Thầy lang “sang trang” cuộc đời cho hàng trăm người nghiện

Thầy lang Nguyễn Văn Hiệp đã chữa cho 375 người nghiện ma túy

Cedemex - Giải pháp mới cho người nghiện ma túy

Người nghiện ma túy được hỗ trợ kinh phí cai nghiện

Suboxone – hy vọng mới cho người nghiện ma túy

Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy

Đây là những dòng tâm sự của một bệnh nhân nghiện ma túy cấp độ nặng (mang số hiệu 302) đã từng được ông lang Hiệp chữa trị. Khoảng thời gian 20 ngày không phải là dài nhưng những cử chỉ ân cần chu đáo cùng những lời khuyên bảo của ông Hiệp dành cho bệnh nhân đã biến tình cảm đơn thuần giữa bệnh và người chữa bệnh thành tình Thầy - Trò nặng nghĩa. 

Những dòng tâm sự của một bệnh nhân mang số hiệu 302 gửi tặng cho thầy Hiệp

“Sang trang” cho 375 bệnh nhân nghiện ma túy

Chúng tôi tìm đến nhà thầy lang Hiệp trong một buổi chiều cuối đông. Qua một hồi hỏi thăm - tiếng của thầy lang Hiệp có biệt tài chữa đa khoa, bách bệnh nức tiếng, quanh vùng ai mà không biết, lại có cái tài chữa được bệnh nghiện ma túy lâu năm -nhóm phóng viên Health+ đã tìm đến đúng địa chỉ, tuy nhiên, cảnh tượng trước mắt khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. 

Căn nhà nhỏ của thầy lang Hiệp vừa là nơi ở, nơi sinh hoạt của ông cũng vừa được coi là bệnh xá mini của những người đến đây cai nghiện tự nguyện. Tính đến nay, "bệnh xá" ấy là nơi đã gieo mầm ước mơ làm lại cuộc đời cho nhiều bệnh nhân. Ngày chúng tôi qua gặp thầy Hiệp, con số bệnh nhân đăng ký đến bệnh xá của thầy chữa trị là 375 người. Hầu hết tất cả người nghiện đến với thầy phải trải qua thời gian chữa trị là 20 ngày, có một vài trường hợp hy hữu là 21, 22 ngày. Thầy Hiệp sử dụng cả Đông – Tây y, sử dụng cả thuốc nam lẫn thuốc bắc kết hợp với thủy châm để giúp người nghiện không bị vật vã trong 20 ngày đó.

Kho thuốc "lâu năm" của thầy lang Hiệp

Theo như chia sẻ của thầy Hiệp, trong lộ trình điều trị 20 ngày của ông, mất khoảng vài ngày đầu, cả bệnh nhân, người nhà bênh nhân và thầy thuốc đều phải vất vả vì đó là những ngày khó khăn nhất. Có nhiều hôm, tất cả mọi người đều thức trắng đêm vì một người nghiện. Nhưng chỉ cần người nghiện tự nguyện uống thuốc, có quyết tâm dứt ra khỏi “nàng tiên nâu” thì quá trình điều trị bước đầu có thể coi là thành công.

Đến ngày thứ 15, 16 bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hoạt gần như bình thường, đến ngày thứ 20, sức khỏe của bệnh nhân bắt đầu phục hồi.

Tại cơ sở chữa nghiện, mỗi người nghiện đến chữa đều tuân thủ thủ tục tiếp nhận đầu tiên là ký bản cam kết về việc chấp hành chỉ uống thuốc, giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành yêu cầu của thầy suốt 20 ngày. Không những thế, thầy Hiệp còn lập ra một bản Quy ước chữa bệnh để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ký vào đó, cam kết thực hiện. Tất cả mọi người đều phải đoàn kết, giúp đỡ nhau, yêu thương, quý trọng nhau… để giúp nhau làm lại cuộc đời.

Nội quy quy ước chữa bệnh tại "bệnh xá mini" của thầy Hiệp

Trong lúc chúng tôi ngồi trò chuyện với thầy Hiệp, một người đàn ông chạc ngoài 40 tuổi lúc lúc lại ra xin phép được cắt ngang lời để nhờ thầy tư vấn. Hỏi ra mới biết, con trai chú Bình - tên người đàn ông đó - đang điều trị tại nhà thầy. Hai bố con chú Bình từ Hưng Yên lên đây, con chú năm nay mới 19 tuổi nhưng dùng ma túy đá hơn 2 năm mà bố mẹ mới biết. Chú cũng đã từng đưa con đi chỗ này chỗ kia mà không có kết quả. Khi nghe thông tin về thầy Hiệp, chú Bình đưa con đến nhà thầy mong mỏi tìm được “cứu nhân”.

Tính đến nay, con trai chú Bình đã trải qua ngày thứ 3 của lộ trình điều trị. Chú Bình chia sẻ: “Con trai bị thế này tôi và gia đình đã gần như tuyệt vọng. Mong sao thầy Hiệp chữa khỏi cho con tôi, tôi sẽ đưa con về quê, mua một cái xe hai bố con đi làm cùng nhau để con không mắc vào ma túy nữa”. Chú Bình còn dự định, nếu con trai chú thật sự khỏi bệnh, chú sẽ mách cho 3 người khác ở làng mình đang tuyệt vọng vì nghiện ma túy biết được địa chỉ của thầy Hiệp để chữa trị.

Chú Bình ở Hưng Yên đưa con trai 19 tuổi (dùng ma túy đá) lên nhờ thầy Hiệp chữa trị

Chấp nhận sự xa lánh của vợ con, dân làng để đến với người bệnh

Căn nhà nơi thầy Hiệp cùng những bệnh nhân đang ở chỉ là một căn nhà cấp 4 thấp, nhỏ và lụp xụp. Bầu không khí, không gian trong căn nhà của thầy Hiệp đối lập hoàn toàn với những ngôi nhà cao tầng, to, rộng thoáng đãng xung quanh. Có lẽ, thầy Hiệp là người nổi tiếng nhất làng nhưng cũng là người nghèo nhất làng. Tất cả đều có nguyên nhân.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hiệp với nét mặt đượm buồn kể rằng kể từ ngày quyết định nhận chữa trị cho những người nghiện ma túy, ông bị dân làng xa lánh, kỳ thị như kỳ thị chính những người nghiện vậy. Làng xóm không “ưa”, chính quyền không đồng ý, nói ra nói vào, thậm chí vợ con ông cũng không coi ông là người trong gia đình.

Trước kia, cuộc sống của ông tuy có chút vất vả nhưng cũng hạnh phúc như bao gia đình khác trong làng, có vợ, có hai con trai cùng chung sống dưới một mái nhà. Thế nhưng ai ngờ được rằng người đàn ông ấy, đến nay đã được lên chức ông lại phải lủi thủi tự nấu tự ăn… mặc dù đã gần 80 tuổi.

Trớ trêu hơn, căn nhà hiện nay vợ con ông ở lại ngay sát vách nhà của ông, vì ông quyết tâm nhận chữa cho những người nghiện nên bị vợ con ruồng bỏ và một căn nhà bị ngăn đôi, ông một nửa, vợ con một nửa.

Cũng kể từ khi ông làm cái việc này, dân làng thường hay để ý, cũng sinh nghi ngờ không hay về ông. Họ cho rằng ông là người “gàn dở”, “mang bệnh về làng”. Bởi lẽ, trong khi người dân cố tìm cách xa lánh những người nghiện thì ông lại đem những con người bị coi là bỏ đi đó về nhà, ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung… Người dân còn sợ lây nhiễm những bệnh truyền nhiễm từ người nghiện như lao, phổi, gan, HIV… nhưng ông Hiệp thì ngược lại. Với ông, những người nghiện rất đáng thương, họ cũng là con người và nghiện ma túy cũng là một căn bệnh. Do vậy, với vai trò là một thầy thuốc, ông luôn nghĩ mình phải làm sao để mang lại một cuộc sống mới cho họ.

Ông Nguyễn Hải Lý - Trưởng thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội

Việc làm của thầy Hiệp cũng không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo trong thôn. Ông Nguyễn Hải Lý – Trưởng thôn Văn Giáp cho biết, trước khi hành nghề thầy lang, ông Hiệp đã từng đi lính và bị thương, trở về quê hương làm đủ nghề để kiếm sống. Ông cũng không đủ điều kiện để đi học ở một trường chính quy nào mà chủ yếu là tự học từ người khác nên người dân trong làng có phần không tin tưởng.

Từ khi thầy lang Hiệp nhận chữa trị tại gia cho những người nghiện từ nhiều vùng khác đến, mặc dù về an ninh trật tự chưa có vấn đề gì nhưng người dân trong thôn cũng không tán thành việc làm của ông.

Đây cũng chính là vấn đề khiến thầy lang Hiệp luôn trăn trở. Thầy Hiệp luôn có mong muốn nhận được sự ủng hộ của chính quyền, của dân làng cũng như nhận được sự giúp đỡ của các ban ngành, các mạnh thường quân để ông có điều kiện cứu chữa cho nhiều người hơn, tìm lại ánh sáng cuộc đời cho nhiều bệnh nhân nghiện hơn nữa.

T.Nga - Hoàng Thanh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội