Bộ Giao thông vào cuộc điều tra nghi án nhận hối lộ

Công ty JTC hiện là Nhà thầu của Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 195/CP-CN ngày 12/2/2004. Dự án được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.

Trên báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 20/3 có đưa tin, Công ty JTC (Nhật Bản) đã phải chi bất hợp pháp 100 triệu yen cho các cán bộ và một số người khác ở nước thứ ba (gồm Indonesia, Uzebekistan và Việt Nam) từ năm 2008 – 2012 để được tham gia thực hiện các dự án ODA. Trong đó, JTC đã hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,5 tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức tại cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yen.

Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc họp với các đơn vị có liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 để làm rõ thông tin báo chí Nhật Bản đã phản ánh. Tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng cho biết sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, "bất kể người đó là ai". Theo Bộ trưởng, điều này sẽ góp phần củng cố thêm mối hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay. Đồng thời cũng khẳng định quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của nhân dân về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Ngày mai (24/3), Bộ GTVT sẽ trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội để thông tin cho phía Nhật Bản về thái độ kiên quyết, nghiêm túc, cũng như tinh thần hợp tác cao nhất của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đến vấn đề này”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.


Hình minh họa cho vụ hối lộ quan chức các nước của JTC trên báo Nhật

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án, kể cả những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án. Yêu cầu trên cũng được thực hiện cả với các cán bộ có liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu. Báo cáo của các cá nhân hoàn thành trước ngày 31/3.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giao Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt.

Đối với Dự án án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (Tuyến số 1) – Giai đoạn 1: Trước mắt, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt tạm dừng giải ngân theo Hợp đồng đã ký với JTC; đồng thời, tạm dừng thương thảo tài chính Hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với JTC.

Cùng ngày, Bộ GTVT cho biết, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trên. Đồng thời cũng đã báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.

Ngày 23/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết tạm đình chỉ chức danh Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt đối với ông Nguyễn Văn Hiếu trong 15 ngày. Việc đình chỉ này để xác minh những vấn đề có liên quan tới việc báo Nhật thông tin: "Công ty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) thừa nhận trả tiền "lại quả" 80 triệu yen (16,4 tỷ đồng) cho quan chức đường sắt Việt Nam".

Nói về việc bị tạm đình chỉ chức danh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) khẳng định, không liên quan gì đến việc nhận hối lộ như báo Yomiuri Shimbun Nhật Bản đã nêu.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội