Empty
Empty

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến đầu tháng 9/2021 đã có 185 loại vaccine đang được thử nghiệm tiền lâm sàng để xác định độc tính, độ an toàn và tính sinh miễn dịch và 114 vaccine đang được thử lâm sàng để xác định hiệu quả bảo vệ. Các vaccine này được phát triển trên cơ sở 10 công nghệ khác nhau trong đó có 16 vaccine dựa trên công nghệ kinh điển virus bất hoạt (14%), 98 vaccine được phát triển trên cơ sở các công nghệ mới.

SUCKHOE+ TINH HINH VACCINE-02

Cho đến cuối năm 2021, toàn thế giới đã sản xuất được 11,2 tỷ liều vaccine phòng chống COVID-19 và chỉ riêng trong tháng 12 năm 2021 đã có thêm 1,5 tỷ liều. Với sản lượng vaccine này, bình quân mỗi người dân trên thế giới có thể nhận được 2,5 mũi vaccine.

Sau hơn một năm tiến hành chiến dịch tiêm chủng có thể nói là lớn nhất và thần tốc nhất trong lịch sử thế giới, hơn 11,3 tỷ liều vaccine đã được tiêm chủng ở 184 quốc gia. Tốc độ tiêm gần đây nhất đạt 19,8 triệu liều vaccine trong một ngày. Ở Hoa Kỳ, đã tiêm 561 triệu liều vaccine. Theo World Map of Vaccinations, cứ mỗi 100 người dân trên thế giới đã được tiêm 144 liều vaccine.

Empty

Và mỗi khi vaccine được WHO hoặc các cơ quan quản lý dược quốc gia phê duyệt khẩn cấp thì các nhà sản xuất vaccine cũng ngay lập tức nâng cao năng lực sản xuất với một quy mô và tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Tuy nhiên, suốt 2 năm đại dịch lan tràn vừa qua, các chính trị gia, các quan chức y tế của WHO và của các quốc gia, các tổ chức xã hội – dân sự vẫn không hết lo lắng về tình trạng mất công bằng trong phân phối và tiếp cận vaccine. Thực tế đáng buồn về việc nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới không được tiếp cận đầy đủ với vaccine và về tình hình dịch bệnh làm dấy lên nhiều lo ngại về sự phân bổ và hệ thống phân phối vaccine COVID-19 hơn là khả năng sản xuất vaccine COVID-19 trên thế giới.

Empty

Trong năm đầu tiên tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19, ở các nước thu nhập cao tỷ lệ người dân được tiêm chủng là 75-80% trong khi ở các nước thu nhập thấp tỷ lệ chỉ là dưới 10%. Sự khác biệt này là thất bại lớn nhất về hợp tác quốc tế trong đại dịch SARS-CoV-2. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đến tháng 11 năm 2021, khoảng 80% sản lượng vaccine được cung cấp cho các quốc gia thuộc nhóm G20 trong khi các nước thu nhập thấp chỉ được có 0,6%.

vaccine10

Mô hình phân phối vaccine trong thời gian qua dựa trên sự cạnh tranh về tài chính trong lúc nguồn cung hạn chế, vì vậy các nước thu nhập cao sẽ được tiếp cận trước, các nước thu nhập thấp phải trông chờ vào sáng kiến tiếp cận vaccine COVAX thông qua cơ chế quyên góp.

Có một thực tế là quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên thế giới trong hai năm vừa qua được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không được điều phối bởi một kế hoạch chung và một số vaccine thành công không có được sự đánh giá và chứng nhận cơ bản, thống nhất và có uy tín. Mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và tự công bố, không công nhận và hoài nghi lẫn nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu và phát triển vaccine… Điều này không những gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu, mà còn gây nên một loạt trở ngại nghiêm trọng và những phức tạp cho việc tiêm chủng và đánh giá hiệu quả của vaccine trên thực địa…

Empty

Vì vậy, trái ngược với tình trạng thiếu hụt vaccine ở một số khu vực trên thế giới, từ năm 2022 khả năng dư thừa vaccine COVID-19 là rất cao. Theo Công ty phân tích Airfinity, hơn 9 tỷ liều vaccine COVID-19 có thể được sản xuất trong năm 2022, song nhu cầu sẽ giảm ở trong mức từ 2,2 - 4,4 tỷ liều mỗi năm kể từ 2023.

Sau khi giải quyết tình trạng thiếu vaccine trầm trọng năm ngoái,  tháng 1 năm 2022, tổ chức Sáng kiến tiếp cận vaccine COVAX do WHO điều hành cho biết lượng vaccine dự trữ hiện nay đã vượt so với nhu cầu. COVAX đang dư thừa khoảng 300 triệu liều vaccine. Việc phân phối vaccine, mức độ hiệu quả và thái độ hoài nghi với vaccine là những thách thức chính trong quá trình triển khai tiêm vaccine ở những nơi như châu Phi.

Từ những số liệu và thực tế trên đây, cần suy nghĩ về quá trình phân phối vaccine trên thế giới để giảm thiểu sự mất công bằng trong tiếp cận vaccine cho nhân loại. Thomas Cueni - Tổng Giám đốc Liên đoàn Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm (IFPMA: International Federation of Pharmaceutical Manufacturer Association) lên tiếng rằng: “Các nhà sản xuất vaccine tiếp tục nghiên cứu phát minh các loại vaccine mới, tiếp tục tăng sản lượng vaccine nhưng chúng tôi kêu gọi một sự cam kết mạnh mẽ và cấp thiết hơn về việc dỡ bỏ các rào cản liên quan đến sự phân phối bất bình đẳng làm cho người dân không tiếp cận được với vaccine”.

thay1

Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và WHO đã đề ra mục tiêu sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm chủng vaccine COVID-19 vào giữa năm 2022. Nhưng ngày càng rõ ràng là có rất ít yếu tố có thể kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vaccine và phụ thuộc vào việc tự nguyện quyên góp vaccine thông qua COVAX, việc tiếp cận vaccine không công bằng, không bền vững và thiếu hiệu quả. Mục tiêu đã được xác lập này sẽ khó mà đạt được trong tương lai gần. Thay vì yêu cầu sự quyên góp tự nguyện và viện trợ vaccine, các quốc gia thu nhập thấp mong muốn được mua vaccine với giá cả hợp lý, gần với giá thành sản xuất và muốn có cơ hội sản xuất đươc vaccine để bảo đảm có khả năng đối phó với dịch bệnh trong tương lai. Hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và chia sẻ bí quyết công nghệ có ý nghĩa quyết định.

Đến lúc này trên thế giới đã có hơn 6 triệu người tử vong vì COVID-19. Mặc dù, chỉ riêng vaccine không giải quyết được đại dịch nhưng việc tiếp cận toàn cầu với vaccine là một trong những yếu tố quan trọng nhất để chống lại dịch bệnh. Hợp tác quốc tế như thế nào trong sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 sẽ góp phần quyết định thực hiện mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trong năm 2022 và những năm tới.   

Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin