Xin chữ và cho chữ ngày xuân là một nét văn hoá mang tính truyền thống của đất Thăng Long – Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Ngày hội được khai bút với màn trình diễn thư pháp của 2 thư pháp gia trẻ tuổi là Nguyễn Hoài Thu - sinh viên trường Ngoại Ngữ Hà Nội trình diễn thư pháp trên 2 câu đối
Và Nguyễn Tô Tâm An (sinh năm 1996) - Trạng nguyên thư pháp năm 2015 với 4 chữ:"Yến thục vy thư" trên bức hoành phi. Trong ảnh là thư pháp gia Nguyễn Trung Hoàng Long đang trợ giúp học trò của mình khai bút trên bức hoành phi. Sau khi hoàn thành bức hoành phi và 2 câu đối được treo triển lãm trong ngày khai mạc Hội chữ xuân 2016
Lễ cắt băng khai mạc Hội chữ xuân Bính Thân 2016. Đây là năm thứ 2 ngày hội chữ xuân được tổ chức tại Hồ Văn - Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Thư pháp là một loại hình nghệ thuật độc đáo được du nhập vào nước ta cách đây hàng nghìn năm. Khởi đầu là thư pháp chữ Hán, sau đó là thư pháp chữ Nôm và hiện nay là chữ Quốc ngữ
Cô Hoàng Thúy Hạnh (Quốc Tử Giám, Hà Nội) vui mừng khi vừa xin được chữ cho biết: " Năm nào Tết đến xuân về là tôi cũng sang đây xin chữ, chữ mà mình cảm thấy quý trọng nhất để mong một năm mới nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình"
Nghệ nhân Nguyễn Đức Lợi đang hướng dẫn ngài đại sứ Unesco viết chữ Lộc để tặng cho người bạn của mình
Nghệ nhân Nguyễn Vũ Hợp - Hội viên Unesco thư pháp Việt Nam với 11 năm trong nghề cầm bút cho biết: "Xin chữ là phong tục tốt đẹp, chữ thể hiện nguyện vọng của người xin chữ nhưng người xin chữ phải có bản lĩnh của mình khi nhìn vào chữ để nhắc nhở mình phải phấn đấu theo đó chứ không xin xong rồi để đấy"
Thư pháp Hán - Nôm đề cao các phép tắc dùng bút lông (chấp bút, vận bút, kết thể, kết tự, chương pháp, thần vận) để viết chữ theo các thể: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo. Hiện nay, thư pháp tiếng Việt (Quốc ngữ) đang ngày càng gần gũi với nhân dân và nhiều tiềm năng phát triển
Năm nay, Hội chữ xuân Bính Thân 2016 với chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" giới thiệu đến công chúng gần 100 tác phẩm thư pháp đến từ 138 ông đồ là thành viên của các CLB Thư pháp tại Hà Nội
Theo đại diện BTC, cuộc triển lãm lần này là nhằm hướng tới đạo lý tri ân, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến công lao của ông bà cha mẹ, học trò nhớ đến ơn dạy dỗ của thầy, người dân nhớ tới công ơn các anh hùng liệt sỹ...thông qua những lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn được thể hiện bằng thư pháp
Chị Trần Cát Lệ - "Bà đồ" duy nhất trong ngày hội chữ xuân năm nay cho biết để được viết chữ tại Hồ Văn, trước đó các "ông đồ" đều phải thi sát hạch do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội tổ chức
Ngày hội chữ xuân Bính Thân mở cửa từ ngày 2/2 đến 15/2/2016 (tức mùng 8 Tết Bính Thân). Ngày hội chữ xuân khai mạc báo hiệu những ngày giáp Tết đã gần kề với người dân Thủ đô.