Sẽ tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2015?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hợp tác xã Việt Nam (VCA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các hiệp hội ngành khác đã cùng ngồi lại và thảo luận “Đề xuất của người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015” tại cuộc hội thảo do VCCI và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội.

Tính bình quân, lương tối thiểu vùng tăng 9,9% năm 2010; 30,1% vào năm 2012 và 15,2% năm nay.

Theo VCCI, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2010-2011 nhưng lại cao gấp 3 lần tăng trưởng CPI trong năm 2012.

“Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới Sử dụng Lao động cho biết.

Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2015

Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2015

Cũng theo VCCI, việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng tới ngành dệt may, da giầy và thủy sản là chủ yếu.

“Mức độ tăng lương tối thiểu sẽ tác động rất lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan do đó khi tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%”, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới Sử dụng Lao động khẳng định.

Đại diện cho các tổ chức của người sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia bao gồm VCCI, VCA, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp hội Da – Giầy Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam, nhận định: Điều quan trọng là phải tạo điều kiện và khuyến khích các cuộc thảo luận chung trên cơ sở dữ liệu khoa học và sự tham gia của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có tầm ảnh hưởng trong quá trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu.


Lương tối thiểu vùng tại Việt Nam hiện nay được thảo luận tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập vào năm 2013 và đại diện cho tiếng nói bình đẳng của Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn.

Tiền lương tối thiểu năm 2014 được quy định ở mức 1,9 triệu VNĐ (90 USD) đến 2,7 triệu VNĐ (129 USD) mỗi tháng tùy theo từng vùng.

ILO khuyến khích VCCI thực hiện vai trò điều phối mạnh mẽ hơn với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động khác trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia và hi vọng rằng “những hiệp hội khác nhau sẽ có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong các nghiên cứu chung và các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực quan trọng này”.

“Chúng tôi kêu gọi những đề xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế,” ông Hazelton cho biết thêm.

Lương tối thiểu là mức lương sàn duy nhất mà nếu trả thấp hơn mức lương này, người sử dụng lao động sẽ vi phạm pháp luât.

ILO cho rằng việc thảo luận, đàm phán cần tập trung vào nhu cầu của người lao động và các yếu tố kinh tế như khả năng chi trả của doanh nghiệp và tính cạnh tranh.

“Lương tối thiểu có những hạn chế và không nên sử dụng lương tối thiểu để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đói nghèo”, ông Gary Rynhart, Chuyên gia cao cấp về hoạt động của giới sử dụng Lao động, ILO nhấn mạnh.

Ông Rynhart đề nghị Việt Nam cần tránh chỉ số hóa lương tối thiểu theo CPI bởi CPI chỉ đo lường thay đổi về giá cả mà không cung cấp thông tin về thu nhập và mức chi tiêu của tất cả các hộ gia đình.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội