Chuột - "Sát thủ " gây nhiều bệnh truyền nhiễm

Chuột là tác nhân gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo phòng chống dịch hạch

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo phòng chống dịch hạch

WHO cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch hạch

Trung Quốc: Cách ly thị trấn 30.000 dân vì dịch hạch

Phát hiện dịch hạch thể phổi ở Trung Quốc

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Hồng Nga - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, trên thế giới, các loài chuột có thể làm lây lan 35 bệnh khác nhau.Tại Việt Nam, có ít nhất 5 bệnh do chuột gây ra. Trước tiên phải kể đến bệnh dịch hạch.

Dịch hạch từng làm rung chuyển Châu Âu, giết chết 30-60% dân số châu lục này vào thế kỷ 14. Đây được xem là một trong những đại dịch gây chết chóc nhiều nhất.

Dịch hạch: Là bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây truyền từ chuột sang người qua trung gian bọ chét. Bọ chét kí sinh trên cơ thể chuột, bị nhiễm vi khuẩn do hút máu chuột mang mầm bệnh, sau đó truyền bệnh cho người khi nhảy từ cơ thể chuột sang ký sinh trên người. Bệnh dịch hạch thường đặc trưng bởi tình trạng sốt, ớn lạnh và viêm hạch biểu hiện qua tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau. Ngoài ra còn có dịch hạch thể phổi với biểu hiện viêm phổi nặng và có thể lây lan từ người sang người. Bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Hiện nay, bệnh dịch hạch đã được kiểm soát ở nước ta, gần 20 năm nay không ghi nhận ca bệnh dịch hạch tại TP.HCM. Tuy nhiên, dịch hạch vẫn được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm và được giám sát chặt chẽ có trọng điểm.

Bệnh do Hantavirus: Virus Hanta không gây bệnh trên chuột. Nhưng chuột nhiễm virus Hanta sẽ thải virus qua phân, nước tiểu cũng như các chất tiết và lây nhiễm cho người qua vết cắn, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các giọt dịch trong không khí. Hiện nay, y học đã mô tả được 2 thể bệnh do virus Hanta gây ra trên người, gồm bệnh viêm phổi do virus Hanta và sốt xuất huyết kèm theo suy thận. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh viêm phối do virus Hanta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

 Bệnh Vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose): Leptospirose là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Đường lây truyền của xoắn khuẩn này tương tự như của virus Hanta. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau cơ, sưng huyết kết mạc, nổi hồng ban… Bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh.

 Sốt chuột cắn: Chuột rất hiếm khi tấn công người, tuy nhiên, khi bị chuột cắn con người có nguy cơ đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm khác nhau như bệnh dại và các dạng sốt chuột cắn. Sốt chuột cắn là bệnh do các vi khuẩn sống trong khoang hô hấp trên của chuột gây ra. Bệnh khởi phát sau 2 – 10 ngày bị tấn công. Các triệu chứng thường là sốt, đau cơ, đau khớp, nôn ói, hồng ban, cũng có thể có xuất huyết. Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh.

Khi bị chuột cắn bệnh nhân có thể bị sốt cao, đau cơ

Bệnh do vi khuẩn Salmonella: Vi khuẩn Salmonella hiện diện nhiều trong phân của các loài gặm nhấm, thú cưng. Người bị bệnh do tiếp xúc trực tiếp với chất thải của chuột mà không rửa tay. Có khi người bị nhiễm do ăn phải những đồ ăn thức uống bị chuột làm ô nhiễm. Bệnh khởi phát nhanh chóng trong vòng 12 – 27 giờ với các triệu chứng như tiêu chảy, sốt – đau quặn bụng… Bệnh thường tự khỏi sau 4 – 7 ngày, không cần điều trị.

Có thể phòng ngừa bệnh truyền nhiễm do chuột

Chuột là ổ chứa của khá nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khác nhau, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị. Các bệnh do chuột lây truyền này hầu hết đều chưa có vaccine  phòng ngừa. Vì vậy, để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột và chất thải của chuột cũng như chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra.

Tại khu vực đô thị, nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang găng tay cao su cho xác chuột vào bao nylon nhiều lớp, gói kín lại và bỏ vào thùng rác. Tại khu vực nông thôn hoặc vùng ven có nhiều đất trống, việc chôn lấp xác chuột được khuyến khích thực hiện.

Giữ vệ sinh nhà cửa là một cách phòng ngừa sự xuất hiện của chuột

Giữ vệ sinh nhà cửa, hạn chế nơi ẩn náu của chuột và xử lý vệ sinh tại những nơi có chuột là một cách phòng ngừa sự xuất hiện của chuột. Bản chất của chuột nhà thường làm hang trong những góc tối, che phủ kín. Vì vậy, việc giữ gìn nhà cửa gọn gàng, sạch thoáng, không chất đống các đồ đạc không dùng đến sẽ giúp hạn chế sự tồn tại của chuột trong nhà. Các cánh cửa nhà, cửa tủ đóng kín cũng sẽ ngăn cản chuột xâm nhập từ bên ngoài.

Khi dọn dẹp nhà cửa mà nghi ngờ nhà có chuột, cần sử dụng găng tay cao su để tránh sự tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu và phân chuột. Nếu phát hiện có phân hoặc nước tiểu của chuột, phải dùng nước javel pha theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn chai để lau sạch bề mặt ô nhiễm, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô. Không nên quét khô ở những bề mặt nhiễm phân và nước tiểu của chuột vì có thể hít phải bụi hoặc những giọt nước nhỏ mang mầm bệnh.

Trong trường hợp bị chuột cắn phải rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc Povidine. Người bị thương cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh.

Trong thời gian gần đây đang rộ lên phong trào bắt chuột làm các món “nhậu”, phương pháp này cũng làm giảm được khả năng phát triển và tác hại của chuột.Tuy nhiên, khi bắt chuột và sử dụng làm thức ăn cần phải rất cẩn trọng vì không phải loại chuột nào cũng có thể làm thức ăn được. Có những loại khi sử dụng làm thức ăn sẽ gây nên các bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng con người. 
Thùy Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm