Vì sao hạnh phúc tuột khỏi tay mình?
Bí quyết để trở thành người hạnh phúc
5 hoạt động giúp hạnh phúc ngay tức thì
Làm gì để luôn khỏe mạnh và hạnh phúc? (P.2)
Làm gì để luôn khỏe mạnh và hạnh phúc? (P.1)
Nếu sự mặn mà chỉ ở một phía còn có thể dễ hiểu về sự đổ vỡ. Nhưng lạ ở chỗ, nhiều gia đình vẫn tan nát khi cả hai vợ chồng đều đã nỗ lực hết mình để vun vén cho hạnh phúc. Họ vẫn thương yêu, tôn trọng và lo lắng cho cuộc sống của nhau. Họ có những đứa con cần sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Họ có gia đình, họ hàng hai bên hết lòng ủng hộ. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ vẫn phải lựa chọn quyết định chia tay?
Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra họ đã không tìm được tiếng nói chung, không hiểu được những vấn đề người kia gặp phải. Đúng hơn là họ không tìm thấy mật mã của hạnh phúc gia đình, nên chỗ thiếu hụt thì không chăm chút, cứ mất công vun vén tận đâu đâu. Giống người đang bệnh nặng lại uống nhầm thuốc; Giống người soi đèn đi tìm hạnh phúc mà vẫn lạc đường. Họ lạc lõng trong từng ý nghĩ của nhau đến kiệt cùng sức lực. Những cuộc ly hôn đó thường để lại nuối tiếc cho không chỉ người trong cuộc. Mất rất nhiều thời gian về sau họ mới hiểu vì sao hạnh phúc tuột khỏi tay mình.
Tôi quen anh cách đây bốn năm. Anh là một thầy giáo, lại nghiên cứu văn hóa dân gian; Vẻ ngoài bảnh bao, lịch thiệp. Trên bục giảng anh là một thầy giáo giỏi, tâm huyết. Với công tác nghiên cứu, anh cũng đạt được nhiều thành quả đáng nể. Tiếp xúc với anh, nhiều người nghĩ anh có cuộc sống viên mãn. Khó có thể hình dung, người đàn ông luôn cười nói vui vẻ, tỏ ra hiểu biết ấy lại đang gặp vấn đề về hôn nhân. Vợ anh cặp bồ với đồng nghiệp và tỏ rõ thái độ chán ngán chồng. Anh chua chát: “Ngoài xã hội mọi người tôn trọng mình bao nhiêu, về nhà lại bị vợ nhờn mặt bấy nhiêu”.
Chuyện ngoại tình của vợ lan ra ngoài khiến anh mất mặt trước mọi người. Ai cũng nghĩ anh không thể tha thứ cho vợ, hoặc có tha thứ cũng là vì các con. Bởi đàn ông như anh thì thiếu gì phụ nữ tử tế xin theo. Nhưng anh lại rất yêu vợ, dù đau đớn cũng cố tìm giải pháp giữ lửa gia đình. Thỉnh thoảng anh gọi điện nhờ tôi tư vấn chọn giúp một món quà tặng vợ, khi thì váy áo, có lúc là đồ trang sức đắt tiền. Có lần tôi thắc mắc “sao anh không dẫn chị đi chọn trực tiếp? Như thế vừa lãng mạn vừa có thời gian gần gũi nhau, lại tìm được đúng món đồ chị thích”. Anh buồn bã “rủ, chắc gì cô ấy chịu đi”.
Tôi luôn nghĩ trong một gia đình thì phần lớn phụ nữ mới là người giữ lửa. Trường hợp như anh không phải hiếm nhưng cũng chẳng nhiều, nên cứ tưởng chỉ riêng cái sự chân thành ấy cũng đủ làm trái tim người vợ cảm động. Ấy thế mà mọi chuyện diễn ra không như anh mong muốn. Chị đòi ly hôn để danh chính ngôn thuận sống với người tình. Anh không còn cách nào khác, đành chấp thuận trong đau đớn.
Chị đồng ý để con sống cùng chồng cũ cho đến khi anh tìm được hạnh phúc riêng. Những lúc buồn bã nhất anh thường hỏi tôi: “Không hiểu tại sao ra nông nỗi này? Bọn anh từng có quãng thời gian rất hạnh phúc”. Tôi không có câu trả lời bởi vì tôi là người ngoài cuộc. Mà tâm lý của những người đàn bà từng trải như vợ anh thì phức tạp vô cùng. Người ta bảo như mê cung, đúng thật chẳng sai.
Anh buồn nên ít gặp bạn bè, tôi cũng đã quên câu chuyện ấy. Cho đến lần tình cờ gặp vợ anh trong cuộc vui chung của bạn bè. Dù gặp nhau lần đầu nhưng vì tò mò, tôi không ngại ngần hỏi chị về cuộc hôn nhân tan vỡ. Chị cũng cởi mở trải lòng không giấu giếm, đôi khi ngập ngừng giữa chừng như thể cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Chị nói anh là người chồng mẫu mực, thành đạt, là người bố chu đáo với các con. Nhưng suốt những năm chung sống anh ít khi nào hỏi han xem chị nghĩ gì, cần gì; Chẳng mấy khi dành thời gian chuyện trò cùng vợ.
Anh cứ tưởng đi làm chăm chỉ, đưa đủ tiền cho vợ là xong. Cứ tưởng ngày nào cũng có mặt ăn hai bữa cơm là tròn trách nhiệm. Chị từng rất cô đơn, nhất là khi gặp nhiều bế tắc trong công việc. Những lúc ấy chị có than thở anh cũng chỉ nghe qua loa. Chuyện gì anh cũng khuyên “rồi đâu khắc vào đấy. Em đừng nghĩ nhiều thêm mệt”. Đó không phải là những lời chị mong đợi. Chị cần anh dẹp mọi chuyện khác sang bên, để nghe thấu đáo vấn đề rồi giúp chị tìm cách giải quyết hiệu quả nhất.
Nhưng anh lúc nào cũng bận bịu với công việc. Thời gian rảnh thì dành cho những mối quan hệ “rất quan trọng”. Trong khi đó, chị lại nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người đàn ông khác. Như một lẽ tự nhiên, chị ngả đầu về phía có bờ vai đang chờ sẵn. Chị nói, ngay cả cách anh níu kéo hôn nhân cũng thấy rõ một người chồng chẳng bao giờ quan tâm đến nỗi niềm của vợ.
Chị không cần những món quà đắt tiền, chỉ cần người đàn ông hiểu mình đến từng cái nhăn trán, nhíu mày. Tôi hỏi về cuộc sống hiện tại, chị cười bảo “dung dị mà ấm áp”. Nếu lúc nào đó anh nhắc lại cuộc hôn nhân này, liệu tôi có nên nói, mật mã hạnh phúc của người đàn bà từng đầu ấp tay gối với anh đơn giản là “chia sẻ”?
Mật mã của Lan, bạn tôi lại là “tự do”, khoảng trời tự do cần thiết để sống cho những đam mê của chính mình; Hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi để làm những gì mình thích. Chồng Lan lại khác, anh khao khát yêu cô một cách tuyệt đối, quan tâm đến từng hành động nhỏ. Anh nghĩ đó là sự hòa hợp cần thiết để vợ chồng chung sống hạnh phúc. Nhưng anh không chịu hiểu mình đang vô tình kiểm soát vợ gắt gao. Cảm giác được chồng yêu thương, chiều chuộng trôi qua rất nhanh, Lan chỉ còn cảm thấy sự ngột ngạt bao quanh ngôi nhà, nhiều lúc bức bí đến ngạt thở.
Lan không phải dạng phụ nữ trăng hoa, có đi ra ngoài cũng chỉ là gặp gỡ bạn bè, tìm những thú vui lành mạnh vừa giải trí vừa bổ trợ công việc. Cô bảo, đó là quãng nghỉ cần thiết cho mỗi người để cân bằng lại cuộc sống, nhất là với người có khối lượng công việc lớn như Lan. Nhưng cứ hễ bước chân ra khỏi nhà là chồng lại căn vặn hỏi đi đâu, đi với ai, hay là để anh đưa em đi cho yên tâm... Hai vợ chồng lại làm cùng công ty nên nhiều lúc Lan muốn “trốn việc” đi chơi cũng đừng hòng lọt qua tầm mắt của chồng.
Ban đầu Lan nín nhịn cho yên cửa yên nhà nhưng chính điều ấy lại khiến cô bực bội. Hôn nhân chứ không phải nhà tù, sống phải thoải mái thì hạnh phúc mới bền lâu được. Lan bắt đầu chống đối chồng bằng cách thỉnh thoảng đi du lịch một mình, chẳng thèm “đi thưa về trình”. Lan nghĩ chồng sẽ phản ứng mạnh mẽ, nhưng ngược lại, anh im lặng không nói một lời, tỏ rõ mình đang buồn chán. Chẳng phải vì anh không tin tưởng vợ, đơn giản là “hình như cô ấy hết yêu mình” nên mọi buồn vui vợ chẳng có nhu cầu chia sẻ nữa. Ý nghĩ ấy khiến anh tổn thương.
Thực ra Lan không định phá vỡ hôn nhân. Cô yêu chồng và chưa bao giờ nghĩ đến người đàn ông khác. Lan chỉ định cho chồng thấy quyết tâm muốn sống như ý mình mà không phải gò bó dưới sự kiểm soát của anh, để từ đó chồng thay đổi tư duy. Nhưng sự việc lại đi theo chiều hướng khác. Sau thời gian im lặng khá lâu, chồng Lan đưa ra yêu cầu: “Nếu em còn thương anh thì em đi đâu, làm gì cũng nên chia sẻ với anh. Kể cả những khó khăn cũng cần giãi bày để cùng nhau giải quyết. Còn nếu không thì chúng mình nên nghĩ đến chuyện ly thân. Anh không muốn sống bên người vợ chỉ coi chồng mình như chiếc bóng”.
Dĩ nhiên Lan chẳng thể chấp nhận yêu cầu đó của chồng, cô bực tức khi nghĩ anh chẳng khác gì một tên cai ngục. Thực ra, Lan và chồng không hiểu sâu sắc về người bạn đời, mỗi người chỉ mải nhìn chăm chú vào cái tôi “to lớn”. Người này không hiểu được người kia đang cần gì, nên chẳng thể cùng nhau bàn bạc để dung hòa cuộc sống.
Hai con người yêu thương nhau là thế, cuối cùng chỉ vì nhập sai mật mã mà không mở được cánh cửa cứu cánh hôn nhân. Thế mới nói chỉ tình yêu thôi thì chưa đủ. Làm thế nào để tìm đúng mật mã? Tôi e rằng câu hỏi này chỉ những người trong cuộc mới có câu trả lời.
Bình luận của bạn