TP HCM: Đề xuất lập trung tâm tâm thần ban ngày

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế), cho biết đã từng kiến nghị thành lập Trung tâm Tâm thần ban ngày (sau đây gọi tắt là trung tâm - NV) với mục đích để người bệnh sống cùng cộng đồng, đồng thời giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình. Vừa qua, tại cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM ông tiếp tục kiến nghị vấn đề này.

Giảm quá tải bệnh viện

TS Lê Trường Giang phân tích: Thực trạng của xã hội công nghiệp sẽ khiến nhiều người dễ bị tâm thần. Tâm thần ở đây không có nghĩa là bị nặng thành bệnh như tâm thần phân liệt, động kinh mà tâm thần còn là stress, trầm cảm…

Đối với người bị tâm thần nặng, hậu quả gây ra cho xã hội rất lớn. Nếu để họ đi lang thang, nhiều nguy cơ họ sẽ gây rối loạn xã hội, đốt nhà, giết người hay tự giết mình. Nếu là phụ nữ thì có thể là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục, mang thai, sinh con. "Đối với người bệnh nhẹ, để ở nhà thì người nhà không có chuyên môn chăm sóc lại phải có thêm người giữ người bệnh. Nhưng nếu đưa vào bệnh viện (BV) cách ly họ khỏi cộng đồng thì sẽ làm cho BV quá tải và chi phí tốn kém" - TS Giang nói.


Một bệnh nhân bị động kinh lên cơn được đưa vào BV Tâm thần TP.HCM quậy tưng bừng, đổ nước vào hồ sơ bệnh án, đánh chồng. Ba nhân viên y tế mới khống chế nổi chị ta. Ảnh: TÙNG SƠN

Phải điều trị cái gốc

TS Giang cho rằng trừ những trường hợp nặng, cấp tính phải đưa vào BV tâm thần cắt cơn ổn định, những đối tượng chưa đến mức phải điều trị nội trú cần được chăm sóc, điều trị tại trung tâm. Theo đó, sáng bệnh nhân được đưa đến trung tâm để hưởng chế độ chăm sóc, điều trị và giáo dục. Họ sẽ được hướng dẫn lao động giản đơn như quét nhà, tưới cây, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân… Chiều họ được đón về nhà. Làm như vậy gia đình người bệnh sẽ giải phóng được sức lao động, giảm sức ép về tâm lý và người bệnh được chăm sóc, chữa trị tốt để có thể phục hồi.

Về chi phí, một phần là xã hội hóa, một phần Nhà nước lo chứ không phải xã hội hóa hoàn toàn. Chi phí mà Nhà nước bỏ ra sẽ không đáng kể gì nếu để người bệnh ngoài xã hội, tổn thất như đã phân tích sẽ rất lớn. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì sẽ không cần phải mở thêm BV tâm thần và như vậy tỉ lệ người bị tâm thần nặng nhập viện sẽ giảm nhiều.

Ban đầu trung tâm sẽ thí điểm tại một vài quận/huyện, sau đó sẽ nhân rộng trên toàn thành phố. "Chỉ cần có một mặt bằng như "nhà trẻ", có nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Một cơ sở chỉ cần một bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, còn lại là nhân viên công tác xã hội. Hiện lực lượng bác sĩ tâm thần tại các quận/huyện có thể đảm đương được. Hiện chúng ta chú tâm vào điều trị tâm thần, tức là lo phần ngọn mà không chú ý đến dự phòng. Tuy nhiên, khi đã làm được trung tâm thì tư nhân sẽ vào cuộc triển khai vì nhu cầu của xã hội là có thật" - TS Giang nói.

Việt Nam đã từng có nhưng lại bỏ

Theo BS Trụ, mô hình BV tâm thần ban ngày các nước phát triển đã làm từ lâu. Ở nước ta, những năm 1980 đã có nhiều BV tâm thần ban ngày tại TP.HCM như quận 3, 4, 11… Vào mỗi buổi sáng, bệnh nhân đến được bác sĩ khám bệnh, phát thuốc, trưa về nhà ăn cơm, chiều trở lại và tối về nhà. Trong ngày, bệnh nhân được tổ chức cho làm việc như đan chiếu, dệt lát. Nhưng dần dần do thiếu nhân lực và đất đai nên mô hình này đã bị bỏ.

Còn theo TS Lê Trường Giang, mô hình BV thời gian trước rất ưu việt. Tuy nhiên, nó không giữ được là do điều kiện kinh tế, xã hội không đủ khả năng để duy trì.

Mỗi ngày chúng tôi có khoảng 700 bệnh nhân đến khám các loại bệnh tâm thần, các bệnh lý thường gặp nhiều nhất là suy nhược thần kinh, stress, lo lâu, trầm cảm. Nặng hơn nữa là loạn thần, tâm thần phân liệt, động kinh. Về nội trú, cơ sở chính có 50 giường bệnh, cơ sở điều trị tại Lê Minh Xuân (Bình Chánh) có 500 giường nhưng lúc nào cũng chật kín.

Bs. Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn