Đứng từ đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế đẹp như một bức tranh
Đường Hạnh Phúc được khởi công ngày 10/9/1959, hoàn thành ngày 20/3/1965.
“Con đường hạnh phúc” được mở nối từ Hà Giang lên 4 huyện vùng cao khó khăn nhất cả nước ở phía bắc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với chiều dài khoảng 184 km.
Đây vốn là con đường được khởi dựng từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50 - 60 thế kỷ trước.
Khi đó, mặc dù địa hình hiểm trở, núi đá cao, vực sâu hàng trăm mét, song với sự nỗ lực, kiên cường, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, lực lượng thanh niên xung phong và dân công với gần 2.500 người thuộc 6 tỉnh Việt Bắc và 2 tỉnh Nam Định, Hải Dương bằng những dụng cụ lao động thủ công đã làm nên con đường huyền thoại.
Năm 2009, Hẻm vực sông Nho Quế đã được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia và là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn.
Để xây dựng con đường qua đỉnh Mã Pì Lèng, những thành viên của đội cảm tử đã phải buộc dây ngang lưng, treo mình trên vách đá dựng đứng trong cái nóng như đổ lửa từ hẻm núi phun ra, bất chấp nắng gió, mưa tuyết, đói khát...
Để có được con đường Hạnh Phúc lịch sử, 14 thanh niên xung phong đã nằm lại trên những cung đường mùa xuân.
Nhờ con đường này, người HMông, người Dao, người Giáy, người Lô Lô của các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn mới được mở mày mở mặt, tiếp xúc với ánh sáng văn minh khoa học
Hạnh Phúc - Đó là điều mà con đường đã đem lại sự bình yên, no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang
Ngày 20-3 vừa qua, TP. Hà Giang đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “con đường hạnh phúc” nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của các cựu thanh niên xung phong năm xưa đã ngã xuống để đem lại hạnh phúc, no ấm cho đồng bào người dân vùng cao ngày nay .