Empty
Empty
Empty

Tôi biết đến Bhutan lần đầu cách đây 10 năm, nhưng những gì tôi lưu giữ trong ký ức vẫn tươi mới như hôm qua. Nơi đầu tiên tôi đến thăm ở thủ đô Thimphu là một trung tâm hướng nghiệp và chăm sóc các em mồ côi và khuyết tật Drak-Tsho. Tôi không hề có cảm giác rằng đó là một nơi dành cho những trẻ em bất hạnh. Hạnh phúc ngập tràn trong tia nắng quanh sân, trong ánh mắt chào đón khách xa của các cháu, trong nụ cười của chủ và khách…, trong những ly trà sữa các cháu tự pha chế, và trong điệu múa dân tộc chào mừng… Tôi nghĩ các cháu nhỏ rất mạnh khỏe, bình thường về mặt cơ thể, nhờ các cháu được dạy tin vào con người, tin vào tự nhiên, tin vào tình yêu thương đồng loại.

Câu chuyện bắt đầu, khi tôi bất ngờ ngã bệnh ở đó. Tất nhiên, trong câu chuyện này, tôi không kể về cảnh trí thiên nhiên hay về đạo Phật Bhutan. Tôi chỉ kể về cách “quản trị khủng hoảng sức khỏe” của riêng tôi với sự giúp đỡ của các bạn Bhutan. Không phải thuốc men mà là tinh thần đã giúp tôi vượt qua hiểm nghèo. Không chỉ các bác sĩ, mà ngay cả những bạn trẻ phục vụ ở khách sạn nơi tôi lưu trú cũng đã tận tình từ việc nhắc giờ uống thuốc, đến bát cháo nóng mỗi buổi sáng, đẩy xe lăn đi dạo… y như các y tá hay điều dưỡng của bệnh viện. Khi rời đi, tôi nghĩ mình phải trả một khoản viện phí không nhỏ, tuy vậy, thật bất ngờ, họ bảo tôi không phải trả một đồng nào vì ở Bhutan tất cả bệnh viện đều miễn phí, không phân biệt người trong nước hay ngoại quốc.

Đó là văn hóa, bởi vì họ nghĩ: cái đau “bình đẳng” với tất cả sinh vật trên trần gian này.

Empty

Đúng, cái đau vật lý giống nhau. Nhưng… nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc có thể khiến cái đau hay bệnh tật khác nhau.

Cách bệnh nhân và bác sĩ quan niệm về sức khỏe, bệnh tật, và phương pháp điều trị cũng không hẳn tương đồng, do nền tảng văn hóa khác biệt nhau.

Ví dụ, một số bệnh nhân không biết về thuyết vi trùng và thay vào đó có thể tin vào thuyết định mệnh, hoặc tin vào ma quỷ. Ở vùng nông thôn quê tôi, vào những năm 50, 60 của thế kỷ 20, người dân vẫn còn cho rằng ma quỷ gây ra bệnh ung thư. Vì vậy họ không chấp nhận chẩn đoán và không tin vào bác sĩ Tây y. Thay vào đó, họ chỉ có thể chấp nhận hoàn cảnh khi chúng diễn ra. Khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy và còn nhớ như in, cảnh người ta mổ một con gà và để lên bụng một dân làng bị bệnh vì tin rằng “con ma đói” chui vào bụng bệnh nhân…!

Empty

Ở nhiều nền văn hóa, bệnh về tâm lý bị kỳ thị phổ biến và bác sĩ tâm thần thường vắng bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh HIV- AIDS cũng vậy: Khi người bệnh đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện, cả cộng đồng tỏ thái độ kỳ thị, thù ghét, do văn hóa thấp lúc đó. Vào tháng 12/1990, tại Việt Nam, báo Tuổi trẻ là nơi công bố bản tin về người nhiễm HIV đầu tiên, một phụ nữ 30 tuổi sống tại thành phố HCM, đã làm chấn động xã hội. Còn báo Vietnamnet ngày 16/08/2018 đăng tin cập nhật: Hiện tại, ở tuổi gần 60, bệnh nhân HIV đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khoẻ mạnh tại TP.HCM.

Theo các tác giả Hung Y. Fan, Ross F. Conner, Louis P. Villarreal trong cuốn “Khoa học và Xã hội” (Science and Society) do Nhà xuất bản John and Barlett Publishers, ấn hành vào năm 2011, thì chính “trình độ văn hóa là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết cho bệnh nhân HIV”. Khi hai bệnh nhân HIV đầu tiên đến khai báo tại Bệnh viện New York vào năm 1981, người ta vẫn chưa biết gì về HIV. Cả hai người này, một người sau đó chết vì bệnh phổi và người kia chết vì ung thư. Sau này mới khám phá chính HIV đã nhiễm vào họ từ nhiều năm trước đó và là nguyên nhân dẫn đến cái chết vì bệnh phổi và ung thư.

Empty

Vào thế kỷ 16 người Tây Ban Nha đã xâm chiếm Mexico. Những kẻ xâm lăng làm cho dân địa phương vô cùng ngạc nhiên không hiểu sao họ lại mê vàng đến thế. Vàng chỉ là một loại kim khí chẳng có giá trị: Ăn không được, uống cũng không, không đủ cứng để chế vũ khí, sao kẻ xâm lăng lại mê nó đến thế?

Khi được hỏi thì vua Cortes của Tây Ban Nha trả lời: “Ta và đồng đội của ta bị chứng đau tim và chứng bịnh này chỉ có thể chữa khỏi bằng vàng”. Chính nền tảng văn hóa của người Tây Ban Nha thời đó khiến họ biến vàng thành một niềm tin cứu chữa gần như một thần dược vô song.

Empty
Empty

Cả hai ví dụ đều nêu bật nhu cầu hiểu biết về các giá trị văn hóa bản địa vì chúng liên quan đến sức khỏe cư dân và cách họ ứng phó với bệnh tật.

Sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, là biểu hiện văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Trong một mẫu gồm nhiều phụ nữ mang thai ở New Zealand, những người bị phân biệt sắc tộc có nồng độ cortisol cao và con của họ phản ứng với cortisol cao hơn, cho thấy tác động xuyên thế hệ của sự phân biệt đối xử.

Văn hóa ảnh hưởng đến nhận thức về sức khỏe, bệnh tật và cái chết. Ví dụ, người Do Thái, Hồi giáo, Ấn độ giáo… kiêng một số thực phẩm vì tôn giáo, và do đó sẽ rất cẩn thận về chế độ ăn uống dinh dưỡng. Những người khác có thể tin rằng căn bệnh của họ là hành động của Chúa và do đó từ chối điều trị.Một bác sĩ có thể cho rằng việc bệnh nhân không dám nhìn thẳng vào mắt bác sĩ vì sợ hãi, bối rối hoặc thậm chí là trầm cảm. Tuy nhiên, một bệnh nhân Trung Quốc không nhìn thẳng vào mắt bác sĩ là muốn thể hiện sự tôn trọng. Nếu bệnh nhân là nữ và đến từ một quốc gia Hồi giáo, còn bác sĩ là nam, thì có thể bệnh nhân ấy đang cố tránh một hành vi không đứng đắn giữa nam nữ. Đó là ví dụ về ảnh hưởng văn hóa đến việc khám chữa bệnh.

Empty

Những hậu quả bi thảm có thể xảy ra do xung đột giữa văn hóa của bác sĩ và bệnh nhân đã được các nhà cung cấp dịch vụ và công chúng biết đến rộng rãi hơn thông qua lời kể của Anne Fadiman (1997) trong cuốn “Ma bắt ngã bệnh” (The Spirit Catches You and You Fall Down)

Empty

Nhiều yếu tố đã tạo ra một kết quả thảm hại trong sự tương tác của bé Lia Lee với các bác sĩ, những yếu tố bắt nguồn từ văn hóa Hmong cũng như từ nền y học và những nỗ lực nhằm kiểm soát người Hmong và phớt lờ niềm tin của họ. Kết quả là một đứa trẻ chết não; các bác sĩ đổ lỗi cho cha mẹ và việc họ không tuân thủ các loại thuốc được kê đơn. Khi cố gắng giải thích lý do tại sao các bệnh nhân Hmong không chấp nhận quan điểm của bác sĩ, Fadiman kể lại lịch sử kháng cự của người Hmong đối với những kẻ xâm lược: Chiến đấu chứ không đầu hàng. Fadiman nhận xét rằng lịch sử kháng cự của họ là gốc rễ của việc họ chống lại lệnh của bác sĩ.

Nhưng người Hmong không phải là một nền văn hóa tĩnh trong quá khứ; đúng hơn, họ đã liên tục thích nghi và thay đổi khi đối mặt với nhiều nhóm văn hóa thống trị đã cố gắng kiểm soát, đánh thuế, đồng hóa, và thu lợi từ họ. Người Hmong đã thay đổi theo nhiều cách, chấp nhận những ảnh hưởng tốt từ các nền văn hóa khác. Gia đình của Lia đã trải qua quá trình thay đổi văn hóa và chấp nhận giá trị y tế Hoa Kỳ, quốc gia mà gia đình em định cư, nhiều lần đưa em đến khoa cấp cứu. Tuy nhiên, họ thường từ chối các phương pháp điều trị do bác sĩ áp đặt, coi chúng là sự ép buộc hơn là chữa bệnh.

Empty

Quan điểm của người Hmong về sức khỏe là sự pha trộn giữa tôn giáo, kinh tế, những linh hồn đã mất và ma quỷ, một sự cân bằng của hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Đối với người Hmong, nhiều khía cạnh cơ bản của y học là điều cấm kỵ hoặc đáng sợ - mẫu máu để xét nghiệm, khám nghiệm tử thi và các thủ thuật xâm lấn như lấy mẫu tủy sống, phẫu thuật và khám âm đạo. Bác sĩ của họ yêu cầu lấy máu liên tục, đôi khi ba lần một tuần đối với Lia, khiến cha mẹ cô lo lắng hơn về việc lấy chất lỏng quan trọng từ con họ. Các quy trình và phương pháp điều trị thử nghiệm không quan tâm đến những phàn nàn của bệnh nhân đã củng cố thêm nhiều nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của người Hmong: Rằng các bác sĩ sẽ ăn gan, thận và não của bệnh nhân của họ. Họ đã từng nhìn thấy các phòng mạch của bác sĩ với những mảnh thi thể bị cắt nhỏ và đựng trong lọ, được bảo quản như thực phẩm. Cha mẹ của Lia thường phản đối việc điều trị cho bé, không hiểu tại sao bé lại bị giam giữ trên giường trong bệnh viện, tại sao chất lỏng quan trọng bị lấy đi từ con họ…

Các bác sĩ của Lia thất vọng và tức giận và nói đùa với nhau rằng: Chỉ có thể chữa cho Lia bằng cách bắn một viên đạn vào đầu! Sụp đổ niềm tin khiến gia đình Lia từ chối mọi phương pháp điều trị của bác sĩ Mỹ. Lia bị bại não, nhưng vẫn sống đến tuổi 30, lâu hơn nhiều so với chẩn đoán của các bác sĩ.

Tác giả Anne Fadiman kết luận rằng: Nếu có thể hiểu được văn hóa Hmong thì các bác sĩ đã không tức giận và bỏ rơi người bệnh đến từ một vùng đất xa xôi và biến họ thành một chuyện đùa.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa