Rắn lục đuôi đỏ: Nhiều do lũ?

Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, rắn lục đuôi đỏ liên tục xuất hiên cắn người ở nhiều nơi

Phác đồ điều trị khi bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở Huế

Rắn lục đuôi đỏ lại "hoành hành" ở Quảng Ngãi

2 người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ cắn

Báo động rắn lục đuôi đỏ cắn người hàng loạt tại ĐBSCL

Do lũ lịch sử 2013?

Ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Hân - Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết, sau khi khảo sát, các chuyên gia bước đầu nhận định, nhiều khả năng do đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 khiến mực nước dâng cao cuốn loài rắn này từ khu vực đồi cao về đồng bằng gần với khu dân cư. Tại đây, nguồn thức ăn cho chúng như nhái, chuột... khá dồi dào đã tạo điều kiện cho loài rắn này thích nghi, sinh trưởng nhanh. Mỗi lứa chúng đẻ từ 6 - 12 con, lại không gặp loài thiên địch, nên xuất hiện nhiều bất thường.

Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ đầu tháng 10 đến nay, khoảng 150 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Đây là địa phương có số người bị loài rắn này cắn nhiều nhất khu vực miền Trung. Riêng 3 huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ, cơ quan chức năng cùng người dân đã ra quân diệt ít nhất 400 rắn lục đuôi đỏ trong hai tháng qua.

Tại Bình Định, loài rắn này không chỉ xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn mà còn gia tăng bất thường ở TP Quy Nhơn gây hoang mang cho người dân.Thống kê của Bệnh viện Đa khoa Bình Định, 2 tháng qua đã tiếp nhận khoảng 57 người bị rắn cắn, chủ yếu do loài rắn lục đuôi đỏ. Ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc bệnh viện cho biết, “riêng TP Quy Nhơn có đến 17 ca”.

“Phần lớn bệnh nhân bị rắn cắn vào viện sớm được truyền huyết thanh để chống độc. Nhờ điều trị kịp thời nên không có người biến chứng rối loạn chức năng hô hấp, suy thận và cho biết các cơ sở y tế đã in hình rắn lục đuôi đỏ, tuyên truyền trực quan cho người dân cách phòng tránh, sơ cứu”, ông Mỹ nói.

Các chuyên gia thu thập mẫu vật rắn lục đuôi đỏ do người dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức phát hiện trong vườn nhà (Ảnh: VnExpress)

Nguồn thức ăn thuận lợi?

Trước đó, lại có ý kiến cho rằng, rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư.

Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều? Theo GS Huỳnh, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4 - 14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn.

Tuy nhiên, rắn lục đuôi đỏ thường sinh con vào tháng 6 - 7, chứ không phải mùa này. Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển.

Nguồn thức ăn dồi dào của rắn lục khi ở dưới đồng bằng có thể là nguyên nhân khiến loài rắn này xuất hiện nhiều

Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ số rắn lục đuôi đỏ tăng bao nhiêu, vì sao lại tăng, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất… để người dân đỡ hoang mang.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh

Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.

Theo phác đồ điều trị khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn của Bộ Y tế mới ban hành, ngay sau khi bị rắn cắn, cần trấn an và giảm lo lắng cho bệnh nhân. Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp.

Đặc biệt, không chích rạch tại vết cắn. Ngay sau khi bệnh nhân bị cắn có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc. Nếu đau nhiều: Giảm đau bằng paracetamol uống. Nếu tụt huyết áp, đe dọa sốc do mất máu hoặc phản vệ đặt ngay một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi (đặt ở chi khác chi bị cắn) để truyền dịch. Phải chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay không được để mất quá nhiều thời gian tìm thầy lang, thuốc lá.

Để phòng ngừa bị rắn độc cắn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên: Phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà, trồng xả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.
Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội