Tiền đi đâu mà nói là "vỡ quỹ BHXH"?

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phân tích về dự án Luật bảo hiểm xã hội (BHXH ) đang trình Quốc hội.

 Tăng tuổi hưu: Người lao động đang thiệt, sao nói vỡ quỹ BHXH?

Trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật - BHXH, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, ông Chính khẳng định: "hoàn toàn chưa có cơ sở thuyết phục để nói sau năm 2034 quỹ BHXH sẽ vỡ".

Ông Chính lý giải:Theo tính toán sơ bộ quá trình đóng BHXH của một công chức loại A1 từ năm 2014 với bậc lương khởi điểm là 2,34. Giả sử 3 năm tăng một bậc lương, mức lương cơ sở không tăng và lãi suất gửi ngân hàng là 6%/năm.

Kết quả cho thấy: Sau 30 năm đóng BHXH tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH của công chức đó là 4,4 triệu đồng/tháng, nếu công chức đó là nam thì lương hưu được hưởng là 2,85 triệu đồng/tháng (mức hưởng 65% lương bình quân). Nếu là nữ thì lương hưu được hưởng là 3,3 triệu đồng/tháng (bằng 75% lương bình quân).

Nhưng nếu người đó dùng khoản tiền 22% của NSDLĐ và NLĐ hàng tháng không đóng vào quỹ BHXH mà gửi ngân hàng với mức lãi suất thấp nhất 6%/năm và không rút lãi trong vòng 30 năm thì tổng số tiền người đó được là 808.552.319 đồng. Với số tiền này thì tiền lãi hàng tháng được hưởng đã là 4,0 triệu đồng/tháng.

Như vậy, tiền lãi của người lao động đóng BHXH sau 30 năm cao hơn cả tiền lương hưu tại sao lại nói là vỡ quỹ?

Ngoài ra, hiện nay mỗi tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng góp cho quỹ hưu trí là 22% lương, nghĩa là mỗi năm họ đóng góp là 2,6 tháng lương cho một người lao động.

Tuy nhiên dự thảo Luật chỉ đề xuất mức hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu là bằng 2,0 tháng lương bình quân cho mỗi năm đóng BHXH.

Nếu chưa tính đến số tiền lãi quay vòng hàng năm thì người lao động đã bị thiệt mỗi năm ít nhất là 0,6 tháng lương bình quân đóng BHXH, nếu tính cả số tiền lãi đã gửi sau 19 năm đóng BHXH thì số tiền BHXH một lần người lao động nhận được chỉ bằng một nửa (1/2) số tiền mà họ đã đóng góp cho quỹ BHXH.


Từ bài toán này, cho thấy "không có chuyện vỡ quỹ".

Trong tờ trình dự thảo Luật BHXH nêu nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất cân đối quỹ BHXH là do: "mức đóng thấp, hưởng cao; thời gian đóng ngắn, hưởng dài" là chưa thuyết phục.

Nhận định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động là vấn đề quan trọng, đa số các quốc gia đều điều chỉnh dần dần và không điều chỉnh khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỷ lệ thất nghiệp lao động trẻ cao.

Hơn nữa, Bộ Luật Lao động 2012, mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 đã quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động là nam 60, nữ 55, nhưng dự thảo lại tăng tuổi nghỉ hưu trong Luật BHXH là hoàn toàn không phù hợp.

Do đó, ông Chính cho rằng, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét hai yếu tố:

Thứ nhất, phải xem xét tới yếu tố sức khỏe, thể chất, điều kiện môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động nữ.

Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, cao su, xây dựng... người lao động khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như dự thảo.

Thứ hai, nếu tăng tuổi nghỉ hưu (cả nam và nữ) sẽ làm tăng thêm sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển và động lực thăng tiến đối với lao động trẻ mới ra trường. Cứ tăng tuổi nghỉ hưu của một NLĐ nghĩa là cánh cửa lao động bị khép lại với một lao động trẻ.

Điều này đồng nghĩa với tình trạng suy giảm sức khỏe, bệnh tật, khả năng bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc cũng tăng cao hơn. Kéo dài tuổi nghỉ hưu, sẽ kéo theo những tác động khó có thể lường hết tác động tới kinh tế - xã hội.

Do đó, để hạn chế cho tình trạng Quỹ BHXH bị mất cân bằng thu chi vào năm 2034 thì phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ chăm chăm "tăng tuổi hưu".

Cần có giải pháp để thu BHXH của trên 5 triệu lao động thuộc diện BHXH bắt buộc. Ngay cả một lãnh đạo BHXH cũng đã thừa nhận số lượng người đóng BHXH hiện nay không nhiều, chỉ khoảng 20% lực lượng lao động cả nước.

Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giảm nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH trong dài hạn nhưng đã không được Ban soạn thảo nhắc tới.

Hơn nữa, với công thức tính lương hưu và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH như hiện nay chủ yếu trên mức tiền lương tối thiểu vùng một ít, nên dù mức hưởng tối đa 75% nhưng nhìn chung tiền lương hưu không đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người về hưu.

Cách tính này sẽ khiến cho người lao động khi nghỉ hưu hoặc nghỉ hưởng chế độ BHXH chỉ được lãnh lương hưu hoặc trợ cấp ở mức rất thấp (dưới 75% của lương tối thiểu vùng) đồng thời quỹ BHXH không huy động được nguồn tài chính mạnh hơn. Theo tính toán, mỗi năm có thể bị mất tới 24.000 tỷ đồng/năm.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội