Máy bay Malaysia mất tích: Nghi do khủng bố, FBI vào cuộc


Một hành khách chụp bảng điện có dòng chữ “Hãy cầu nguyện cho chuyến bay MH370” tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) chiều 9/3 - Ảnh: Trung Nghĩa




Vật thể nghi là cửa sổ của máy bay do thủy phi cơ hải quân VN chụp được chiều 9/3 - Ảnh: Duy Minh

Theo Hãng tin AFP, Bộ trưởng Giao thông kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein cho biết nhà chức trách đang kiểm tra lại "toàn bộ danh sách hành khách". Có bốn hành khách bị tình nghi, trong đó có hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp. "Tôi có bốn cái tên khả nghi. Tôi đã giao nhiệm vụ này cho cơ quan tình báo và cũng nhờ sự trợ giúp của các cơ quan tình báo quốc tế" - ông Hussein cho biết.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng tuyên bố sẽ xem xét lại an ninh tại các sân bay sau khi điều tra cho thấy hai hành khách sử dụng hộ chiếu lấy trộm có thể lên máy bay trót lọt.

FBI vào cuộc

"Có nhiều tín hiệu nhiễu sóng, nhưng tôi nghe được tiếng thì thầm từ phía sau. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nghe được tín hiệu từ MH370 do sau đó chúng tôi mất liên lạc với máy bay này".

Một phi công lái máy bay Boeing 777 bay trước MH370

Bộ trưởng Hussein cho biết các điều tra viên của Malaysia và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ hợp tác để cùng giải mã vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370. Báo Los Angeles Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết FBI sẽ xem xét biểu hiện của các hành khách trong các đoạn băng ghi hình tại sân bay Kuala Lumpur, các hình ảnh của hành khách tại quầy vé, khu vực an ninh và khu vực chuẩn bị lên máy bay. Sau đó FBI sẽ dùng công nghệ chống khủng bố để tìm mối liên hệ giữa các hành khách này với tổ chức khủng bố Al-Qaeda hoặc các tổ chức khác.

Quan chức này cũng cho biết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cũng sẽ tham gia cuộc điều tra bởi "máy bay Boeing được chế tạo tại Mỹ". Nguồn tin CNN cho biết có khả năng hai người dùng hộ chiếu đánh cắp đã mua vé cùng nhau. Theo hệ thống xác minh vé điện tử Travelsky của Trung Quốc, hai vé này được mua bằng tiền baht Thái Lan với cùng một mức giá.

Theo phía Mỹ, dù hai hành khách đã sử dụng hộ chiếu lấy cắp để lên máy bay, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu gì cho rằng đây là một vụ tấn công khủng bố. "Việc đánh cắp hộ chiếu không có nghĩa các hành khách trên là khủng bố. Có thể họ là những tên trộm hoặc họ chỉ đơn giản mua hai hộ chiếu đó từ chợ đen" - một quan chức thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ nhận định.

Bộ trưởng Hussein khẳng định việc máy bay bị tấn công chỉ là một trong những giả thuyết đang được điều tra. Tất cả phải phụ thuộc vào việc tìm được hộp đen của máy bay. "Chúng tôi đang tìm hiểu tất cả khả năng. Chúng ta không thể rút súng. Mục tiêu của chúng ta hiện tại là tìm được chiếc máy bay".

Máy bay quay đầu lại

Trong buổi họp báo hôm qua, nhà chức trách Malaysia cho biết có khả năng chiếc máy bay mất tích đã tìm cách quay đầu lại Kuala Lumpur thay vì bay thẳng đến Bắc Kinh (Trung Quốc) như lịch trình. "Chúng tôi đã kiểm tra bản lưu trên hệ thống rađa và phát hiện có khả năng chiếc máy bay này đã quay đầu lại" - tướng Rodzali Daud, người đứng đầu lực lượng không quân hoàng gia Malaysia, cho biết. Ông Đinh Việt Thắng, phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định thông tin này phù hợp với đánh giá của phía Việt Nam là thời điểm trước khi liên lạc máy bay quay sang hướng 17 độ.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành Hãng Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya cho rằng nếu máy bay quay đầu thì các hệ thống của máy bay hẳn đã phải bật chuông báo động. Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết thêm trước khi máy bay đến điểm IGARY (điểm bàn giao cho vùng FIR của Việt Nam) thì lúc 17g 20 phút 30 giây (giờ GMT) rađa thu được tín hiệu máy bay. Phía Việt Nam đã hiệp đồng chuẩn bị bàn giao nhưng chưa nhận bàn giao máy bay thì khi máy bay đến cách điểm IGARY khoảng 18km (1 phút rưỡi) về phía nam bỗng mất tín hiệu trên màn hình rađa. Khi không bắt được liên lạc thì sau 3-5 phút Việt Nam đã thông báo ngay cho các cơ quan liên quan.

Ông Yahya cho biết chính quyền Malaysia có thể đang "khá rối" với tình hình trên. Nhà chức trách cũng cho mở rộng phạm vi tìm kiếm sang bờ biển phía tây Malaysia thay vì chỉ tập trung tại biển Đông như trước đó. Các quốc gia láng giềng cùng Trung Quốc và Mỹ cũng đã đưa 40 tàu và 22 máy bay đến để hỗ trợ tìm kiếm.

Trong khi đó, một phi công lái chiếc máy bay Boeing 777 cất cánh trước chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines cho biết ông đã liên lạc được với chiếc máy bay trên sau khi có yêu cầu từ trạm kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu mà phi công này nhận được đều bị nhiễu sóng. Theo báo New Straits Times của Malaysia, phi công giấu tên cho biết ông được một trạm kiểm soát không lưu Việt Nam yêu cầu liên lạc với máy bay mang số hiệu MH370 để xác định vị trí của máy bay này.

"Chúng tôi tìm cách liên lạc với MH370 lúc 1g30 sáng và hỏi xem họ có di chuyển vào vùng không phận của Việt Nam hay không. Tiếng nói phát ra từ phía bên kia có thể là của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) hoặc là cơ phó Fariq Abdul Hamid (27 tuổi), nhưng tôi chắc là cơ phó. Có nhiều tín hiệu nhiễu sóng, nhưng tôi nghe được tiếng thì thầm từ phía sau. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nghe được tín hiệu từ MH370 do sau đó chúng tôi mất liên lạc với máy bay này" - phi công này cho biết.

Viên phi công này khẳng định những máy bay khác nếu sử dụng cùng băng tần khẩn cấp tại thời điểm đó đều có thể nghe được cuộc điện đàm này, kể cả các tàu ở trên biển. "Nếu máy bay gặp nạn, chúng tôi sẽ phải nghe phi công gọi cầu cứu. Nhưng tôi chắc không ai khác nghe được lời cầu cứu" - phi công này cho biết. Sau khi không liên lạc được với MH370, trạm kiểm soát không lưu của Việt Nam tiếp tục yêu cầu phi công này liên lạc với máy bay trên, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Phi công này cho biết việc mất liên lạc trong ít phút không phải là chuyện nghiêm trọng, do vậy ông không nghĩ gì đến điều đó cho đến khi ông nghe thông tin việc MH370 mất tích.

Tối qua, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Malaysia tiết lộ các nhân viên điều tra đang tập trung vào giả thiết máy bay của Malaysia Airlines bị vỡ ở độ cao khoảng 10.000m. Quan chức này cho biết nếu máy bay đâm vào mặt biển và vỡ tan thì các nhóm cứu hộ đã tìm thấy nhiều mảnh vụn tập trung ở một khu vực nhất định.

Malaysia từng trục xuất người Duy Ngô Nhĩ mang hộ chiếu giả

Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh thắt chặt an ninh tại các sân bay ở nước này. Chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích ngay sau vụ tấn công khủng bố ở Côn Minh khiến 29 người thiệt mạng, do đó làm dấy lên tin đồn các nhân vật cực đoan người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương có thể liên quan đến vụ việc. Một quan chức Malaysia tiết lộ nhà chức trách không loại trừ khả năng này.

Hồi năm 2011 và 2012, chính quyền Malaysia từng trục xuất một số người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc do mang hộ chiếu giả. Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc chưa xác định vụ mất tích máy bay có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ hay không, nhưng mô tả tình huống này là "rất đáng ngờ" sau vụ tấn công ở Côn Minh.

Mới đây đại diện Malaysia Airlines khẳng định họ chắc chắn tất cả hành khách có mặt trên chuyến bay MH370 đều có thị thực vào Trung Quốc. Do đó, trường hợp sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp là không dễ xảy ra. Tuy nhiên, hai hộ chiếu bị đánh cắp là hộ chiếu châu Âu, có thể giúp kẻ sử dụng tránh được vòng kiểm tra thị thực. Hiện tại, công dân nhiều nước phương Tây được quyền nhập cảnh không cần thị thực trong vòng 72 giờ nếu có vé máy bay rời đi.

Trong khi đó, Cảnh sát Quốc tế (Interpol) thông báo ngoài hai hộ chiếu bị đánh cắp, Interpol còn đang điều tra thêm một số hộ chiếu đáng ngờ của hành khách trên chuyến bay.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội