời gian dài. Thời gian sử dụng hữu hiệu
là 100gr/đợt, 3 tháng dùng 1 đợt để tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh.
“Cao xương ngựa có thể hỗ trợ điều trị bệnh vô sinh, hiếm muộn, liệt dương ở đàn ông, yếu sinh lý ở phụ nữ… Liều dùng cụ thể như sau: Dùng 5 – 10gram/ngày, sử dụng liên tục trong vòng 30 ngày. Tốt nhất nên dùng khoảng 300gr/đợt điều trị, khi đó mới phát huy hết tác dụng của cao. Cách dùng: Có thể ăn trực tiếp cao thái mỏng hoặc ăn cùng cháo nóng. Ngoài ra, có thể sử dụng bằng cách trộn cao với một muỗm mật ong, chưng cách thuỷ rồi ăn hoặc ngâm 100gram cao xương ngựa với một lít rượu trắng 40 độ (càng để lâu càng tốt). Sau đó, ngày uống 2 lần, mỗi lần một ly nhỏ. Không sử dụng cao xương ngựa ngâm rượu cho trẻ nhỏ”. TS. Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM |
Bình luận của bạn