Empty
Empty

Khi tôi biết em đang sống ở Hoa Kỳ, tôi có một cảm giác hạnh phúc. Hình như hạnh phúc sẽ không là gì nếu không biết người khác hạnh phúc. Đang, với tôi, là người khác, vì em không còn là cậu học trò lớp 10 ngỗ nghịch của tôi. Đang đã là một lão niên, theo nghĩa, lão là trên 60. Ở Việt Nam, 60 tuổi được (bị) về hưu. Ông Y Vân, nhạc sĩ tài năng, đã viết bài ca để đời: “60 năm cuộc đời”. Tôi đang cố hát lên một cách khác: “80 năm cuộc đời”.

Nhưng, tôi muốn đi sâu hơn một chút để Đang có thể vươn một cọng rơm suy nghĩ đến gần lỗ tai của tôi, khiến cho ý thức của tôi được kích hoạt, nhớ về những ngày dạy học ở tuổi 20. Vũng Tàu - thành phố biển vô cùng tươi đẹp, chứa chan kỷ niệm, của tôi và, có lẽ, của Đang nữa, phải không?

Hôm qua, tôi ăn sáng - cà phê với hai ông bạn già đồng niên. Khi tôi kể vài mẩu chuyện “ngày xưa”, ông già bạn nói ngay, “Tôi không ăn mày dĩ vãng”. Hình như ông có điều gì bất an. Sau đó tôi mới hiểu, từ một cán bộ nhà nước, ông trở thành một tỉ phú lúc nào không hay, sau khi xin nghỉ việc ở tuổi 40. Gần 30 năm miệt mài làm ăn, nay ông đang định cư ở Úc với vài chục triệu đô la. Tôi có một chút ghen tị âm thầm vì sự mãn nguyện lộ rõ trên khuôn mặt của ông. Nhưng rồi tôi tự nói với mình: Ông hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc, dù sống ở hai nơi tách biệt.

Tôi muốn trở lại câu chuyện với Đang. Tôi muốn nói về hiện tại của tôi. Một hiện tại đẹp chăng? Không hẳn, cũng có những ngày mưa bão và những lễ tang. Bạn cùng lứa như sao, rụng dần, mà bầu trời cứ rộng, mặc cho có biết bao ngôi sao rụng xuống. Bầu trời đó vẫn dẹp, vẫn bao la, vẫn bao dung, phải không Đang, câu học trò bé bỏng của tôi, dù tóc cậu đã bạc trắng như lau?

Tôi buồn cười, khi các bạn cùng lớp với em, gặp lại tôi sau 4 thập kỷ, đã nói: Thầy còn trẻ quá, tóc xanh luôn!

Nhuộm thôi. Tại sao không? Khi soi gương mỗi ngày thấy vui hơn vì tóc nhuộm xanh như tuổi trẻ còn vô cùng xanh biếc trên những nơi đã từng có tóc, như những nơi đã từng có rừng. Nhưng vùng da từng phẳng như giấy, nay đã bao nếp nhăn y như những dòng chữ nguệch ngoạc đầu đời.

Tôi không “ăn mày dĩ vãng”. Những người bạn cùng học thời trung và đại học với tôi, thập niên 70 thế kỷ 20, vẫn còn bùi ngùi nhớ tiếc những ngày chiến đấu. Họ có nhiều dĩ vãng để nhớ, để thương, để giận, để tự “trao quyền được lên tiếng” cho chính mình.

Empty

Bác sĩ người Mỹ Mark Hyman, tác giả cuốn sách gối đầu giường của tôi vào những ngày dậy muộn “Young Forever” (Trẻ mãi không già”) , đã hỏi người đọc ông như vậy. Cuốn sách này do chính tác giả Mark Hyman đã ký tặng khi ông gặp con trai tôi tại Italy.

Empty

Mẹ tôi mất năm 2021, ở tuổi 104 trong trạng thái sáng suốt, sau một giấc ngủ trưa… Cha tôi thì sống ngắn hơn, ông mất ở tuổi 82, nhưng đặc biệt là sau khi ông xem bộ phim ưa thích: Hoàn Châu Cách cách của Trung Quốc… Năm ngoái (2024), tôi đã đi đám tang, một cụ sống đến 105 tuổi ở Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Ông là cha của một trong số những bạn học thời trung học, còn sống khỏe, của tôi - nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Thế Cường. Người bạn này đã học nhạc vào năm 70 tuổi và nay ông chuyên sáng tác những ca khúc ngắn phục vụ các nghi lễ nhà thờ! Cá nhân tôi rất “ngưỡng mộ” bạn Cường.

Trở lại với bác sĩ Mark Hyman, thì ông cho rằng các câu trả lời xuất hiện từ lĩnh vực nghiên cứu về tuổi thọ và lão hóa là CÓ.

Empty

“Trẻ mãi không già” (Young Forever) - tác phẩm của bác sĩ lão khoa Mark Hyman không chỉ là một khám phá khoa học, mà quan trọng hơn đó là một nguồn suối cảm hứng sống lạc quan, yêu lấy cuộc sống, dù ở bất cứ nơi đâu mà mình xem là “nơi ở” của mình. San Diego là nơi ở hạnh phúc của Đang. Ở đó có vợ con, các cháu của Đang. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ở hạnh phúc của tôi.

Tuy nhiên, có một câu hỏi cơ bản mà Đang cần tự trả lời trước khi tìm hiểu về khoa học ‘sống khỏe, sống lâu” mang tính cách mạng đó, trong cuốn “Trẻ mãi không già”. Đó là câu hỏi: “Sống lâu để làm gì?” Lý do của bạn là gì? Điều gì quan trọng với bạn? Tại sao bạn lại muốn sống đến 100 tuổi, hoặc thậm chí là 150 tuổi? Khoa học hiện đại có thể giúp bạn sống đến đó, nhưng khoa học không thể trả lời thay bạn về mục đích sống của bạn.

Empty

Trong trường hợp của mình, khi về hưu ở tuổi 60, tôi liền đảm nhiệm phụ trách một kênh truyền hình kinh tế-tài chánh, với danh nghĩa một kênh thuộc hệ thống truyền hình thành phố Hồ Chí Minh-HTV. Tôi làm Tổng Biên tập FBNC (Financial and Business News Channel) được hơn 5 năm, cho đến khi bị trọng bệnh, phải nghỉ hẳn. Cho đến nay, tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống đã từng diễn ra với tôi (hoặc tôi “diễn ra” với cuộc sống đó?). Chữ “tiếc nuối” không có trong cuốn từ điển của tôi. 

Hãy tưởng tượng rằng bạn còn 60 đến 80 năm nữa để sống một cuộc sống sôi động, gắn kết cao độ và hiệu quả? Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ dành thời gian của mình như thế nào? Bạn sẽ dành thời gian đó cho ai?

Tôi vừa bước sang tuổi bảy mươi ba và khỏe mạnh hơn, và khôn ngoan hơn (đôi khi tôi cũng cảm thấy mình ngu hơn, nhưng không nhiều) so với những gì tôi từng tưởng tượng khi áp dụng khoa học về lão hóa lành mạnh vào chính mình. Khi tôi nhìn ra đường chân trời, giờ đây tôi có thể cống hiến hết mình cho những điều quan trọng nhất đối với tôi - gia đình, bạn bè, vươn tới và giúp đỡ…

“Với tôi, câu trả lời cho câu hỏi tại sao rất đơn giản, đó là tình yêu và sự phục vụ chính mình, bạn bè, gia đình và công việc của tôi bằng tình yêu và đóng góp cho thế giới tốt đẹp hơn một chút trước khi tôi chết.

"Để tận hưởng những gì tôi đang có trong thời gian bận rộn xây dựng gia đình và sự nghiệp. Để tận hưởng cuộc sống này, phép màu của sự sống, những điều kỳ diệu của tạo hóa, sự dịu dàng của những con người khác. Để phục vụ và chữa lành và yêu thương nhiều hơn trên thế giới.

Mỗi buổi sáng tôi có thể đi bộ quanh công viên gần nhà, tận hưởng ánh nắng mai - giúp cho xương khỏe hơn - và nhảy một điệu chacha hay tango ngắn với những bạn già tình cờ gặp trong khoảng sân trống gần hồ sen công viên… Tôi từng sung sướng khi được đi bộ trên những ngọn núi xa xôi ở Hokkaido, Nhật và cùng học làm sushi với các cháu nội, hay học làm kimchi trong chuyến du lịch cùng vợ ở Hàn Quốc, trước mùa dịch COVID năm 2019. Tâm hồn tôi dường như đang phát triển và tiến hóa. Tôi có thể hát karaoke tại phòng khách nhà mình hay tại nhà hàng với vài bạn già và những cô phục vụ trẻ - và họ cũng có quyền tặng cho những cụ già những tiếng cười, tiếng hát, dịu dàng và ngọt ngào… Tôi thấy các cô gái trẻ cũng vui vì điều đó. Tất nhiên chúng tôi phải trả “tiền thưởng” cho lao động của họ. Và chúng tôi vui.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa