Theo quyết định của HĐND thành phố, kể từ đầu tháng 8, 1.348 dịch vụ y tế sẽ tăng giá khoảng 20% để lên bằng hoặc gần kịch khung cho phép Bên cạnh đó, giá của 135 dịch vụ kỹ thuật mới mà các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã thực hiện được nhưng chưa có giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố thanh quyết toán cũng sẽ được điều chỉnh. Mức tăng viện phí được cụ thể như sau: Với BV hạng I tăng từ 80% lên 100%; BV hạng II tăng từ 75% lên 95%; BV hạng II, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh tăng từ 70 lên 90%. Với trạm y tế, mức tăng từ 65% lên 85%.
Người có BHYT quan tâm tới chất lượng
Việc tăng giá viện phí luôn là vấn đề khá nhạy cảm với đời sống an sinh của người dân. Tuy nhiên với các đối tượng bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT thì việc điều chỉnh giá viện phí lần này chưa khiến họ thật sự quan tâm, bởi người sử dụng thẻ BHYT sẽ được thanh toán 75% viện phí nên chi phí gia tăng mà họ phải bỏ ra với nhiều người là chưa nhiều. Điều mà họ quan tâm chính là chất lượng và thủ tục khám chữa bệnh có thật sự được năng cao hơn khi chưa tăng viện phí không?
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường
Ông Trần Văn Vông (61 tuổi , quận Ba Đình) vừa mới khám bệnh xong cho biết, ông mắc bệnh tiểu đường lâu năm nên thường xuyên tới bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để khám bệnh. Khi được hỏi có biết viện phí tăng từ 1/8, ông Vông nói đã biết được thông tin qua các báo đài nhưng không thắc mắc hay lo lắng gì vì đang sử dụng BHYT, ông chỉ trả thêm một phần không đáng kể.
Khi được hỏi tăng viện phí có gây khó khăn gì cho việc khám chữa bệnh không, bác Dương Đình Phúc (67 tuổi, quận Hai Bà Trưng) tới khám xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết: Khó khăn thì trước mắt chưa thấy. Một hay hai lần khám bệnh thì chi phí có tăng chút ít cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Quan trọng là chất lượng khám, chữa bệnh có tăng hay không ?
Bà Lưu Thị Liên,
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc tăng viện phí lần này của Hà Nội
không ảnh hưởng nhiều tới người dân bởi người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi để
thanh toán khoản chênh lệch mà trước đó bảo hiểm y tế chưa chi trả. Đi kèm theo chuyện tăng viện phí, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cam kết sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Nhưng chất lượng có đi lên hay không hay lại không có nhiều biến chuyển so với lần tăng viện phí trước đây thì vẫn còn là dấu hỏi?
Người nghèo tăng vài ngàn cũng… khó
Với những người có thu nhập thấp, những người không
có điều kiện mua thẻ BHYT thì câu chuyện tăng viện phí sẽ khiến cho gia đình
người bệnh đã khó càng thêm khó, thậm chí có người sẽ phải phó mặc tính mạng của
mình khi không thể đáp ứng được chi phí nằm viện. Một ví dụ cụ thể, theo mức viện phí hiện hành, người bệnh
phải chi trả gần 6 triệu đồng khi mổ sỏi thận tại bệnh viện (mức này áp dụng
cho bệnh nhân có BHYT). Nhưng nếu không có BHYT, tiền điều trị sẽ lên
tới hơn 30 triệu đồng. Đây là một số tiền quá lớn đối với người bệnh nghèo.
Chị Lê Thị Nga (Cổ Nhuế, Từ Liêm) tỏ ra lo lắng khi biết các bệnh viện đã bắt đầu tăng viện phí: “Tôi dự kiến sinh là vào giữa tháng 8,số tiền ban đầu dự sinh 10 triệu đồng, nếu tăng viện phí thì không đủ. Cứ tăng viện phí thế này chỉ khổ người dân”.
Chị Nguyễn Thị Tăng lo lắng: “Vốn là nông dân cứ nghĩ đến việc đi viện là đã thấy đã tốn kém, chật vật rồi. Thông thường chúng tôi đâu có đủ điều kiện mà đến các bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh cứ phát ra, đau quá thì mới đến viện. Đến rồi, khám bệnh nọ lại ra bệnh kia. Bao nhiêu là khoản cứ chồng chất. Giờ viện phí mà tăng thì những người dân như chúng tôi lại càng thêm khó khăn rồi”.
Khi đề cập việc BHYT sẽ hỗ trợ cho người dân và đề xuất tăng viện phí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng được hưởng bảo hiểm, thì chị Tăng phẩy tay: “Có phải ai cũng đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm. Ở nông thôn, nhiều gia đình ăn còn chả đủ, lấy đâu ra tiền đóng bảo hiểm”.
“Tăng viện phí thì người nghèo chắc không dám đến bệnh viện, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người phải phẫu thuật… có lẽ chỉ ở nhà chờ chết thôi. Cứ nghĩ đến khoản tiền viện phí cùng chi phí cho hai cha con mỗi lần đưa cha tôi ra đây để truyền hóa chất điều trị ung thư phổi mà tôi đau hết cả đầu.” – Anh Nguyễn Văn Duẩn (Viên Sơn, Sơn Tây) cũng buồn bã chia sẻ.
Bệnh tật không chừa một ai, nhưng người càng nghèo thì bệnh tật càng nhiều. Nguyên nhân người nghèo nhiều bệnh là vì ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc suốt thời gian dài. Thống kê của các bệnh viện cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nghèo bao giờ cũng chiếm đa số. Bệnh nhân nghèo nằm viện thường ít kêu ca. Họ chấp nhận nằm chung giường hay nằm cả ngoài hành lang khi bệnh viện quá tải, cốt chỉ để được điều trị khỏi bệnh mà ít khi đòi hỏi ở bệnh viện về chất lượng dịch vụ.
Viện phí tăng, liệu chất lượng bệnh viện có tăng ?
Trước thực trạng chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều nơi quá yếu, y đức xuống cấp trầm trọng, Phó Chủ tịch nướcNguyễn Thị Doan đã từng nói thẳng: "Nếu có tiền thì người ta sẽ đi theo hướng dịch vụ chứ việc gì phải mua BHYT để rồi bị hành? Tôi phải nói thật là người dân bị hành. Thực tế là phải chờ rất lâu mới được thanh toán bảo hiểm, rồi thì quy định khám chữa bệnh phải theo tuyến, trái tuyến lại phải chi trả".
Việc tăng viện phí là nhằm mục đích năng cao chất lượng khám chữa bệnh, tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là chú trọng đến thái độ ứng xử với người bệnh.
“Vì muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cần phải huy động nhiều yếu tố như trình độ y bác sỹ, ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại… Nếu chỉ trông vào ngân sách thì các bệnh viện không thể có được những yếu tố này một cách đầy đủ”, TS. Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết.
Liệu sau đợt tăng giá viện phí này người dân Hà Nội có còn phải chịu cảnh quá tải của các bệnh viện
Riêng
vấn đề tăng viện phí để tăng chất lượng khám chữa bệnh như đề án mà ngành y tế
đưa ra thì dư luận chưa hoàn toàn đồng tình.
Nhiều người chỉ nghe là tăng giá khám, chữa bệnh nhưng vẫn rất mù mờ về quyền lợi của mình khi phải mất thêm tiền sẽ nhận lại là gì.
Bởi thế, người có điều kiện có tăng tới vài trăm ngàn cũng là chuyện nhỏ, “tăng một chút mà đi khám nhanh, hết bệnh cũng đỡ”.
Bỏ ra một khoản tiền lớn để khám chữa và điều trị bệnh thì đương nhiên người bệnh có quyền đòi hỏi và yêu cầu về chất lượng của các bệnh viện, họ sẵn sàng vui vẻ bỏ thêm vài trăm ngàn để được khám nhanh hơn, để không phải chen lấn, nằm ghép…
“Liệu tăng viện phí người bệnh có còn phải chịu nạn “phong bì” cho bác sỹ. Tăng viện phí người bệnh còn phải chịu cảnh nằm ra cả hành lang để chữa bệnh nữa không…?”, một cán bộ hưu trí bức xúc nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Hà Nội, một cái lợi có được từ việc tăng giá dịch vụ là việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện trên địa bàn: “Tăng giá dịch vụ y tế cũng là sức ép để các bệnh viện công lập nâng cao chất lượng. Thực tế khi tăng giá dịch vụ vào năm ngoái, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập đã tăng lên rất nhiều rồi”.
Tăng
viện phí là cần thiết, nhưng tăng như thế nào cho hợp lí là vấn đề cần bàn thảo
chi tiết, trong đó quyền lợi của người bệnh cần được cân nhắc, đặc biệt
là người nghèo. Cùng với việc bệnh viện đòi hỏi người bệnh trả phí cao, người bệnh
cũng có quyền yêu cầu ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và
thái độ phục vụ người bệnh theo hướng tôn trọng người bệnh. Nhưng với thực trạng của ngành Y tế hiện nay thì việc người
dân mất niềm tin và còn lo lắng, bất an mỗi khi phải tới bệnh viện vẫn là điều nghiễm nhiên.
Bình luận của bạn